Lý do bất ngờ khiến các loại bánh kẹo này biến mất ở Nhật
Khi còn nhỏ, chắc hẳn ai cũng có thời “chìm đắm” trong thế giới đồ ngọt, mỗi người lại thích một loại kẹo khác nhau. Nhưng giả sử đến một ngày, bạn bỗng nhận được tin loại kẹo yêu thích bị ngừng sản xuất, cảm giác lúc ấy chắc hẳn sẽ rất hụt hẫng.
Các bạn đã bao giờ trải qua cảm giác giống như thế?
Gần đây, ở Nhật Bản tôi có cảm giác những tin buồn ấy ngày một nhiều lên. Loại kẹo tuổi thơ của tôi ngon lành là thế, vậy mà… Có lẽ không chỉ tôi mà nhiều Fan hâm mộ lâu năm của các hãng kẹo cũng vô cùng tiếc nuối.
Vậy nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ngừng sản xuất là gì?
CHOCO Flake (森永チョコフレーク)
Ảnh: https://www.amazon.co.jp/森永製菓-森永-森永チョコフレーク-114g×12袋/dp/B00N1GIJSK
Loại bánh này vô cùng nổi tiếng đến nỗi những ai cùng thời với tôi hẳn đều đã từng thưởng thức qua.
Kết cấu giòn rụm phủ bên ngoài là lớp sô cô la ngọt. Độ ngọt của Sô cô la hòa với độ giòn của Flake tạo nên một sự kết hợp vị giác cân đối, vừa tận hưởng được hương vị của bánh, vừa nhai bánh rôm rốp, cảm giác rất thú vị.
Thế mà, đến năm 2018, CHOCO Flake đã tuyên bố ngừng bán sản phẩm này. Lý do đó là vì “công nghệ hóa” !
Nghe có vẻ không mấy liên quan nhưng thật ra chúng liên quan mật thiết đến nhau. Thời đại công nghệ hóa khiến điện thoại thông minh trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống. Nếu vừa ăn CHOCO Flake vừa bấm điện thoại thì màn hình sẽ trở nên nhớp nháp, vì thế mà doanh thu bán ra của loại bánh này sụt giảm nghiêm trọng. Và thế là CHOCO Flake “đầu hàng” trước sự gia tăng như vũ bão của số người sử dụng điện thoại thông minh. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên trên thế giới một loại kẹo ngừng sản xuất vì điện thoại lên ngôi.
Himo Q (ひもQ)
Ảnh: https://www.cocokarafine.co.jp/f/dsg_4902777188225
Đây là loại kẹo dẻo hình dạng dài như sợi đây với hai vị Cola và Soda. Vì loại kẹo này có thể kéo dãn nên dùng để chơi được nhiều trò chơi, vị kẹo cũng rất ngon nên được “lòng” nhiều đứa trẻ. Bạn có thể vừa kéo, vừa buộc vừa đan các sợi “dây” kẹo dẻo lại với nhau, tóm lại là rất vui.
Nhưng đến năm 2019 thì ngừng sản xuất. Nguyên nhân là do nhà máy chế biến đã cũ kỹ. Có vẻ như sức hút của Himo Q không còn như trước khiến hãng kẹo quyết định không đầu tư để vào dây chuyền sản xuất mới.
Ume Jam (梅ジャム)
Ảnh: https://www.nikkei.com/article/DGXMZO39347900V21C18A2000000/
Loại kẹo Ume Jam được bán từ sau thế chiến, mãi đến 2018 bỗng nhiên biến mất để lại sự luyến tiếc cho rất nhiều người Nhật. Vì thời gian tồn tại của loại kẹo này khá dài nên được đông đảo Fan yêu quý. Kẹo được làm từ mơ, kết cấu giống như một loại mứt, có thể ăn cùng với bánh gạo sữa bằng cách phết mứt lên mặt bánh.
Loại kẹo được khai sinh nhờ một người có tên Takahashi Hirofumi. Từ những quả mơ có hình dạng không đẹp mắt, không thể bày bán ở siêu thị, bà đã nghiên cứu để tận dụng hương vị mơ thơm ngon, chẳng hạn như thử cho đường vào,… cuối cùng bà đã thành công tạo ra Ume Jam gắn bó 70 năm với nhiều thế hệ người Nhật.
Bất ngờ hơn nữa, Ume Jam được tạo ra khi bà Takahashi chỉ mới 16 tuổi.
Lúc đầu, mỗi bịch kẹo chỉ có giá 5 yên, sau đó tăng lên 10 yên và giữ nguyên mức giá đến mãi sau này. Có thời kỳ Ume Jam thu về doanh thu hơn 30,000,000 yên thế mà cuối cùng lại tuyên bố ngưng sản xuất. Nguyên nhân đằng sau là do người phát minh ra Ume Jam – bà Takahashi đã về hưu.
Bà có hai người con nhưng cả hai đều không nối nghiệp bà, bà cũng nhận được lời mời từ nhiều doanh nghiệp mong muốn thừa kế công thức nhưng họ đều bị bà từ chối.
Khi được hỏi lý do, bà bảo: “70 năm tôi đã cố gắng hết sức nên không còn gì để nuối tiếc”
Karumin (カルミン)
Ảnh: https://www.j-cast.com/2015/02/02226840.html
Đây thậm chí là loại kẹo có “tuổi đời” cao hơn cả Ume Jam, hương vị kẹo và bao bì đều không hề thay đổi qua 90 năm. Lịch sử của Karumin dài đến mức cả một gia đình 4 thế hệ đều đã từng thưởng thức qua loại kẹo này. Thế nhưng chính sự “cố chấp” đó đã khiến cho nhiều loại kẹo tương tự vượt qua Karumin nhờ mẫu mã đẹp mắt… Thế là chúng tôi lại nói lời tạm biệt thêm một hồi ức tuổi thơ.
Những loại kẹo mà bạn yêu thích thuở nhỏ đến một lúc nào đó cũng sẽ biến mất như vậy không chừng? Vậy nên hãy cứ thưởng thức đến khi nào bạn có thể.
Trong 4 loại kẹo kể trên, trừ Ume Jam ngừng bán vì không có người thừa kế. Còn lại đều do doanh số bán hàng sụt giảm, chẳng phải liên quan đến người tiêu dung hay sao?
Con người là giống loài khó hiểu, không chịu ăn mãi một món nhưng nếu món ăn đó biến mất thì lại trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Chúng ta trải qua mỗi ngày với suy nghĩ, những món ăn mà ai cũng thường ăn sẽ mãi không bao giờ biến mất. nhưng sự thật có phải như vậy?