RƯỢU SAKE NHẬT BẢN.
Sake (phiên âm tiếng Việt sa kê) theo cách hiểu phổ biến trên thế giới là một thứ rượu nhẹ truyền thống nấu từ gạo qua nhiều công đoạn lên men mà người Nhật gọi là Nihonshu hoặc Luật Thuế Rượu của Nhật Bản gọi là Seishu.
Lịch sử phát triển của Sake gắn chặt với các mặt của đời sống Nhật Bản đến độ nếu người ta hiểu về rượu Sake sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, xã hội và môi trường vật lý của Nhật Bản.
Rượu sake Urakasumi 1,8lít của Nhật.
Lịch sử rượu Sake.
Sản xuất rượu Sake từ gạo được đưa vào Nhật Bản sau khi việc trồng lúa nước du nhập tới xứ Phù Tang khoảng 300 năm trước công nguyên. Thời xưa, rượu Sake chủ yếu để phục vụ hoàng gia hoặc các đền chùa lớn và thường được dùng trong các lễ hội tôn giáo. Khoảng cuối thế kỷ 12, Sake mới bắt đầu trở thành thứ đồ uống phổ biến trong tầng lớp bình dân.
Và trong một thời gian dài việc sản xuất Sake chịu sự quản lý độc quyền của chính quyền. Nhưng đến thế kỉ thứ 10, các đền thờ Shinto và chùa bắt đầu sản xuất rượu và họ trở thành nơi sản xuất rượu chính trong 500 năm tiếp theo.
Cách sản xuất rượu Sake.
Quy trình sản xuất rượu Sake hầu như không thay đổi trong vòng 400 năm qua. Tuy ngày nay, nhiều hãng rượu lớn sử dụng máy móc để kiểm soát các công đoạn, nhưng Sake vốn được sản xuất theo kiểu thủ công, dưới sự chỉ đạo của một người nấu rượu chính giàu kinh nghiệm. Thậm chí nhiều công ty nhỏ vẫn giữ cách ủ rượu theo lối truyền thống.
Gạo để làm rượu phải được xây xát kỹ. Tại Nhật có hai loại gạo, loại gạo thường, dùng để nấu ăn và loại gạo Sakamai dùng để nấu rượu Sake. Gạo Sakamai có hạt lớn hơn và mềm hơn, và chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, với kỹ thuật canh tác phức tạp hơn.
Gạo làm rượu Sake.
Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong công việc làm rượu Sake. Loại nước nửa cứng là phù hợp nhất vì hàm lượng thấp của chất sắt và chất ma nhê.
Một công đoạn làm rượu Sake.
Hầm chứa rượu Sake.
Một cửa hàng trưng bày và bán rượu Sake.
Thưởng thức hương vị rượu Sake.
Sake có thể uống khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và theo loại Sake.
Thường thì khi mùa Đông, người ta hay uống Sake nóng. Để hâm nóng Sake, người ta chuyển Sake sang chứa trong các chai bằng gốm, rồi ngâm chai trong nước nóng cho tới khi Sake đạt nhiệt độ khoảng 50 độc C trở lên.
Sake được hâm nóng trong bình nước sôi.
Cũng có loại Sake đặc biệt chỉ để uống lạnh.
Người ta còn phân biệt rượu Sake nữ và Sake nam. Sake nam là loại làm từ nước cứng, có nhiều muối canxi và muối magiê, có vị hơi đắng. Sake nữ là loại làm bằng nước mềm, có vị dịu.
Chén uống Sake có nhiều loại.
Khi uống Sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là Sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là Ochoko.
Trang trọng và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là Masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không.
Ở gia đình và ở nước ngoài, Sake có thể uống bằng ly thủy tinh.
Cốc gỗ Masu dùng để uống rượu Sake.
Trong những đêm trời lạnh, rót một ly rượu Sake ấm nóng vào ly, ôm ly rượu trong lòng hai bàn tay để ủ ấm, lắc nhẹ ly để cảm thấy mùi thơm nồng nàn quyến rũ của hương gạo bốc lên, sau đó nhẹ nhàng hớp một hớp rượu, để nước rượu trong miệng vài giây, sau đó đưa nhẹ nhàng qua cổ để thưởng ngoạn hết cái thơm của mùi rượu, và cái vị ngon của loại rượu này.
Sự phong phú và đa dạng của rượu Sake ngày nay.
Vào mùa xuân người Nhật thường uống sake và thưởng thức hoa anh đào nở.
Ngày nay, Rượu Nhật Sake đã trở thành 1 loại đồ uống của thế giới. Rượu Sake vẫn là thứ đồ uống truyền thống phổ biến và được nhiều người ưa thích trong các dịp lễ quan trọng hoặc khi ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, nhất là ngắm hoa anh đào. Hấp dẫn nhiều người nước ngoài sang Nhật Bản vì chỉ muốn thưởng thức bằng được loại đồ uống nổi tiếng này của Nhật Bản và khi về nước thường mua để làm quà.
Hãy thử tận hưởng hương vị rượu Sake một lần nhé!
Kimio