Có nhiều hình dạng, vì sao bánh Taiyaki hình con cá lại được yêu thích nhất?

Taiyaki là một loại đồ ngọt hình con cá, trông rất dễ thương. Hình dáng của con cá này là cá tráp biển. Vỏ ngoài Taiyaki làm bằng bột mì, nhân bên trong thường là mứt đậu đỏ (ngày nay cũng có cả nhân kem).

Ảnh https://urbanlife.tokyo/post/65032/

Vừa dễ thương vừa ngon miệng, vì vậy món này vô cùng phổ biến, nam nữ ở mọi lứa tuổi đều thích Taiyaki, ngay cả người nước ngoài cũng vậy.

Nguồn gốc của Taiyaki được cho là xuất phát từ cửa hàng Naniwaya Sohonten nằm ở Azabujuban, một quận của Minato, Tokyo. Cửa hàng được thành lập vào năm 1909.

Ban đầu, Taiyaki có hình trụ. Sau này, khuôn đúc phát triển hơn với nhiều hình dạng dễ thương bắt mắt, từ đó Taiyaki mới có hình dáng như hiện tại.

Bên cạnh Taiyaki, nhiều món đặc sắc khác ra đời với đủ loại hình dạng kỳ lạ. Người ta có thể tạo ra những chiếc khuôn phức tạp với công nghệ đúc được phát triển qua cuộc chạy đua vũ trang trong chiến tranh.

Một trong số đó là món Ningyo-yaki (Bánh nướng hình người).

Ningyo-yaki có hình dáng một vị thần, chẳng hạn như Bảy vị thần may mắn. Gần đây, Ningyo-yaki thường được làm hình gấu trúc hay một nhân vật Anime nổi tiếng. Vỏ bánh Ningyo mềm, bánh ăn ở nhiệt độ phòng.

Một loại bánh khác là Kame-yaki. Bánh này cũng có tên là Kame no ko yaki, Kame có nghĩa là rùa. Ở Nhật, rùa tượng trưng cho sự trường thọ, vậy nên bánh Kame-yaki mang ý nghĩa chúc mừng (Omedetai).

Kame-yaki là phiên bản cũ hơn của Taiyaki.

“Tai” trong “Taiyaki” có thể hiểu là “Omedetai” mang nghĩa chúc mừng và Tai – cá tráp. Cái tên cũng góp phần khiến món ăn trở nên phổ biến nhờ kết hợp giữa hình dáng dễ thương và ý nghĩa tốt lành.

Sau khi bánh Taiyaki hình cá tráp biển ra đời, những chiếc bánh Kame-yaki hình rùa ít dần đi. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có một số cửa hàng làm bánh Kame-yaki, đây là hình dạng của bánh.

Ảnh https://tabelog.com/tokyo/A1330/A133002/13212872/

Tại sao rùa lại thua cá tráp nhỉ?

Có người nói rằng vì người Nhật Bản hiếm khi ăn thịt rùa. Cũng có một số người ăn thịt ba ba để bổ sung dinh dưỡng, nhưng hầu hết người Nhật chưa ăn món này bao giờ. Ngược lại, cá tráp biển là món ăn phổ biến hơn.

Vậy ra đó là cách mà Taiyaki (hình con cá) trở thành món bánh “chính thức”.

Bạn có biết rằng có hai loại Taiyaki, một loại “tự nhiên” và một loại được “nuôi trồng hàng loạt”?

Tất nhiên, cá tráp thật sự cũng có hai loại. Cá đánh bắt tự nhiên sẽ đắt hơn, thịt cá chắc và có màu đẹp mắt.

Khuôn để nướng Taiyaki có tên là Iccho-yaki. Bánh Taiyaki được nướng cẩn thận từng chiếc một trên Iccho-yaki là loại “tự nhiên”. Trái lại, nướng nhiều bánh cùng lúc trên một tấm nướng lớn là “nuôi trồng hàng loạt”!

Không biết mùi vị giữa hai loại này có khác nhau không, nhưng các cửa hàng lâu năm đều chọn loại “tự nhiên”.

Vừa dạo quanh Tokyo, vừa ăn Taiyaki và phân biệt xem đó là “tự nhiên” hay “nuôi trồng hàng loạt”, cũng vui chứ nhỉ !!!

Kengo Abe
Xem thêm: