“Tăm tia” bữa ăn của Samurai thời Chiến quốc

Thời đại Edo bắt đầu từ năm 1603 là một kỷ nguyên hòa bình. Lúc này, thời đại Samurai đã kết thúc, hầu như không có chiến tranh xảy ra trong nước. 

Tuy nhiên, trước khi tiến đến giai đoạn này, Nhật Bản phải đi qua thời Sengoku (Chiến Quốc) – giai đoạn chiến tranh triền miên, nhằm tranh giành quyền kiểm soát đất nước. 

Trong giai đoạn đó, Samurai là những người đóng vai trò then chốt, bạn có thắc mắc họ ăn gì trong cuộc sống hàng ngày không? 

Samurai phải xây dựng một cơ thể khỏe mạnh để chiến đấu, vì vậy, chế độ ăn uống và tập luyện rất được chú trọng. Trong bài viết này, Japo sẽ bàn về bữa ăn của Samurai trong thời Sengoku. 

Ichijuu Issai – Bữa ăn đơn giản với một canh, một rau

Ảnh https://ja.wikipedia.org/wiki/一汁一菜#/media/ファイル:Jisaku_Kaiseki_Ryori_09.jpg

Bữa ăn Ichijuu Issai (Một canh, một rau) không chỉ là cách ăn của riêng Samurai mà còn là chế độ ăn của người dân trong thời Sengoku.

Lưu ý, đây không phải là chế độ ăn của người nghèo, Ichijuu Issai được áp dụng rộng rãi trong toàn dân.

Trong bữa ăn này, người Nhật không sử dụng gạo trắng mà chủ yếu sử dụng gạo lứt chưa xay và trộn thêm một số loại ngũ cốc vào.
Có hai cách nấu cơm, một cách giống như cách phổ biến hiện tại, cách còn lại là hấp.  Trong bữa ăn này, ngoài cơm và súp Miso còn có thêm một món ăn phụ. Đối với những gia đình giàu có, đôi khi trong bữa ăn còn có cả gà và cá, dù vậy, đây vẫn được xem là một bữa ăn đơn giản.

Hai bữa một ngày, không ăn tối

Với chế độ này, Samurai chỉ ăn hai bữa một ngày vào lúc 8h sáng và 2h chiều. Liệu ăn như vậy họ có ngất xỉu do đói không nhỉ? Hóa ra, họ ăn khá nhiều. Trong bữa cơm, một người ăn 5 bát là chuyện bình thường. 

So với gạo trắng, gạo lứt được các Samurai sử dụng có kết cấu chắc hơn, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Gạo lứt được xem là thực phẩm siêu việt, chỉ riêng nó là đủ chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho một bữa ăn.

Ngày nay, những người quan tâm đến sức khỏe cũng đưa gạo lứt vào chế độ ăn của mình. 

Bữa ăn trước khi ra trận

Japo đã giới thiệu cho các bạn bữa ăn hàng ngày của Samurai, vậy còn lúc chuẩn bị ra trận thì sao? Khi chuẩn bị lâm trận, Samurai sẽ được ăn thức ăn đặc biệt hơn. 

Hãy cùng xem qua bữa ăn của Samurai trước khi họ bước vào cuộc chiến quyết phân thắng bại với kẻ thù nhé.

Bữa ăn của Nobunaga Oda – vị Samurai thống nhất Nhật Bản

Ảnh https://tyanbara.org/business/sengoku-history/2017062625016/

Oda Nobunaga là vị Samurai huyền thoại trong thời kỳ Sengoku, ông là người có công thống Nhất Nhật Bản. 

Nobunaga thích ăn món mặn. Bên trái của bức ảnh là củ cải Misozuke. Đây là một loại dưa chua có vị mặn. Phía bên phải là Miso nướng. Sốt này rưới lên cơm ăn rất ngon. 

Hideyoshi Toyotomi – Vị Samurai chấm dứt thời kỳ Sengoku

Hideyoshi Toyotomi là con trai của một người nông dân. Sau khi trở thành chư hầu của Nobunaga Oda, với quyết tâm và nhiệt huyết, ông tiến hành thống nhất Nhật Bản.

Món ăn yêu thích của ông là bạch tuộc nướng Miso (không phải Takoyaki nhé). 

Trong thịt bạch tuộc có Taurine – một chất giúp phục hồi sức lực và có lợi cho não. Bên cạnh đó, ông cũng ăn thịt hổ. Ở Nhật Bản không có hổ nên ông đã cho nhập khẩu thịt hổ về. 

Vì lý do tôn giáo, người Nhật Bản lúc bấy giờ thỉnh thoảng chỉ ăn thịt gà và không ăn thịt các động vật khác. Với quyết tâm cao độ muốn thống nhất đất nước, Hideyoshi Toyotomi đã sử dụng quyền lực của mình để mua thịt hổ phục vụ cho trận chiến.

Thực phẩm ăn liền trong tình huống khẩn cấp 

Món này có tên là Imogaranawa (Imo có nghĩa là sợi dây), trông chẳng giống đồ ăn chút nào nhỉ?

Để làm Imogaranawa, người ta luộc cuống khoai môn trong Miso, rượu Sake và cá ngừ xé nhỏ, sau đó phơi khô. 

Đúng như tên gọi, món ăn này được sử dụng như một sợi dây kéo dài thời gian, là loại thực phẩm cấp cứu khi thức ăn cạn kiệt. 

Khi bỏ vào nước nóng, chúng ta sẽ có ngay một bát Miso. 

Món này chỉ cần ăn như vậy là ngon rồi và có hương vị như súp Miso thật. 

Bánh cứu đói Hyorogan

Món bánh này tựa như bánh quy, được chế biến bằng cách nhào gạo, bột shiratama-ko, bột kiều mạch, bột đậu nành và hạt mè với rượu sake, lăn thành hình tròn, hấp, sau đó phơi nắng.

Ăn bánh 2-3 bữa một ngày giúp tránh bị đói và mất sức. Bánh khô ráo nên có thể thoải mái mang đi khắp nơi. Bánh này trông đẹp hơn nhiều so với món Imogaranawa bên trên nhỉ. 

Ngoài ra, còn một món bánh tương tự tên là Misodama. 

Món này được làm bằng cách vo Miso nướng lại thành hình tròn vừa ăn, món này có thể biến thành súp Miso hoặc ăn không đều ngon. 

Đó là những bữa ăn đơn giản của Samurai – những người có cuộc sống xoay quanh chiến trận. Bước sang thời kỳ Edo – kỷ nguyên hòa bình, người Nhật đã phát minh ra nền văn hóa dành cho người sành ăn như Sushi và Soba. Kèm theo chế độ ăn mới này là nhiều loại bệnh tật khác nhau, vì vậy, giờ đây người ta bắt đầu quay trở lại tham khảo chế độ ăn đơn giản ngày xưa. 

Các bạn có để ý là hầu như trong bữa ăn nào người Nhật cũng sử dụng Miso không? Miso chính là bí mật cho nguồn sức khỏe dồi dào của người Nhật đấy.

Kengo Abe
Xem thêm: