[Cảnh báo xoắn não] Thách bạn phân biệt được 9 loại trái cây họ “chua” ở Nhật chỉ qua hình dáng

Hầu hết mọi loài cây ăn quả đều đã tiến hóa bằng nhiều cách khác nhau về màu sắc, hương thơm, hình dáng quả, mùi vị,… để quả của chúng trở nên quyến rũ đối với những loài động vật chúng muốn thu hút.

Vị chua quyến rũ là dấu hiệu của Vitamin C khiến các loài chim và linh trưởng say mê và chúng sẽ mang những trái cây có vị này đi khắp mọi nơi chúng đến, đó cũng là tiền đề cho sự phát triển đa dạng của các cây lai tạo mới có gốc gác thuộc họ Cam  – Chanh. Con người cũng mê say vị chua và có nhiều niềm tin với vị chua như giúp khỏe mạnh, bảo quản thực phẩm, tăng hương vị… nên đã lai tạo ra nhiều loại cam chanh để phục vụ cho cuộc sống.

Ở phương diện này, không thể không kể đến những sản phẩm đặc hữu mang thương hiệu Nhật Bản. Đó là các loại trái cây có họ Cam – chanh nhưng được cấy ghép để quả ngọt tạo thành và khó lẫn với những nơi khác. Hãy cùng tìm hiểu 9 loại quả thuộc họ này có gốc gác từ Nhật và nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh chúng.

Mikan 蜜柑

Mikan trong tiếng Nhật dùng để chỉ quả cam ngọt (chứ không phải quả quýt như mọi người hay nghĩ, vì một số lý do trong việc dịch thuật thuở ban đầu đã dẫn đến sự hiểu lầm này). Mikan là loại quả cỡ trung, có vỏ màu cam hoặc vàng, dễ lột, không hạt. Nguồn gốc của loài cây này là từ Nhật Bản, nhưng Mỹ lại là nơi trồng Mikan với sản lượng số một thế giới.

Daidai 橙

Daidai là quả cam đắng, với lớp vỏ quả màu xanh đậm hoặc hơi ngả vàng. Ở Nhật, Daidai là loại quả không thường được dùng để ăn vì vỏ quá dày, cộng thêm vị chua và đắng vì tinh dầu của Daidai khá mạnh. Quả Daidai chủ yếu dùng để làm thuốc Đông Y, hương liệu nước hoa và gia vị nấu ăn.

Nước ép từ quả Daidai cũng được dùng để làm Ponzu – một loại nước chấm nổi tiếng ở Nhật Bản – gọi là Daidai Ponzu để phân biệt Ponzu làm từ quả Yuzu.

Cái tên Daidai(代々 nghĩa của nó là “đời đời” hay “thế hệ này sang thế hệ khác”) có nguồn gốc từ đặc thù của nó: quả của cây cam nó sẽ không rụng mà ở trên cây tới vài năm nếu người ta không hái.

Từ thời Edo, quả Daidai đã bắt đầu được dùng để trang trí vào Ngày Tết Oshogatsu, người ta đặt một quả Daidai nhỏ lên trên đỉnh của bánh Kagami Mochi với mong ước gia tộc đời đời phồn vinh.

Yuzu 柚子

Quả Yuzu là loại quả quý với hương rất thơm và mùi vị độc đáo hiếm có của Nhật Bản.

Với lớp vỏ hơi sần sùi nhưng có màu vàng óng rất đẹp, vị chua như sự kết hợp giữa nho và nước chanh, đã từ rất lâu người Nhật luôn ưa chuộng loại quả này.

Ở Nhật, quả Yuzu chủ yếu được vắt nước để làm nước chấm Ponzu, thêm thành phần giấm gạo, nước Dashi, rượu Mirin.

Ngoài ra, người ta còn kết hợp loại quả này và mật ong để làm thành mứt Yuzu Hachimitsu, nguyên liệu chính để pha trà Yuzu hoặc pha Yuzu Sour (một loại đồ uống có cồn, được làm từ mứt, rượu, nước chanh và soda).

Nhờ vị chua đặc biệt dễ chịu và hấp dẫn, nước ép của nó còn được dùng để làm rượu vang và rượu mạnh từ nước ép yuzu cũng như mứt trái cây, bánh ngọt, nước hoa, muối ớt yuzu từ loại quả có một không hai này.

  

Từ thời Edo, người Nhật còn có một tập tục thú vị đó là tắm cùng quả Yuzu (hay còn gọi là Yuzuyu ゆず湯). Vào ngày Đông Chí, người ta sẽ thả một ít quả còn tươi vào bồn nước ấm rồi ngâm mình. Tinh dầu từ vỏ quả Yuzu kết hợp với nước ấm sẽ mang lại cảm giác thư thái, xua đi những mệt mỏi trong cơ thể. Người ta tin rằng điều này giúp cơ thể khỏe mạnh để có thể chống trọi trước cái lạnh mùa Đông. Và từ Yuzuyu trở thành quý ngữ (từ để gợi chỉ mùa) trong thơ Haiku.

Hyuganatsu 日向夏

Hyuga là tên gọi cũ của tỉnh Miyazaki, quê hương của loại quả này.

Hyuganatsu là loại quả lai giữa bưởi và Yuzu nên có nhiều nước, vị chua ngọt nhẹ như Yuzu, phần xốp trắng giữa thịt quả và vỏ khá dày như cùi Bưởi nên thường được trộn với đường và ăn như mứt.

Quả Hyuganatsu cũng là một loại quả rất được ưa chuộng. Người ta làm thạch rau câu, nước giải khát, bánh ngọt, thậm chí Haagen Dasz Nhật Bản còn bán ra thị trường loại kem đóng hộp vị Hyuganatsu.

Amanatsu 甘夏

Bạn biết điều gì nổi tiếng ở Yamaguchi, bên cạnh gốm Hagi có sắc hồng như gò má của các Geisha thì còn một thứ không thể không kể đến, đó là giống cam có tên gọi Amanatsu.

Tỉnh Yamaguchi tự hào về giống cam Amanatsu đến mức đã sơn lại toàn bộ những thanh chắn ba-ri-e từ màu trắng thành màu cam và chọn hoa của Amanatsu làm hoa biểu tượng của Yamaguchi.

Iyokan 伊予柑

Iyokan là loại cam được trồng nhiều thứ hai sau Mikan tại Nhật Bản. Quê hương của Iyokan là ở Ehime (tên cũ Iyo).

Giải thích lý do tại sao cam Iyo lại được người Nhật ưa chuộng đến mức số lượng sản xuất vượt lên trên tất cả các loại cam còn lại ?
Bởi vì quả cam Iyo rất dễ tạo hình khi còn nhỏ, và người ta tại hình ngũ giác cho quả, khi đó quả được gọi là Gokaku no Iyokan
(五角の伊予柑) từ này đồng âm với chữ Goukaku no Iiyokan (nghĩa là cảm giác tuyệt vời khi thi đậu, 合格のいい予感). Đọc đến đây thì có lẽ bạn cũng đã có thể biết Iyokan là dành cho ai: học sinh.

Sudachi 酢橘

Sudachi là giống chanh đặc hữu của tỉnh Tokushima, Nhật Bản.

Sudachi khá chua nên được sử dụng làm Ponzu. Sudachi được coi là “người bạn đồng hành không thể thiếu” khi ăn cùng với nấm Matsutake. Nước cốt chanh Sudachi cũng được thêm vào các món mì nổi tiếng của Nhật như soba, udon hay các món cá, thậm chí là cả những đồ uống có cồn. Sudachi cũng được dùng để tạo hương vị trong các món kem, nước giải khát và Vodka.

Kabosu かぼす

Kabosu khi mới nhìn qua, rất giống với Sudachi.

Nhưng thực tế là hai loại quả này có xuất xứ khác nhau. Trong khi hơn 90% Sudachi là đến từ tỉnh Tokushima thì tương tự hơn 90% kabosu được trồng ở tỉnh Oita. Quả kabosu cũng luôn to hơn Sudachi.

Hebesu へべす

Hebesu (hay còn gọi là hebezu) là một loại chanh quý hiếm trên thế giới. Xuất xứ từ Hyuga, tỉnh Miyazaki,  mặc dù trông giống Sudachi và Kabosu nhưng độ chua, mùi thơm và hương vị của Hebesu lại cực kỳ cân bằng, không tạo ra bất cứ một cái nhăn mặt nào khi người ta lần đầu thử nó.

Hebesu có quả to hơn Sudachi, hương thơm lại dịu dàng, vi tế hơn Kabosu, vỏ quả lại mỏng hơn Yuzu và bên trong không những không có hạt mà còn rất nhiều nước. Thật đúng là loại trái cây hiếm có!

Từ phải qua trái: Hebesu, Kabosu, Sudachi

Nguồn ảnh: Internet

 

Quốc Bảo
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: