Bạn có biết rõ món “rong biển” của Nhật không?
Tại Nhật Bản, người ta phát hiện có khoảng 1.500 loài rong biển khác nhau, chúng phân bố ở các vùng biển trên khắp cả nước mà khi đi du lịch Nhật Bản chúng ta cũng có thể được tham quan. Nhật được xem là nơi có nguồn rong biển dồi dào trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 100 loài rong biển trong số đó có thể ăn được.
Là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lượng calories lại thấp, rong biển hiện được xem là thức ăn tốt cho sức khỏe. Nên từ lâu, người Nhật đã sử dụng sản vật từ biển này để chế biến món ăn. Trong ẩm thực, rong biển được người Nhật chia ra làm 3 loại gồm: rong biển miếng nori, rong biển bẹ konbu và rong biển sợi Tengusa dùng làm rau câu.
Rong biển nori thường được cắt ra thành những miếng nhỏ hình chữ nhật để cuộn sushi. Rong biển nori xuất hiện nhiều tại các bãi đá ven biển, nơi có ngọn sóng lớn. Khi thủy triều xuống, chúng phơi mình trên bãi đá, người ta chỉ việc thu gom những sợi rong đen nhánh và mang về nhà sơ chế.
Mùa thu hoạch rong biển nori kéo dài trong suốt 3 tháng mùa đông. Người hái rong biển dùng tay nhổ cả gốc rong bám trên đá. Ngoài rong biển nori tự nhiên, từ lâu, người Nhật cũng đã trồng loại rong biển này để cung cấp cho thị trường.
Rong biển thu hoạch về chưa qua sơ chế được gọi là Namanori, tức rong biển nori tươi. Rong biển dạng này có hàm lượng calories cao nhưng đổi lại khó bảo quản.
Rong biển đã qua xử lý bằng cách sấy khô và ép thành từng miếng mỏng được gọi là Itanori, tức rong biển nori miếng. Itanori được sử dụng rất phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản. Một miếng rong biển Itanori nặng 3 gram có thành phần dinh dưỡng tương đương 1/5 chai sữa 250 ml và 1/5 quả trứng. Chính vì vậy, ngay từ xa xưa, người Nhật đã dùng rong biển nori như nguồn thực phẩm cung cấp dưỡng chất quan trọng.
Sushi là món ăn nổi tiếng của Nhật Bản mà tên tuổi của nó gắn liền với rong biển nori.
Sushi được cuộn từ rong biển nori gọi là Makisushi, thành phần nguyên liệu gồm rong biển cuộn với cơm trộn giấm và những thực phẩm khác.
Người Nhật gọi rong biển nori bọc cơm nắm là Onigiri.
Ngoài ra, rong biển Itanori có thể được kết hợp với nhiều món ăn khác, mỗi món mang một hương vị riêng nhưng đều có điểm chung là bổ dưỡng.
Lâu đài Himeji – một di sản thế giới nổi tiếng của Nhật Bản – được tô điểm bởi gam màu trắng trên mái nhà và vách tường. Nhưng ít ai biết rằng, màu sắc độc đáo này được tạo ra từ rong biển nori.
Rong biển Funori là một chủng loại của rong biển nori. Khi nấu ở nhiệt độ cao, rong biển funori sẽ có độ kết dính giống như keo nên giới kiến trúc dùng nó làm vật liệu phổ biến trong xây dựng. Người ta trộn bột nhão funori cùng với vôi trắng để tạo ra loại hồ phủ lên bề mặt tường. Lớp hồ này vừa có tác dụng chống thấm tốt vừa bền mà màu sắc lại bắt mắt.
Bên cạnh rong biển nori, người Nhật còn sử dụng rong biển bẹ konbu để chế biến món ăn. Rong biển konbu phân bố nhiều nhất tại vùng biển thuộc Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản. Mùa hè là thời điểm thu hoạch rong biển konbu lý tưởng nhất. Rong biển được nhổ lên khỏi mặt nước bằng một cây sào dài chuyên dụng. Rong biển konbu có kích thước khá lớn, bề ngang của lá rong khoảng 6 cm và dài đến 10 mét. Sau khi thu hoạch, rong biển konbu được người dân phơi ngay trên bãi biển.
Rong biển konbu thường được sử dụng trong món ăn ngày tết Osechi hoặc dùng làm vật trang trí trong tín ngưỡng Thần đạo với ý nghĩa cầu may mắn, tài lộc. Người Nhật còn dùng nó để làm quà tặng trong các sự kiện vui. Mỗi cây rong chỉ có một hoặc vài bẹ nhưng chúng phát triển rất mạnh mẽ, do đó, rong biển konbu được xem là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt.
Rong biển konbu khô là nguyên liệu quan trọng để nấu món nước dùng dashi. Khi được nấu chín, rong biển tiết ra acid glutamic – một acid amin quan trọng cho sự phát triển của não bộ và sự tăng trưởng của cơ thể. Nước dùng dashi có hương thơm rất đặc trưng, nó vừa tạo vị hấp dẫn cho món ăn vừa cung cấp dưỡng chất.
Cuối cùng là rong biển sợi Tengusa, loại rong biển này có mặt trên khắp các vùng biển của nước Nhật. Công việc thu hoạch rong biển tengusa có phần vất vả, người ta phải lặn xuống đáy biển để hái rong. Rong sau khi thu hoạch cũng được phơi ngay trên bãi đá ven biển. Rong biển tươi có màu tím thẫm, nhưng qua quá trình chế biến, nó sẽ cho ra một màu trắng trong.
Hầu hết rong biển tengusa được nấu lên và bảo quản trong một thời gian dài trước khi mang ra sử dụng. Rong biển sau khi nấu nhừ sẽ đông lại gọi là Tokoroten. Tuy nhiên, torokoten rất dễ vỡ.
Đến mùa đông, tokoroten trải qua một quá trình xử lý để cho ra thạch rau câu Kanten có độ dai và giòn. Những đêm đông tuyết rơi, người ta mang tokoroten ra phơi ngoài trời để nó trở nên cứng như đá. Sau 2 tháng bảo quản và xử lý trong tiết trời giá lạnh, sản phẩm cuối cùng là những thỏi rau câu kanten có màu trắng trong.
Thạch rau câu kanten không có mùi vị, nhưng lại rất giàu chất sơ và không có calories. Món ăn này được cho là giúp giảm cholesterol và huyết áp. Thạch rau câu kanten là món ăn được người Nhật ưa thích vào những ngày hè. Màu sắc cùng vị mát lạnh của món ăn giúp xua tan cái nóng oi ả.
Theo Samurai Tour