Tìm hiểu các doanh nhân Nhật Bản (P2) – Phát minh cứu cánh rất nhiều người.

Nhật Bản là đất nước có những phát minh quan trọng, độc đáo, gắn liền với đời sống của mọi người. Trong đó mì ăn liền chính là phát minh cực kì quan trọng, cứu cánh rất nhiều người trong thời gian khó khăn về tài chính. Đây chính là món ăn gắn liền với sinh viên Việt Nam.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ sơ về nó nhé.

Cha đẻ của mì ăn liền là Momofuku Ando

Momofuku Ando sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở  Kagi, Đài Loan. Ông mồ côi cha mẹ từ sớm, sống với ông bà nội ở Đài Nam. Lớn lên ông làm trong một cửa hiệu bán vải lụa của ông bà nội.

Năm 22 tuổi, Ando ông thừa kế tài sản của cha mẹ mình, thành lập công ty kinh doanh sợi dệt ở Đài Bắc. Hồi ấy, do ít người buôn hàng dệt kim nên việc kinh doanh của ông lên như diều gặp gió. Năm 1933, trên đà phát triển, ông sang Nhật thành lập “Nhật Đông Thương Hội” ở Osaka, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Đồng thời ông cũng theo học trường Đại học Ritsumeikan, khoa kinh tế.

 

Cha đẻ của mì gói Momofuku Ando (nguồn internet)

Sau thế chiến thứ hai, Nhật Bản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nền kinh tế bị tàn phá chưa từng thấy, khiến cho hàng triệu người không có việc làm, sống trong cảnh khốn khó. Lúc này lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ, năng lượng điện, than, dầu trở nên khan hiếm.

Ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại

Không chịu bó tay trước hoàn cảnh và chịu sự cứu trợ từ người Mỹ, Ando quyết định mở công ty kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm. Năm 1948 ông thành lập công ty thực phẩm Nissin. Ban đầu công ty ông sản xuất muối theo phương pháp thủ công rất đơn giản. Cũng trong thời gian ấy, ông xin nhập quốc tịch Nhật Bản và chính thức trở thành công dân nước này.

Hồi ấy, do thiếu lương thực, người dân phải ăn bột mì do Mỹ viện trợ. Bộ Y tế khuyên mọi người chế biến bột mì thành bánh mì theo kiểu của người Mỹ để có thể ăn nhanh và tiện lợi, giảm bớt thời gian nấu nướng cũng như tiết kiệm nhiên liệu – thứ được xem là mặt hàng xa xỉ.

 

(Nguồn internet)

Sau một lần trăn trở khi chứng kiến người ta xếp hàng dài chờ mua những tô mì trong đêm giá lạnh, lúc này ông kiến nghị bộ Y tế tại sao lại khuyến khích người dân ăn bánh mì trong khi họ đã quen ăn gạo và mì sợi. Nhận được câu trả lời không mấy khả quan, ông quyết định cải tiến quá trình sản xuất mì có thể cho ra loại mì chế biến một cách đơn giản và nhanh chóng.

 

(Nguồn internet)

Để thực hiện được điều đó, ông đã tốn rất nhiều công sức và thời gian, trải qua hàng trăm lần thất bại. Điều khó nhất ông gặp phải lúc này là làm thế nào để sợi mì có thể nhanh chóng hút nước sôi, nở to ra và chín ngay. Một lần để ý vợ dùng dầu chiên Tempura, ông nảy ra ý tưởng mình dùng dầu chiên mì có thể nó sẽ hút nước nhanh chóng và nở to ra.

Sau nhiều lần thất bại, 25/08/1958 ông sản xuất thành công lô mì đầu tiên, nhưng mì gói lúc này có giá khá đắt so với các loại mì truyền thống. Để cho mì có vị ngon hơn, ông ngâm chúng trong nước xúp hầm từ xương gà và sấy khô. Cuối cùng ông cũng hoàn thành loại mì ăn liền đầu tiên vị gà mang tên Chikin Ramen.

 

Mì Chikin Ramen của Nissin (nguồn internet)

Loại thực phẩm này chế biến rất đơn giản, chỉ cần lấy vắt mì cho vào tô, sau đó đổ nước sôi vào, đậy kín một lúc là ăn được. Với sự tiện lợi như vậy rất phù hợp với người Nhật thời buổi khó khăn thiếu thốn lương thực. Sau này ngày càng công nghiệp hóa, món ăn này lại thích hợp với những người không có thời gian ăn uống.

Thấy mì ăn liền bán đắt như tôm tươi, nhiều người nhảy theo sản phẩm Ramen để kiếm lợi nhuận. Không lâu những người ăn sản phẩm Ramen đều bị ngộ độc. Để bảo vệ uy tín của mình, ông xin cấp bằng sáng chế và đăng kí nhãn hiệu sản phẩm. Năm 1962, đơn của ông được thông qua và công ty ông chính thức đăng kí bản quyền sản phẩm.

 

Tô mì Chikin Ramen (nguồn internet)

Năm 1964, Momofuku Ando đã làm một “cử chỉ hào hiệp” chấm dứt độc quyền sản phẩm mì ăn liền, thành lập Hội Công nghiệp Mì sợi Nhật Bản và công khai sáng chế của ông để mọi người cùng hưởng lợi.

Mì ly ra đời, thay đổi thói quen ẩm thực của thế giới

Ông bắt đầu nghĩ rộng hơn về tương lai của mì ăn liền. Lúc này ông quyết định mở rộng thị trường ra nước ngoài. Ando quan sát thấy người phương Tây dùng dao và nĩa khi ăn không giống như người phương Đông khi ăn dùng đũa.

Ông nảy ra ý tưởng đóng gói những vắt mì vào những cái ly giấy to và không thấm nước, bên trong có nĩa. Như thế người nước ngoài có thể ăn mì mà không cần dùng đến tô và đũa giống người phương Đông. Ông bắt đầu mở công ty đầu tiên tại Mỹ năm 1970.

 

Mì ly Nissin (nguồn internet)

Năm 1971, mì ly “Cup Noodle” đầu tiên trên thế giới ra đời, làm thay đổi văn hóa ẩm thực trên toàn thế giới, giúp người tiêu dùng có thể ăn bất kì đâu, bất cứ lúc nào. Nissin bắt đầu chiếm lĩnh thị trường quốc tế, đem lại giá trị xuất khẩu cao cho nền kinh tế Nhật Bản.

Từ năm 1963, công ty Nissin đã niêm yết  thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka, nguồn vốn từ mọi người đổ vào công ty khiến cho sản lượng tăng lên một cách chóng mặt, thỏa mãn thị thực trong nước và quốc tế.

Những thành tựu đáng kinh ngạc

Năm 2004, đã có hơn 70 tỉ gói mì được bán ra. Năm 2005 toàn thế giới đã tiêu thụ hơn 85,7 tỉ gói mì ăn liền, trung bình một người ăn 12 gói mì, một con số không tưởng.

Cùng thời gian đó, ông nghiên cứu thành công “mì không gian” có thể ăn trong môi trường không trọng lực và cung cấp mì cho phi hành gia Nhật Bản Soichi Noguchi trong chuyến bay trên tàu con thoi Mỹ Discovery lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.

 

Mì không gian (nguồn internet)

Với những thành tựu nổi bật đó, Công ty Nissin Foods trở thành công ty bán mì chạy nhất Nhật Bản. Hơn thế, công ty vươn ra thế giới với 47 nhà máy sản xuất, sản phẩm được bán trên 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì gói trên toàn cầu.

Năm 1999, Momofuku Ando lập “Nhà bảo tàng Mì Ramen” mang tên ông ở Ikeda thuộc tỉnh Osaka cho mọi người đến tham quan.

 

Nhà bảo tàng mì (nguồn internet)

Viện nghiên cứu Fuji đã tiến hành một cuộc khảo sát dư luận về những sản phẩm xuất khẩu tốt nhất thế kỉ XX. Kết quả bất ngờ, mọi người đều bình chọn mì ăn liền là phát minh số 1 trên cả Karaoke, máy nghe nhạc walkman và máy trò chơi điện tử Nintendo. Từ một món ăn thông dụng, mì ăn liền trở thành một trong các biểu tượng văn hóa của Nhật Bản.

Người ta tôn vinh mì ăn liền của ông như là “cống hiến vĩ đại làm thay đổi thói quen ẩm thực trên toàn thế giới”. Momofuku Ando được mọi người ca tụng là “vua của mì ăn liền”.

Một lần ông chia sẻ bí quyết sống thọ của mình là chơi golf và ăn mì ăn liền hầu như mỗi ngày. Đến khi ông mất do suy tim ông vẫn ăn mì.

Như vậy nhờ có ông Momofuku Ando mà chúng ta có được những gói mì ăn liền tiện lợi và ngon ngất ngây như ngày hôm nay. Bên cạnh đó còn có những sản phẩm phiên bản khác như, phở ăn liền, miến…

Nếu như ngày xưa ông ấy không công khai sáng chế của mình thì bây giờ giá của một gói mì ăn liền có thể đắt đến không tưởng và nhiều người có thể lâm vào hoàn cảnh thiếu cái ăn.

Một câu nói của ông cho thấy sự đức hạnh của vị doanh nhân này “Hòa bình sẽ đến với thế giới nếu như mọi người có đủ đồ ăn và thức uống”.

Cảm ơn mọi người đã chịu khó theo dõi và hãy đón xem nhân vật kì tới sẽ là ai.

Ashirogi

Tìm hiểu các doanh nhân Nhật Bản Cựu chủ tịch tập đoàn Panasonic

20 phát minh tuyệt vời của Nhật Bản đã thực sự thay đổi thế giới

Phát minh của Nhật có thể làm thay đổi cuộc đời người khiếm thính!

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: