Quan hệ gia đình ở Nhật Bản

Trong gia đình lớn bao gồm nhiều mối quan hệ ông – bà, bố – mẹ, ông bà – con cái, bố mẹ chồng – con dâu, ông bà – các cháu… Nổi bật lên trong số đó là quan hệ cha mẹ – con cái và quan hệ chồng – vợ ở các gia đình nhỏ, quan hệ mẹ chồng – con dâu, ông bà – các cháu ở các gia đình lớn.

Trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, cha mẹ có quyền rất lớn, con cái phải phục tùng ý kiến, sự chỉ đạo của cha mẹ.

Về cơ bản, quan hệ trong gia đình dựa trên nền tảng chế độ gia trưởng, tôn ti trật tự theo lứa tuổi (người ít tuổi phải tôn kính người lớn tuổi) và giới tính (nữ giới phải tôn trọng đàn ông…). Người đứng đầu gia đình có những đặc quyền riêng với quyền lực không phải tranh cãi, mọi người phải chấp nhận. Tương tự như vậy, quan hệ chồng – vợ không bình đẳng bởi người chồng có toàn quyền đối với người vợ. Không chỉ vậy, vấn đề này đã được luật pháp và tập quán thừa nhận như một lẽ đương nhiên.

do_choi_nhat_ban_hitomi_vn___gia_dinh_truyen_thong_nhat_ban

Sau năm 1945, tất cả sự bất bình đẳng, gia trưởng đã thay đổi bởi áp lực của các lực lượng tiến bộ, phong trào đòi cải cách dân chủ ở Nhật Bản. Theo đó, Hiến pháp qui định cụ thể về những vấn đề liên quan tới các khía cạnh khác nhau trong quan hệ gia đình. Chế độ gia trưởng bị xóa bỏ, quan hệ chồng – vợ đều bình đẳng, có quyền như nhau.

Ngày nay, quan hệ cha mẹ – con cái khác trước rất nhiều khi mà người con có thể tự hướng cho mình con đường tương lai qua lựa chọn nghề nghiệp, hôn nhân, gia đình v.v.. nhất là ở các đô thị lớn càng cho thấy rõ hơn những biểu hiện thuộc vấn đề này.

Đối với quan hệ chồng – vợ, các quyền lợi, nghĩa vụ của vợ chồng, chủ quyền sở hữu tài sản trước, trong hôn nhân đều ghi trong Bộ luật dân sự (năm 1946). Chẳng hạn, điều 762 của bộ luật nêu rõ “tài sản hoặc là thuộc về người chồng hoặc thuộc về người vợ trước khi kết hôn, cũng như tài sản do vợ chồng làm ra được trong hôn nhân thì thuộc người vợ, phần chồng làm ra thuộc người chồng…”

Trên thực tế, sự bình đẳng chồng – vợ tuy được thừa nhận về mặt pháp lý song điều đó không có nghĩa  vị trí của người vợ được xem trọng như người chồng.

1. Yếu tố kinh tế trong quan hệ chồng – vợ

Dù là những đô thị lớn hiện đại, rất phát triển như Tokyo, Osaka, Nagoya, Kyoto… nhưng mỗi gia đình có sự phân công lao động rất rõ ràng: người chồng làm việc kiếm tiền nuôi gia đình, còn người vợ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái. Hiện nay, nữ giới đi làm việc ngày càng gia tăng nhưng đa số họ lại nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sinh con. Như thế, nguồn thu nhập chính của gia đình là do người chồng đảm trách còn người vợ chỉ có thể đóng góp phần nào nhờ làm thêm bán thời gian.

Như vậy, số tiền do người vợ kiếm được chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngân quĩ gia đình nếu so với người chồng. Kết quả các cuộc điều tra ở các đô thị lớn cho thấy, mức đóng góp trung bình của người vợ tăng khá chậm chỉ chiếm từ hơn 5% (những năm 1990) lên 10% (thập kỷ đầu của thế kỷ XXI) thu nhập ngân sách của một gia đình bình thường.

Điều đó cho thấy một thực tế là cho dù luật pháp đã thay đổi theo chiều hướng công nhận sự bình đẳng trong quan hệ chồng – vợ song dường như cũng không có đột biến căn bản nào về mặt nhận thức của họ về vấn đề người vợ đi làm ngoài gia đình. Những gia đình có cả hai vợ chồng đi làm lại thường tập trung ở những phụ nữ có tuổi (35 tuổi trở lên) khi mà con cái họ đã đủ lớn. Những năm đầu thế kỷ XXI, phụ nữ đi làm từ độ tuổi này trở lên chiếm khoảng 60% lực lượng lao động nữ ở Nhật Bản và con số này ở các đô thị lớn còn lớn hơn nhiều.

Tuy không kiếm ra nhiều tiền nhưng người vợ thường nắm hầu bao gia đình và quyết định khoản chi tiêu vặt hàng tháng của chồng. Bất luận thế nào khi nói về vai trò của chồng – vợ trong gia đình, nhiều người (ít nhất trong quan niệm, suy nghĩ) đều cho công việc của người chồng là kiếm tiền, người vợ đảm trách việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già, làm nội trợ cũng như quản lý ngân sách gia đình.

20337292235_f78dd4dcf7

Dù là môi trường hiện đại ở các đô thị lớn nhưng cho đến nay, quan hệ chồng – vợ cơ bản vẫn không thay đổi lắm với quan niệm như trên. Tuy vậy, người vợ thường chỉ có quyền quyết định những việc liên quan đến sinh hoạt gia đình còn những khoản chi lớn, việc lớn phải có được sự đồng ý của chồng. Nói chung, người vợ nắm “tay hòm chìa khóa” nên sự tính toán chi tiết các khoản thu chi, nghĩa vụ đóng góp thông qua các biện pháp phải tiết kiệm hiệu quả hay không hiệu quả còn phụ thuộc vào khả năng của mỗi người.

Tuy nhiên, dù ít hay nhiều cả vợ hay chồng thường có tài khoản bí mật để chi dùng vào việc riêng của mình. Vấn đề quan trọng khác là xử trí quan hệ chồng – vợ  có êm đẹp hay không phụ thuộc vào sự hài lòng (hoặc không hài lòng) của người vợ về số tiền nhận được từ người chồng để quản lý chi tiêu trong gia đình.

Trường hợp của những cặp chồng – vợ cùng đi làm hay thuộc tầng lớp giầu có cho thấy vai trò quản lý tài chính gia đình cũng thường do người vợ nắm giữ song sự kiểm soát nguồn thu chi có lẽ không quá chặt chẽ, chi ly như trường hợp kể trên. Hiện nay, có nhiều yếu tố tác động đến quan hệ chồng – vợ, trong đó ngày càng nhiều phụ nữ tham gia công việc xã hội, đi làm như người chồng nên sự phụ thuộc vào chồng về mặt kinh tế đã giảm đi. Tuy nhiên, đây chỉ được xem là một xu hướng mới hơn là sự vươn tới sự bình đẳng về kinh tế trong quan hệ chồng – vợ ở các gia đình.

2. Sự phân công trách nhiệm công việc gia đình trong quan hệ chồng – vợ

91421

Như đã đề cập, nữ giới Nhật Bản ngày nay về pháp lý đã có sự bình đẳng với nam giới, kể cả trong quan hệ chồng – vợ cũng vậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoàn toàn không còn sự phân biệt đối xử với nữ giới nữa. Trên thực tế ở các đô thị lớn cũng vậy, nữ giới chưa được hưởng sự bình đẳng thực sự ngay cả trong phạm vi gia đình bởi lẽ, quan niệm phụ nữ chịu trách nhiệm về nội trợ, nuôi con là “bất di, bất dịch”. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ qua lại giữa chồng – vợ cho đến ngày nay vẫn còn mang tư tưởng đề cao vai trò, vị trí của người chồng, dẫn tới “trọng nam, khinh nữ”.

Người chồng là chủ trong gia đình, còn người vợ chỉ có vị trí lệ thuộc. Sở dĩ như vậy vì nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ yếu tố tập quán, truyền thống từ xưa đến nay hầu như đều đề cao vị trí của người chồng trong gia đình. Hơn nữa, vấn đề này cũng được luật pháp bảo vệ trong lịch sử đã ảnh hưởng mạnh đến nhận thức xã hội, tâm lý, đạo đức của người Nhật Bản. Bởi vậy, trong đời sống chính trị – xã hội hiện đại vẫn tồn tại dai dẳng tệ phân biệt đối xử nam nữ ở ngoài cũng như trong gia đình. Người chồng “mặc nhiên” được coi là ông chủ trong gia đình cho nên người vợ hầu như chỉ có quyền thực hiện, không có quyền đề xuất kế hoạch nên không có sự đồng ý của người chồng.

Có chăng chỉ những công việc, kế hoạch nhỏ “lặt vặt” người vợ mới có thể tự quyết định. Trong cuộc sống hàng ngày, người vợ giúp đỡ chồng rất nhiều nhưng ít khi nhận được từ người chồng những hành động tương tự, chẳng hạn như tham gia việc nhà, chăm sóc con cái…

Người chồng dường như cho mình quyền đi làm về rất muộn hoặc đi tiệc tùng với bạn bè, đồng nghiệp vào buổi tối trong khi đó, người vợ “phải” quen với điều đó và không được ngăn cản chồng. Mặc dù có những chuyển biến nhất định trong phân công công việc tại gia đình (chồng giúp vợ việc nhà), bởi người vợ cũng đi làm song tính truyền thống vẫn được bảo lưu khá mạnh và ảnh hưởng lớn đến việc phân công trách nhiệm vợ chồng trong gia đình.

Người vợ ngoài việc đi làm thêm thì trách nhiệm chính vẫn là trông nom mọi việc trong gia đình. Các kết quả điều tra cho thấy người chồng tham gia vào các công việc gia đình hiện nay vẫn còn rất ít “chỉ khoảng 30 phút/ngày hoặc 0,26 giờ/ ngày, riêng Chủ nhật là 1,26 giờ”.

Đương nhiên, sự lảng tránh công việc gia đình của người chồng tất vấp phải sự phản ứng của người vợ với đòi hỏi người chồng cũng phải có trách nhiệm cùng vợ trong công việc hàng ngày của gia đình. Kết quả là nhiều người chồng có tư tưởng tiến bộ ủng hộ quan điểm phụ nữ củng cố địa vị, phản đối cách phân chia nghĩa vụ theo kiểu truyền thống trong gia đình.

Xu hướng người chồng giúp đỡ người vợ trong công việc nhà ngày càng phát triển nhưng tập trung chủ yếu ở giới trẻ và những cặp vợ chồng không sống cùng cha mẹ. Nguyên nhân có thể do tư tưởng, quan điểm tiến bộ ngày càng nâng cao hay đơn thuần là lòng yêu thương vợ con của người chồng.

Tuy nhiên, phần khá đông phụ nữ không hài lòng về người chồng của mình là do họ không (hoặc rất ít) tham gia vào các công việc gia đình. Kết quả cuộc khảo sát do chính quyền Tokyo tiến hành cho thấy “có tới 81% các bà vợ – người nội trợ đã than phiền, phàn nàn về thái độ của chồng mình lảng tránh các công việc gia đình”

3. Đời sống tinh thần trong quan hệ chồng – vợ

Những phân tích về “lối sống truyền thống kiểu Nhật Bản” (chồng làm việc ngoài xã hội, vợ nội trợ) đưa tới nhận định rằng đặc thù của lối sống truyền thống này không có ảnh hưởng tích cực tới mối quan hệ qua lại về mặt tinh thần giữa vợ chồng trong xã hội Nhật Bản hiện đại ngày nay. Cơ sở của phân tích này là “lối sống truyền thống” kể trên đã không tạo nên được sự đồng cảm, ấm áp trong các mối quan hệ vợ chồng.

Lý do được đưa ra, đó là do phần lớn trong số họ lẩn tránh cùng nhau chia sẻ thời gian nhàn rỗi, nghỉ ngơi, giải trí… lại thường tách ra riêng rẽ. Đó có thể là do ảnh hưởng từ phong tục tập quán xưa (vợ chồng thường giải trí, vui chơi riêng rẽ do sở thích hai giới khác nhau) không có giao tiếp thân mật giữa vợ chồng và điều này tồn tại đến ngày nay.

Mặc dù, sức mạnh của tập quán truyền thống là có nhưng không thể tuyệt đối hóa bởi thực tế khách quan cuộc sống hiện nay khác xưa nhiều. Trên thực tế, thoạt nhìn phần lớn các quan sát thấy về cơ bản đời sống tinh thần của vợ chồng là tốt đẹp, cho dù trong một số gia đình thì ít nhiều không được như vậy.

Khảo sát đối với nam công chức ở Tokyo, Osaka “có 26,4% các ông chồng “hoàn toàn hài lòng” về vợ mình, 49% “ít nhiều hài lòng”, như vậy 75,4% các ông chồng công chức (hay cứ 3 trong 4 người) hài lòng về vợ mình” . Ngược lại, chỉ có 23,3% số các ông chồng cho rằng vợ của họ “hoàn toàn hài lòng” về họ, 45,2% cho rằng vợ mình “ít hoặc nhiều” có hài lòng về mình. Về việc có hay không sự tôn trọng nhau trong quan hệ chồng – vợ ? có 44,6% các ông chồng khẳng định là có, 41% câu trả lời là “không rõ ràng” hoặc “không”.

Đời sống vợ chồng cơ bản là tốt đẹp nhưng biểu hiện có vẻ tẻ nhạt về mặt tinh thần của nhiều cặp vợ chồng (ở các đô thị lớn) được giải thích là do tính đặc thù của yếu tố văn hóa truyền thống, tính cách của người Nhật Bản.

Vợ chồng người Nhật Bản vẫn như trước kia nghĩa là họ hạn chế nói về công việc của chồng, công việc gia đình của họ… và thường chỉ nói với nhau về con cái. Bên cạnh đó, sự tổn thất về mặt tinh thần trong quan hệ chồng – vợ là do nhịp độ lao động căng thẳng hàng ngày của người chồng.

Họ thường rời nhà rất sớm và trở về rất muộn với thể xác mệt mỏi nên không muốn trao đổi với vợ về công việc của mình mà chỉ muốn đi nghỉ. Chính vì thế, người chồng có rất ít thời gian cho con cái cũng như hỏi han, tâm sự với vợ. Điều này càng làm nảy sinh sự thiếu thông cảm, gắn bó vợ chồng trong cuộc sống đối với không ít gia đình.

Đặc biệt, đời sống tinh thần có vẻ tẻ nhạt trong quan hệ chồng – vợ còn được biểu hiện ở những cặp vợ chồng có tuổi, khi người chồng về hưu.

Không phải là tất cả nhưng không thể phủ nhận sự thay đổi “tính nết” của cả người chồng và người vợ trong giai đoạn này. Thời gian này, người vợ không còn che giấu sự bực dọc, không hài lòng xưa kia mà bắt đầu công khai phản đối người chồng, thậm chí, không còn yêu quí, kính trọng chồng như trước nữa.

Với những người vợ như vậy, người chồng trở nên vô tích sự từ khi không còn là trụ cột, kiếm tiền nuôi gia đình. Trong khi đó, người chồng không biết gì ngoài công việc ở ngoài xã hội, nay trở về nhà một cách im lặng, không biết làm bất cứ việc gì tại gia đình. Do đó, nếu không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người vợ, chắc chắn sự tẻ nhạt và rạn nứt trong đời sống tinh thần của chồng – vợ rất khó tránh khỏi.

Hệ quả của sự tẻ nhạt trong cuộc sống hàng ngày của nhiều vợ chồng không những dẫn đến ngoại tình mà còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột, va chạm, thậm chí đổ vỡ gia đình rồi ly hôn.

(Nguồn cjs)

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: