Chàng kỹ sư người Nhật quyết tâm cưới gái Việt
Yuta Nukui (đang là kỹ sư điện) đã có vợ và làm bố ở tuổi 24. Yuta trúng tiếng sét ái tình với Minh Lan (23 tuổi) và hạ quyết tâm phải cưới bằng được tình yêu đầu của đời mình chỉ sau vài tháng quen biết. Bị gia đình phản đối, Yuta Nukui nói: ’24 tuổi con mới yêu lần đầu. Nếu mẹ không cho cưới, con sẽ sống độc thân cả đời’. Khác biệt với đa phần thanh niên Nhật Bản – sống độc thân hoặc kết hôn muộn.
Hè 2015, Minh Lan sang Nhật du học theo diện tự túc. Cô gái quê Đồng Tháp học chuyên ngành tiếng Nhật, với dự định sau một năm thạo tiếng sẽ về Việt Nam làm việc. Ngoài giờ lên lớp, cô tham gia vào một số hội sinh viên Việt – Nhật để trau dồi ngôn ngữ.
Ngày đầu tiên cô đến một buổi giao lưu nhưng bị trễ vì không thạo đường. Thấy cảnh mọi người đã xếp hàng ngay ngắn, Lan chỉ biết che mặt, lon ton tìm một nhóm cho mình. Dáng vẻ đáng yêu của cô gái có khuôn mặt tròn bầu bĩnh và làn da trắng đã lọt vào mắt của chàng trai Yuta Nukui, lúc này tuy đã ra trường nhưng vẫn là hội trưởng một hội sinh viên.
“Thấy cô ấy dễ thương quá nên tôi chú ý. Suốt buổi tôi thấy cô ấy khá rụt rè, chỉ chơi trong nhóm của mình. Mỗi khi cô ấy cười có má lúm xinh xinh”, Yuta nhớ lại. Lúc ấy anh chàng cứ nhìn cái vẻ luống cuống của cô mà cười.
Yuta chưa từng yêu. Anh vẫn tưởng đây chỉ là rung động nhất thời. Một ngày, anh bất ngờ nhận được yêu cầu tham gia vào hội của Minh Lan. Là trưởng nhóm, Yuta nhắn lại một câu xã giao nhưng trong lòng thì mừng thầm. Từ lúc này, anh với Lan làm bạn với nhau trên Facebook, những cuộc trò chuyện của họ cũng nhiều hơn.
Yuta học trường nam sinh từ nhỏ. Lên đại học, anh cũng học ngành không hề có bạn gái. Trước khi gặp Minh Lan, chàng trai này chưa từng trải qua mối tình nào.
Tuy biết những cảm giác lạ đang nhen nhóm trong lòng mình, nhưng Yuta không muốn chủ động vì sợ bị nghĩ là kẻ bám đuôi. Cho đến một hôm, cơ hội của anh xuất hiện.
“Bữa đó tôi chuẩn bị tan làm thì nhận được tin nhắn của cô ấy. Chỗ Lan cách xa tôi nhưng thấy có vẻ cô ấy đang có tâm sự nên tôi đã xin địa chỉ đến. Tôi đưa cô ấy đi ăn đồ Việt cho đỡ nhớ nhà thôi, chứ hai đứa không nói chuyện được nhiều”, Yuta cho hay.
Hôm ấy Lan nằm mơ được về nhà, tỉnh dậy thì buồn rười rượi. Cô xin nghỉ làm thêm, bắt xe đi từ trạm đầu đến trạm cuối rồi lộn lại mà vẫn không hết buồn. Cô nhắn tin cho một số người bạn trên Facebook để mong có một người đi chơi cùng mình. Không ngờ chỉ có Yuta hồi âm. “Giờ nghĩ lại tôi cứ thấy như mình đang ‘thả thính’”, Minh Lan cười kể.
Chủ nhật tuần đó, Yuta dẫn Lan đi chơi khu chợ ngoại thành Tokyo. Như những người trẻ khác, họ tung tăng lượn phố, xem đồ lưu niệm, ăn uống. “Vài lần thấy anh ấy cứ nhìn thẳng mắt mình, có lúc anh ấy lại hỏi: ‘Đến chỗ này em có cảm giác như ở Việt Nam không?’. Mình hơi ngạc nhiên nhưng không dám nghĩ anh ấy thích mình vì sợ ăn ‘dưa bở’”, cô chia sẻ.
Các tuần tiếp theo, hai người chơi nhiều địa điểm khác nhau. Đến lần đi chơi thứ năm ở Todoroki – một vùng ngoại thành hẻo lánh của Tokyo – tình cảm của họ đã có bước tiến mới. Lan bồi hồi nhớ lại: “”Mình vốn tưởng anh này hiền, ai dè anh ấy đánh bạo hôn mình tận hai lần. Nhưng vì mình thấp và tránh kịp nên chỉ trúng mũi. Tối hôm đó anh ấy nhắn tin: ‘Em phải chịu trách nhiệm về cái first kiss của anh. Chúng ta hẹn hò đi’”.
Dù không trực tiếp nhận lời, tin nhắn đáp lại cũng đủ cho Yuta hiểu anh được cho cơ hội. Tình yêu của đôi trẻ trải qua những kỷ niệm ngây ngô. Minh Lan chia sẻ, cô nhớ nhất buổi đầu tiên hẹn hò, hai người đã cãi nhau khiến cô nàng vừa đi bộ vừa khóc. Lần đó cô còn nghĩ “chẳng lẽ lại chia tay ngay ngày đầu hẹn hò”.
Riêng Yuta, anh nhớ nhất lần được bạn gái mang cơm. Nhìn thấy cô ngồi tàu điện 1,5 tiếng đến, mang theo đồ ăn vẫn còn ấm nóng, anh đã cảm động rơi nước mắt. “Khi đó tôi thốt lên ‘Anh nhất định sẽ kết hôn với em’, Lan lại tưởng tôi đùa, cười giòn giã. Nhưng thực ra đó là câu bốc đồng thật lòng. Giờ con gái Nhật ít biết nấu ăn, chọn được cô gái mình yêu, còn nấu ăn ngon nữa thì nhất rồi”, Yuta chia sẻ.
Minh Lan thành thật, ban đầu cô chỉ xác định yêu một thời gian, đến khi về nước sẽ chia tay. Tuy nhiên, càng ngày cô càng bị tình cảm ngây thơ, chân thật mà không kém phần nồng nàn của Yuta làm cho cảm động. Ảnh:Nhím studio.
Yêu nhau được chừng 2 tháng thì Yuta thông báo với bố mẹ sẽ cưới một cô gái Việt. Người Nhật vốn e dè với người ngoại quốc, nên thời gian đầu bố mẹ Yuta không hề thích Minh Lan. “Chị gái anh ấy nói với tôi là không thích người Việt Nam và còn bảo thấy nguy hiểm khi em trai yêu người ngoại quốc”, Lan kể.
Thái độ của gia đình Yuta khiến Minh Lan tủi thân. Tại Việt Nam, bố mẹ cô – đều là bác sĩ – cũng không muốn gả con gái xa. Thấy chuyện con bị phản đối, họ càng không đồng ý cho đôi trẻ.
Thuyết phục mẹ không được, nhiều lần Yuta đã tranh cãi. Trong một lần bực quá anh nói: “Chừng này tuổi con mới yêu lần đầu. Nếu mẹ không cho cưới cô ấy, con sẽ sống độc thân cả đời”.
Cuối năm 2015, thấy được chân tình của con trai, bố mẹ anh đã sắp xếp một buổi gặp mặt Lan. Sau bữa này, họ dần thích vẻ trong sáng, thật thà ở cô. Những lần đi lại với gia đình bạn trai sau đó cũng giúp cô du học sinh Việt thấy được đằng sau vẻ nguyên tắc và kỷ luật trong gia đình Yuta là một lối sống giản dị, coi trọng các giá trị trong gia đình.
Mặc dù mối quan hệ với Yuta vẫn tốt đẹp, Lan chưa có ý định ở lại Nhật Bản, nhất là khi hạn visa sắp hết. Sợ mất bạn gái, Yuta đã 3 lần cầu hôn. Hai lần đầu Lan không đồng ý nhưng đến lần thứ ba cô cảm nhận được sự chững chạc, thật lòng của Yuta nên không muốn bỏ qua anh.
“Hôm đó anh ấy đến phòng mình ăn cơm. Lúc tiễn về rồi, mình lại nghe thấy chuông cửa. Mở ra đã thấy anh ấy đang quỳ trên nền tuyết, giơ nhẫn ra cầu hôn. Anh ấy nói: “Đây là tình đầu cũng là tình cuối của anh’. Mình biết anh ấy sẽ là người chồng tốt nên đồng ý”, cô gái quê miền Tây chia sẻ.
Tại Nhật tỷ lệ độc thân rất cao. Vì thế lời “dọa” quyết sống độc thân cả đời của con trai cũng khiến mẹ Yuta lo lắng, nhất là khi anh làm trong môi trường không có phụ nữ.
Đầu năm 2016, đôi uyên ương kết hôn ở Nhật. Ngay sau đó họ lại về Việt Nam tổ chức đám cưới lần 2. Trong lần về Việt Nam, gia đình Yuta đã thay đổi suy nghĩ về người Việt. Họ thích các món ăn, văn hóa, áo dài, sự lịch thiệp và mến khách ở đất nước hình chữ S.
“Dù nhận xét lễ cưới của Việt Nam quá rườm rà, khi thấy cảnh mẹ, cô dì của mình khóc tiễn mình về nhà chồng, mẹ chồng mình cũng xúc động khóc theo”, Minh Lan kể.
Sau lễ cưới, Lan hoàn toàn thoải mái khi sống cùng gia đình chồng. Trước đây không nấu ăn, nhưng nay được bố mẹ hưởng ứng nên cô thường xuyên lên mạng học nấu các món ăn Việt Nam, đặc biệt là món phở và bánh xèo.
“Mẹ chồng mình rất tôn trọng cuộc sống riêng của các con. Mẹ còn quan tâm mình còn hơn cả con trai, con gái. Thời mình mang bầu, sáng mẹ dậy nấu ăn rồi đưa mình ra ga tàu đi học. Đến chiều về đã thấy mẹ đứng đó chờ sẵn”, Lan kể.
Sau khi kết thúc khóa học, Lan về Việt Nam sinh con. Tháng 10 này cô sẽ quay trở lại Nhật. Việc chăm sóc con đã có mẹ chồng lo, còn cô dự định tìm một công việc thích hợp.
Ông bố trẻ Yuta đang rất mong ngóng đến ngày được đón hai mẹ con trở lại Nhật. Lan chia sẻ thêm: “Xa nhau, mình không khóc nhưng anh ấy thì khóc bao nhiêu lần rồi. Mỗi lần như vậy, anh ấy đều nhắn nhủ sẽ làm việc chăm chỉ để nuôi hai mẹ con.
Từng nhận xét đám cưới ở Việt Nam là “quá rườm rà và nhiều nghi thức không cần thiết”, nhưng bố mẹ chú rể đã thay đổi suy nghĩ sau khi chứng kiến sự cảm động trong các nghi thức đó.
Thời gian đầu mới kết hôn, Lan gặp một số khó khăn khi giao tiếp với nhà chồng. “Sự khác nhau trong văn hóa, nhất là cách biểu lộ cảm xúc thông qua ngôn ngữ khiến mình có cảm giác nặng nề. Tuy nhiên sau một thời gian, lúc đã hiểu nhau thì cuộc sống rất nhẹ nhàng”.
Lan cho biết cô thấy được đằng sau cuộc sống nề nếp, kỷ luật của nhà chồng là sự dân chủ, tôn trọng các giá trị trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ với con.
Cô dâu trẻ lau miệng cho chú rể khi bị dính bánh
Cô dâu phát biểu tại lễ cưới
(Nguồn nhatban)
Cô dâu Việt ở Nhật về quê mẹ khởi nghiệp với thực phẩm sạch
Phụ nữ Nhật không muốn kết hôn vì đàn ông lười làm việc nhà
Chuyện tình đẹp của cô gái Việt và chàng trai Nhật kém 6 tuổi