Người Nhật có thể ăn sống gần như mọi thứ, trừ loài động vật “bí ẩn” này. Tại sao?
Sushi và Sashimi là hai món đặc trưng mà ai yêu thích ẩm thực Nhật Bản cũng ghiền. Thế nhưng nhiều người không ăn được đồ sống nên cảm thấy khá kỳ lạ. Không những cá mà người Nhật còn ăn sống nhiều loại thịt khác như thịt bò hay thịt ngựa. Không những thế, có một loại cá cực độc là cá Nóc đã từng xuất hiện rất nhiều trong các bản tin ngộ độc thực phẩm, có thể gây tử vong, nhưng kể cả vậy người Nhật vẫn có thể ăn sống. Đúng là một dân tộc kỳ lạ phải không?
Thế nhưng dù là người Nhật, họ tuyệt đối không ăn sống loài động vật này. Bạn có biết đó là con gì không?
Vâng, chính là Lươn (tiếng Nhật là 鰻: Unagi).
Con lươn trông nhầy nhụa, ngoại hình không được ưa nhìn, nên người Nhật không ăn là đúng rồi. Thật ra người Nhật vô cùng thích ăn lươn, đặc biệt vào những ngày nóng nực. Nhưng đây là cách mà họ ăn…
Cách nấu lươn đa dạng theo từng vùng, trong trường hợp Kanto, lươn được nướng, hấp để tạo độ béo ngậy, ngâm trong nước sốt đậm đà ăn cùng cơm rất ngon.
Ngoài ra nội tạng của Lươn còn được dùng để làm món Kimosui (súp gan lươn). Mặc dù rất thích lươn, nhưng vì một số lý do, người Nhật không ăn lươn sống.
Nguyên nhân là do trong máu lươn có độc. Ăn phải độc này gây đau bụng dữ dội, tiêu chảy và nếu ăn nhiều có thể gây tử vong.
Không riêng gì lươn mà cá Chình (鱧: hamo), Lươn biển (アナゴ: Anago) cũng có cùng một loại độc tố.
Tuy nhiên bằng cách nướng trên lửa, độc này sẽ tan biến, do đó bạn có thể yên tâm ăn các loại lươn, cá chình nướng.
Nhắc về động vật có độc, sẽ là một sự thiếu sót nếu bỏ qua Fugu (cá Nóc), việc người Nhật ăn Sashimi cá Nóc hẳn đã làm nhiều người bất ngờ.
Ngoại hình của cá Nóc lúc phình to trông như đang giận dữ, khá đáng yêu, nhưng bên trong cơ thể chứa một lượng lớn độc tố mà chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây chết người.
Nhưng độc tố cũng không làm khó được người Nhật trong niềm đam mê Sashimi của mình.
Vậy sao người Nhật có thể xử lý độc của cá Nóc, lại không xử lý được độc của lươn, vấn đề nằm ở vị trí chứa độc. Độc của cá Nóc là trong nội tạng, độc của lươn nằm trong máu. Nếu có thể cẩn thận làm cá Nóc mà không đụng chạm đến cơ quan nội tạng khiến độc lan ra, chúng ta vẫn có thể ăn được cá Nóc sống. Nói là nói như vậy, nhưng độc là độc, và nguy cơ khi ăn là không thể tránh khỏi, do đó đầu bếp làm Sashimi cá Nóc đòi hỏi phải có bằng cấp.
Ngoài cá Nóc và lươn, vẫn còn nhiều động vật chứa độc khác, một số có thể ăn sống được, một số thì không. Hiện tại chúng ta biết rõ điều này, nhưng trước kia, để có thể xác minh, không biết đã có bao nhiêu người phải hy sinh? Nghĩ đến đây quả nhiên không tránh khỏi cảm giác nặng nề.
Kengo Abe