Một chiến lược marketing độc đáo “cộp mác” Japan
Nếu bạn nào đã từng đến Nhật, chắc hẳn sẽ có một thời gian mà trên tất cả các siêu thị hay của hàng tiện lợi, bạn đều bắt gặp cụm từ “Gentei”, nghĩa là giới hạn. Nó thường xuất hiện trên những sản phẩm có số lượng nhất định và chỉ được bán trong một khoảng thời gian ngắn.
Hôm nay, hãy cùng Japo tìm hiểu về chủ đề các sản phẩm giới hạn, một trong nét độc đáo mà bất cứ khách du lịch nào đến Nhật cũng không thể bỏ qua.
Nhìn chung, sản phẩm giới hạn được chia làm 2 loại. Thứ nhất là sản phẩm giới hạn theo mùa và thứ hai là sản phẩm giới hạn theo sự kiện hoặc thời điểm đặc biệt nào đó.
1. Sản phẩm giới hạn theo mùa
Đại diện của sản phẩm giới hạn theo mùa là 4 loại Haru-gentei (春限定), Natsu-gentei (夏限定), Aki-gentei (秋限定), Fuyu-gentei(冬限定). “Haru, natsu, aki, fuyu” là 4 mùa trong một năm, tương ứng với xuân, hạ, thu, đông trong tiếng Việt.
Mỗi thời điểm chuyển mùa là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp tung ra những sản phẩm giới hạn. Bởi sản phẩm chỉ bán trong một thời gian ngắn nên người mua hàng sẽ có tâm lý muốn mua về dùng thử sớm trước khi nó cháy hàng..
Trong số đó, thu được nhiều lợi nhuận từ chiến lược marketing độc đáo này nhất những doanh nghiệp thực phẩm. Lý dó là vì thiên nhiên ưu ái cho người Nhật 4 mùa rõ rệt, do đó mà khẩu vị ăn uống (shokkan- 食感)của họ cũng thay đổi theo.
Thêm nữa, ở Nhật “mùa nào hoa quả đó”, một năm có thể bạn chỉ được ăn loại quả mình thích vào một thời gian ngắn thôi. Nên tâm lý muốn ăn thử, uống thử hết những sản phẩm từ trái cây đó là điều có thể hiểu được.
Dưới đây là một số liệt kê sản phẩm theo mùa thường xuyên được mong đợi.
Nhắc đến mùa xuân, điều các bạn nghĩ ngay đến đầu tiên là gì? Còn gì khác ngoài hoa anh đào phải không nào?
Tưởng chừng như đó chỉ là loài hoa để nhìn ngắm, thưởng thức bằng nhãn quan. Nhưng hơn thế nữa, nhờ sự sáng tạo mới lạ, những khách nước ngoài đến Nhật vào mùa xuân, còn có thể nếm và cảm nhận hoa anh đào bằng nhiều giác quan khác như vị giác, xúc giác. Trong đó, không chỉ khách nước ngoài mà còn chính người Nhật cũng săn đón và trở thành đề tài bàn tán trong cộng đồng.
Chỉ bấy nhiêu đấy thôi đã cho thấy sự thành công của chiến lược marketing này rồi phải không nào?
Mùa hè là mùa của biển, pháo hoa, yukata ở Nhật. Tuy nhiên sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến dưa hấu, chanh hay, mơ v.v… những trái cây mùa hè mang cảm giác mát lạnh xua đi cái nóng mùa hè. Từ kem cho đến rượu, bia v.v… tất cả đều mang hương vị của mùa hè.
Nếu bạn nói với người Nhật về quả hồng, hạt dẻ hay khoai lang nướng… chắc chắn họ sẽ liên tưởng ngay đến mùa thu.
Tuy không được dán nhãn “giới hạn” nhưng từ lúc trước cửa siêu thị bắt đầu bày bán khoai lang nướng thì người ta sẽ biết rằng: “À! Thì ra đã đến mùa thu rồi đấy”. Thỉnh thoảng, trong một đêm gió lạnh, trên đường về nhà bạn còn có thể nghe thấy tiếng rao “Yakiiiiiiimooo” nghĩa là “khoai nướng đây” từ một xe bán khoai dạo nữa đấy.
Mùa đông có lẽ là mùa khắc nghiệt nhất đối với những ai không thích hoặc không quen với khí hậu lạnh. Vào mùa này, nhà người Nhật thường trải Kotatsu (bàn sưởi) và ngồi quây quần bên nhau ăn lẩu, Oden (món ăn bao gồm nguyên liệu củ cải, trứng, đậu hũ…đun với nước dùng ngọt) hay Oshiruko (món chè đậu đỏ ăn kèm với mochi nướng và dango – 2 loại bánh truyền thống màu trắng hơi giống bánh trôi nước).
Oshiruko
Oden
Và mùa này còn là thời điểm thu hoạch của hai loại trái cây đó là quýt và dâu, hai trong số những loại trái cây tuyệt ngon mà khi đến Nhật bạn nhất định phải thử.
2. Sản phẩm giới hạn theo sự kiện
Cũng giống với Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẽ tận dụng những sự kiện lớn nhỏ trong năm để tung ra những mặt hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Ví dụ như dịp giáng sinh, Valentine, ngày của Ba, ngày của Mẹ v.v…’
Các mặt hàng này thường được bán trước khi sự kiện diễn ra khoảng 1-2 tháng trước đó. Với tâm lý lo xa và chu toàn cho mọi việc, người Nhật sẽ sẵn sàng mua sớm đề phòng sự cố có thể xảy ra.
Kỳ thi đại học, cao đẳng là một sự kiện quan trọng đối với toàn nước Nhật chứ không chỉ riêng bản thân thí sinh dự thi. Lý do là vì sự kiện đó có thể quyết định tương lai của cả Nhật Bản sau này, nên tất cả đều một lòng hướng về. Trong những ngày cao điểm đó, hễ đi bất cứ siêu thị nào ở Nhật đều có thể nghe được lời động viên sĩ tử cố gắng. Hay đơn giản là một chai nước chanh cũng có thể mang lại động lực không tưởng. Là món quà tuy nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa phải không nào?
Nếu ở Việt Nam có tết Trung Thu, thì ngày 15/9 hằng năm là ngày ngắm trăng của người Nhật (Tsukimi). Vào ngày này, người Nhật thường cùng nhau ngồi ngắm trăng tròn, vừa ăn bánh mochi vừa nhâm nhi tách trà. Và cứ mỗi năm, như một thông lệ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng Mc Donals sẽ trung ra loại hamburger truyền thống gọi là Tsukimi burger.
Có lẽ các bạn sẽ thắc mắc tại sao lại gọi là tsukimi nhỉ? Nhưng nếu nhìn kỹ, các bạn sẽ thấy phần lòng trắng trứng to kia khiến người Nhật liên tưởng đến mặt trăng tròn đầy của đêm rằm tháng 9. Với ý tưởng đó, Tsukimi burger cũng trở thành một trong những dấu hiệu của mùa thu mà mỗi năm đều được mọi người háo hức mong đợi.
Khi có dịp đến Nhật chơi, bạn đừng bỏ lỡ những trải nghiệm thú vị này và hãy thử qua hết những món mà Japo đã gửi đến bạn trên đây nhé. Vì biết đâu năm sau sẽ chẳng còn sản phẩm như vậy được sản xuất nữa đâu.
Chee