Tranh luận về cách ăn Onigiri – lập luận gây hoang mang của phó hiệu trưởng trường đại học

Cứ tưởng ăn Sushi, Sashimi mới bị bắt bẻ về phong cách ăn uống, hoá ra món ăn dân dã như Onigiri cũng không thoát khỏi trở thành chủ đề của cuộc tranh luận này.

Văn hoá ẩm thực Nhật Bản rất đa dạng, nhưng đôi lúc gây bối rối vì có quá nhiều quy tắc. Cùng sử dụng đũa khi ăn, nhưng những việc chúng ta thường làm ở Việt Nam đôi khi lại không phải phép ở Nhật.

Ảnh http://blog.esuteru.com/archives/9532399.html

Gần đây, Michiko Honda, phó hiệu trưởng Học viện Infini Finishing (Finishing School là mô hình giáo dục cho nữ giới, đào tạo về văn hoá và các hoạt động xã hội) ở Fukuoka đã gây ra làn sóng tranh luận trên mạng khi chỉ ra cách ăn thích hợp với món Onigiri – cơm nắm.

Theo bà Honda, cách tốt nhất để hiểu về tầm quan trọng của cơm nắm nằm ở việc hiểu về tầm quan trọng của gạo trong văn hoá Nhật Bản. Gạo không chỉ là thức ăn chính của người Nhật, mà văn minh lúa nước đã dẫn tới tư duy định cư lâu dài trong thời cổ đại, khuyến khích sống tập trung, giúp tăng dân số, khai sinh ra nền nông nghiệp.

Cầu nguyện với Thần linh cho thời tiết đẹp để vụ mùa thuận lợi dẫn tới các nghi lễ tôn giáo vẫn còn được thực hiện tới ngày nay, đồng thời ảnh hưởng đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống và cả thể thao như Sumo. Các nghi lễ liên quan đến gạo bao gồm ubutatemeshi (dâng cơm cho Thần linh sau khi sanh nở), hay okuizome (bữa cơm đầu tiên cho em bé sau 100 ngày ra đời).

Phần lớn các phong tục văn hoá của Nhật đều bắt nguồn từ văn minh lúa gạo, bản thân cơm nắm cũng có lịch sử phát triển thú vị.
Vào thời Nara (710-794), trước khi việc dùng đũa phổ biến, gạo được nặn thành viên nhỏ để có thể cầm trên tay. Đến thời Heian (794-1185), viên gạo có hình ô van gọi là Tonjiki.

Từ Onigiri được sử dụng vào thời Edo (1630-1868), đồng thời món cơm nắm được phổ biến như một loại thực phẩm có thể mang đi du lịch, hay ăn lúc picnic, ngắm hoa,…

Cơm nắm ngày nay có thể được mua ở siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, nhưng hương vị tự làm vẫn là trên hết. Để nắn được viên Onigiri hình tam giác tiêu chuẩn cần rất nhiều kỹ thuật công phu. Bên cạnh đó bà Honda còn chỉ ra rằng khi nắn cơm phải nắn bằng lòng bàn tay (掌 – đọc là Tanagokoro hay Te no kokoro – hiểu nôm na là trái tim của tay) để ám chỉ việc nắn cơm phải làm bằng cả tấm lòng.

Bên cạnh lịch sử hình thành và tầm quan trọng của Onigiri trong cuộc sống thường nhật, bà Honda cũng đưa ra quan điểm về cách ăn đúng của món này. Theo bà, khi ăn cơm nắm cần chú ý giấu đi phần cơm giao với phần bị cắn ra, vì nếu để lộ sẽ không được đẹp mắt. Bạn cũng có thể chia cơm nắm ra làm 2 phần để dễ ăn hơn.

Ảnh https://www.nishinippon.co.jp/item/n/618350/

Ngoài ra bạn cần chú ý không để cơm dính vào tay khi ăn cơm nắm ở nơi công cộng, tránh trường hợp liếm tay đem lại cảm giác mất vệ sinh. Nếu gặp phải tình huống này nên dùng khăn để lấy cơm ra. Nếu Onigiri được cho vào hộp Bento, nên ăn bằng đũa thay vì bằng tay.

Tuy vậy hầu hết người Nhật khi ăn Onigiri không quan tâm đến các điểm này, do đó mà nổ ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

“Gì vậy, không phải sẽ tệ hơn khi tách cơm ra làm hai làm hạt cơm rơi xuống sao?”
“Onigiri là phải ăn bằng tay, và cũng không được làm ra để ăn một cách thanh lịch”.
“Bẻ ra làm hai thì cũng cần cắn chứ ai mà ăn hết một lần được”.
“Hay là nắn cơm vừa miệng để tránh những điều phiền phức này nhỉ”

Ảnh https://www.youtube.com/watch?v=rRexZyEHkAo

Các ý kiến chống lại quan điểm của bà Honda dựa trên lập luận rằng cơm nắm được ăn trong những tình huống thông thường, do đó cần thư giãn và thoải mái lúc ăn. Riêng bà Honda, với tư cách là một người dạy về nghi thức, muốn tạo ra sự tinh tế và thanh lịch cả trong những tình huống đời thường nhất.

Bà tin rằng những cách ăn này thể hiện được sự tôn trọng với món cơm nắm cũng như những vị Thần tồn tại trong hạt gạo.

Thế nhưng không phải người Nhật đã có quá nhiều quy tắc ẩm thực rồi sao? Đôi khi vẻ đẹp đến từ sự dân dã cũng là một dạng tinh tế đấy chứ !

 

 

 

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: