Chuyện “kiêng kỵ” khi đi viếng người mất trước khi an táng ở Nhật

お通夜 (Otsuya) là từ người Nhật dùng để chỉ việc đi viếng người đã mất trước khi an táng. Khi có người qua đời ở Nhật, trước khi tiến hành tang lễ sẽ có thêm một số công đoạn khác. Vào ngày qua đời sẽ có một lễ viếng dành cho họ hàng thân thích và bạn bè trước khi tổ chức tang lễ.

Tại thời điểm của Otsuya, thi thể người chết vẫn chưa được hoả táng.

Trên luật pháp, từ thời điểm một người tử vong, phải sau hơn 24h mới được phép hoả táng.

Otsuya diễn ra khi tang quyến còn chưa bắt đầu chuẩn bị tang sự. Tuy không nhiều lễ nghi như tang lễ hay lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau, tuy nhiên tang quyến cũng có khá nhiều việc phải làm đối với Otsuya. Đầu tiên phải ngay lập tức liên lạc, thông báo tin buồn cho những người thân quen của người đã khuất. Những người được liên lạc đương nhiên có mối quan hệ rất sâu sắc.

Chính vì vậy những người tham gia vào Otsuya, dù có đau buồn đến mấy cũng nên lưu ý những điểm sau:

1. Về trang phục

Tang phục cơ bản ở Nhật là Vest đen, cà vạt cũng phải màu đen. Đây là một cách thể hiện sự thương tiếc người đã khuất thông qua những món đồ trên người mà không cần thể hiện bằng lời nói.

Tuy nhiên trong trường hợp tin buồn đến đột ngột như Otsuya, cũng có người không kịp chuẩn bị tang phục. Khi đó có thể chọn trang phục tối màu (không nhất thiết phải màu đen), miễn là trang nghiêm. Riêng với cà vạt đen thường có bán ở ki ốt nhà ga hoặc cửa hàng tiện lợi, hãy thử tìm ở các địa điểm đó.

Ý nghĩa quan trọng nhất của Otsuya là kịp đến để nói lời cuối cùng với người đã khuất nên cũng không cần quá nhiều phụ kiện trên người.

2. Chuẩn bị tiền phúng viếng

 

Tiền phúng điếu phải được đựng trong phong bì chuyên dụng, phong bì này có bán sẵn ở cửa hàng tiện lợi. Có rất nhiều loại phong bì, nhưng thường được sử dụng là loại có dòng chữ 御霊前 (goreizen – Xin kính viếng hương hồn của người đã khuất).

Trường hợp tang quyến theo đạo Phật nên mua loại phong bì có dòng chữ 御仏前 (gobutsuzen). Ngoài ra còn nhiều trường hợp đặc biệt như Thần đạo, Thiên chúa giáo,… tuỳ trường hợp hãy hỏi thêm người Nhật nhé.

Phần bên dưới của phong bì để điền tên của người gửi. Nếu không phải là tên Kanji sẽ rất khó để viết theo chiều dọc nên tôi nghĩ rằng nên viết tên theo chiều ngang.

Nên đi bao nhiêu tiền?

4 và 9 là hai con số kiêng kỵ nên tránh. Thông thường người Nhật đi viếng từ 5,000 đến 10,000 Yên.

3. Cách viếng 

Thay vì đọc các hướng dẫn, bạn nên tham khảo cách làm của những người khác tại điểm viếng.

Thông thường thì người Nhật sẽ trao tiền phúng viếng ở bàn tiếp nhận, sau đó thực hiện nghi lễ thắp nhang. Nếu không biết cách làm, tốt nhất bạn nên quan sát những người tới trước.

Vì là người nước ngoài, không ai bắt bẻ bạn nếu bạn không hiểu rõ về các nghi lễ này. Tuy nhiên nếu không muốn lóng ngóng, bạn có thể hỏi người đứng ở bàn tiếp nhận.

4. Ở lại thời gian ngắn, nhưng không quá ngắn

Tại Otsuya, người ta có chuẩn bị bữa ăn đơn giản bao gồm bánh mỳ Sandwich và rượu. Rượu được cho là có khả năng xua đuổi tà ma, do đó bạn có thể dùng một chút, miễn là sau đó bạn không lái xe về.

Nếu có người quen chung ở đó, bạn có thể cùng họ ôn lại những kỷ niệm về người đã khuất, nhưng đừng nhắc về nguyên nhân cái chết của họ.

Thế nhưng dù làm gì đi chăng nữa cũng đừng nán lại đó quá lâu, bạn chỉ nên ở đó trong khoảng 30 phút. Ngược lại, nếu được mời đến nhưng nán lại quá ngắn sẽ thành thất lễ.

 

Chi tiết về nghi lễ còn phụ thuộc vào tôn giáo và cả giáo phái của tang quyến, không thể nào liệt kê hết trong một bài viết, nên bạn hãy hỏi bạn bè người Nhật nhé.

Cuối cùng, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện “kỳ lạ” mà chính tôi là người đã trải nghiệm trong Otsuya.

Trong Otsuya, người trong nhà sẽ thay phiên nhau trông coi thi thể. Người đã khuất khi đó 90 tuổi. Vì tuổi đã cao nên ai nấy trong nhà đều chuẩn bị tâm lý từ trước. Dù vẫn buồn đấy thế nhưng cũng ít nhiều cảm thấy nhẹ nhõm, bầu không khí cũng đỡ nặng nề.

Vì người đã mất thích chơi Mạt chược nên có một người trong nhà, khi đến phiên trong coi thi thể đã đặt chiếc bàn trước mặt người đã mất rồi…bắt đầu đánh Mạt chược.

Với những người không biết Mạt chược là trò gì, tôi xin phép giải thích đôi chút. Đây là trò chơi xuất phát từ Trung Quốc nhưng khi vào Nhật luật chơi đã có biến đổi làm cho phức tạp hơn. Trò này chỉ dành cho người lớn.

Trở lại câu chuyện, người kia vừa chơi vừa trò chuyện “Ngày xưa cụ thích Mạt chược lắm nhỉ!”.

Đột nhiên…

Rầm !!!

Di ảnh của người đã khuất đột nhiên rơi xuống, nhắm ngay vào chiếc bàn Mạt chược.

Cả nhà ai cũng giật mình, sau đó bật cười. “Cụ muốn chơi cùng đây mà !”.

Bỗng nhiên tôi có cảm giác như người đã khuất trong di ảnh cũng nở nụ cười…

Dù tang lễ ở Nhật có nhiều nghi lễ rườm rà, thế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là những hồi ức đẹp đã có với người mất. Vì vậy bạn cũng không cần câu nệ quá, chỉ cần không làm điều gì gây khó chịu với những người xuất hiện trong buổi lễ là được.

Kengo Abe
Xem thêm: