6 loại mì Ramen phổ biến nhất Nhật Bản

Nhật Bản là một trong những thiên đường ăn uống với nền ẩm thực độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Nếu nói đến ẩm thực Nhật Bản thì chúng ta không thể không nhắc đến Ramen – một loại mì gần gũi với người dân xứ hoa anh đào.

Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu 6 loại Ramen phổ biến nhất nước này nhé!

1.Shoyu Ramen

Đúng vậy Shoyu chính là “xì dầu” trong tiếng Nhật. Khác với các loại Ramen khác, món này có màu nâu của xì dầu và hương thơm thanh nhẹ của đậu nành. Sợi mì thường là loại sợi nhỏ giúp cho nước dùng mau thấm vào trong hoặc khi ăn dễ dàng thưởng thức được cả sợi mì lẫn vị của nước dùng.

Một tô ramen hấp dẫn

Thành phần chính để nấu nước dùng là thịt nấu với các rau củ và xì dầu. Tùy từng vùng miền mà loại Ramen này có cách nấu nước dùng khác nhau. Ban đầu nó có vị đậm đà của thịt sau đó dần chuyển sang ngọt từ rau củ và cuối cùng là thanh thanh từ đậu nành. Sự kết hợp như vậy quả là độc đáo và làm cho thực khách không cảm thấy ngán.

Tô ramen này chắc phù hợp với phái nữ.

Một tô Shoyu Ramen thường có măng khô, hành lá, chả cá, rong biển, trứng luộc, chasu (một loại thịt xá xíu)…Chỉ cần một tô Shoyu Ramen này, các bạn có thể lấp đầy cái dạ dày đang gào thét vì đói. Món này rất phổ biến ở Tokyo và được nhiều người nước ngoài biết đến.

Tô này có vẻ cay cay.

2. Tonkotsu Ramen

Tô Tonkotsu cực kỳ béo

Nước dùng của Tonkotsu thường đặc và có màu trắng nhạt. Nguyên do là vì món này dùng xương heo và mỡ heo hầm trong nhiều tiếng đồng hồ. Đó cũng giải thích tại sao người ta gọi là Tonkotsu.

Tô này chắc chắn dành cho những người sành ăn

Nếu những thực khách nào đã quen với việc ăn nhạt thì khi ăn món này họ đều vô cùng bỡ ngỡ. Nước dùng Tonkotsu được hầm từ xương heo và mỡ nên thường có vị béo ngậy như sữa, đậm đà và ngọt dịu từ xương heo. Sợi mì của món này thường khá nhỏ để thực khách có thể cảm nhận được cả hai thứ mì và nước dùng.

Vừa cay cay vừa béo, thật là tuyệt vời

Tonkotsu thành thường đi kèm với thịt heo, gừng đỏ muối chua, trứng luộc, hành và một số loại rau. Loại Ramen này có xuất xứ từ vùng Kyushu và có cái tên khác là Hakata.

3. Shio Ramen

So với Tonkotsu béo ngậy bên trên thì món này cũng kén người ăn không kém. Shio có nghĩa là “muối” và nước dùng của loại Ramen này thuộc loại lâu đời nhất và được nấu từ nhiều loại muối kết hợp với thịt gà hoặc xương heo khác nhau.

Nước dùng thường trong, có màu vàng, sự đậm đà của loại Ramen này là không thể chối cãi và khước từ. Loại mì này thường đi kèm với Chashu hoặc có thể thay thế bằng mận ngâm hoặc chả cá, trứng luộc và một số loại rau.

Cũng vì món này là một món mặn nên những người thường ăn nhạt khó có thể thưởng thức trọn vị của món này. Nếu thực khách nào lỡ gọi Shio Ramen “đậm đà” thì hãy thêm từ “cay” vào để có một trải nghiệm không bao giờ quên.

4. Miso Ramen

Mặc dù loại mì này đã có từ rất sớm nhưng ở Hokkaido Miso Ramen mới xuất hiện từ năm 1960. Nếu chúng ta xem Shio Ramen như những bô lão già dặn cuộc đời thì với Miso Ramen có thể xem như một cô gái ngọt ngào.

Thật vậy, vị của Miso Ramen không mặn như Shio Ramen mà thường có vị ngọt nhẹ, cùng với hương thơm hấp dẫn thực khách. Để có được sự quyến rũ ngây ngất lòng người, người ta nấu nước dùng cùng với thịt gà kết hợp với cá, nhiều lúc có mỡ heo nấu trong nhiều giờ để tạo ra được hương vị ngọt nhẹ nhưng quyến rũ.

Miso Ramen thường có sợi to, dày và hơi xoăn tạo nên nét riêng biệt của mình. Cũng giống với nhiều loại Ramen khác, mì này đi kèm với trứng luộc, Chashu, chả cá và đặc biệt món này có nhiều rau cùng với bắp tạo điểm nhấn đối với loại mì ngọt này.

Miso Ramen ở Hokkaido

5. Tsukemen Ramen

Loại mì này còn được gọi là mì lạnh. Khác với các loại mì khác ăn vào trời lạnh, Tsukemen Ramen được người Nhật ưa thích khi ăn vào trời nóng nực. Cảm giác mát lạnh từ sợi mì có thể làm vơi đi phần nào sự oi bức, nóng nực vào mùa hè.

Sợi mì của Tsukemen Ramen thường to hơn hẳn các sợi mì khác kể cả Miso Ramen. Điểm nhấn của loại mì này là không chan nước dùng vào chung 1 tô mà để riêng ra 2 tô. Sợi mì được luộc chìn và đem đi làm lạnh. Khi ăn thực khách gắp mì sau đó chấm với nước dùng rồi thưởng thức.

Nước dùng của Tsukemen thuộc loại đặc biệt nhất trong tất cả các loại mì. Nước dùng được hầm trong nhiều giờ cùng với các nguyên liệu, vì thế nó sánh đặc, có màu đậm hơn và hương vị mạnh hơn so với các loại nước súp theo tiêu chuẩn.

6. Mì ăn liền

Đúng vậy đây chính là loại mì phổ biến nhất ở Nhật. Không dừng lại ở đó, mì ăn liền còn tấn công ra thị trường quốc tế và không ai là không biết cả.

Tất cả là nhờ ông Momofuku Ando đã sáng tạo ra loại mì tiện dụng này. Công ty Nissan Foods đi đầu trong ngành sản xuất mì ăn liền, phục vụ nhu cầu trong nước và ngoài nước.

Đến nay có tới rất nhiều loại mì và hương vị khác nhau, làm phong phú thêm nền ẩm thực thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng.

Như vậy chúng ta đã biết các loại mì phổ biến nhất Nhật Bản.

Đó chưa hẳn là tất cả. Ở các vùng khác nhau, họ còn có cách chế biến và thưởng thức khác nhau.

Các bạn đã thấy thèm chưa nào. Hãy thử những món Ramen này khi sang Nhật nhé. Chúc các bạn ngon miệng.

Ashirogi

[Đừng bỏ lỡ] Cơ hội thưởng thức món ăn thuần Nhật, ngay tại Việt Nam

Yakisoba- Món ăn yêu thích của nhiều người Nhật

Bạn có biết 6 món ăn mùa xuân đang “gây sốt” tại Nhật không?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: