Nhiều bà mẹ đơn thân Nhật Bản đối mặt bẫy nghèo

Với mức lương hằng tháng khoảng 1.200 USD, thấp hơn so với một nửa mức lương trung bình Nhật Bản, bà Yamada đẩy xe đi mua hàng và sử dụng càng nhiều thẻ thành viên hay thẻ giảm giá càng tốt. Bà mẹ đơn thân 38 tuổi, sống ở Tokyo chia sẻ: “Tôi không bao giờ quên sử dụng thẻ”.

Yamada là một trong nhiều bà mẹ đơn thân ở Nhật Bản chật vật kiếm sống. Theo số liệu chính thức, một nửa các hộ gia đình đơn thân ở Nhật, hầu hết do phụ nữ lèo lái, đang sống trong cảnh nghèo. Theo giới chuyên gia, đây là tỷ lệ nghèo cao hơn so với nhiều nước phát triển khác và con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều.

nhieubamedonthan-reuters_oikk-1Mẹ đơn thân và con gái người Nhật Bản đang dùng bữa tại nhà. Ảnh: REUTERS

Nhiều phụ nữ độc thân ở Nhật dù đang đi làm hay thất nghiệp vẫn sống với cha mẹ họ. Bằng cách đó, sự nghèo khó của họ bị ẩn đi, Giáo sư Aya Abe tại Đại học Tokyo Metropolitan, người chuyên về các vấn đề nghèo đói, nói.

Đối mặt với nền kinh tế trì trệ và lực lượng lao động sụt giảm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cố gắng thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong thị trường lao động những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của ông vẫn còn nói nhiều hơn làm.

Giám đốc Diễn đàn Bà mẹ Đơn thân Chieko Akaishi cho hay: “Abe nói rằng ông muốn có xã hội nơi mà phụ nữ có thể ứng dụng hết tiềm năng của họ, song những phụ nữ độc thân đã làm việc hết sức lực. Ông Abe muốn thêm gì nữa?”.

60% phụ nữ có việc làm đang đảm nhận công việc tạm thời vốn không cung cấp sự đảm bảo như các vị trí toàn thời gian. Người lao động thời vụ thường nhận lương ít hơn 40% so với lao động thường xuyên. Họ cũng nhận ít lợi ích hơn.

Khi chính quyền chưa có nhiều hành động bảo vệ những bà mẹ đơn thân, vài tổ chức đang cung cấp một số giải pháp khác. Tổ chức phi lợi nhuận Waku Waku tổ chức các chương trình ngoài giờ làm hay vào buổi chiều cho các hộ gia đình thu nhập thấp ở Tokyo. Khoảng hai đêm mỗi tuần, họ cho 50 đứa trẻ sống ở những ngôi nhà địa phương hay đền chùa thức ăn. Chương trình trên giúp đỡ phần nào cho Noriko, 37 tuổi, bà mẹ đơn thân với đứa con gái 10 tuổi.

“Đây là khó khăn mỗi tháng, đặc biệt là khi con gái tôi đang lớn nhanh. Tôi muốn mua giày và đồ lót mới cho nó nhưng không phải lúc nào tôi cũng có tiền mua”, Noriko chia sẻ. Hiện cô đang thất nghiệp và phải chật vật để giữ một loạt công việc bán thời gian nhỏ khác sau khi ly hôn chồng cách đây một thập niên.

Noriko cho hay cô phiền lòng nhiều trong công việc vì trạng thái mẹ đơn thân và trách nhiệm chăm sóc con nhỏ của mình. Cô phải dừng làm việc sau một tai nạn ô tô và giờ đây sống nhờ phúc lợi.

Ly hôn ngày càng được xã hội Nhật Bản chấp nhận, song việc này thường gây nhiều bất lợi cho phụ nữ. Hơn 80% vụ ly hôn diễn ra không qua tư vấn pháp lý và nhiều phụ nữ không nhận được trợ cấp nuôi con hậu ly hôn, theo chuyên gia Izumi Nishio thuộc hãng luật Tokyo Bright. Nếu không có nền tảng tài chính, nhiều phụ nữ sống dựa vào tiền trợ cấp hằng tháng.

Nhiều chuyên gia đã và đang thúc đẩy sự thay đổi trong hệ thống tuyển dụng và văn hóa làm việc nhiều giờ liền của Nhật nhằm hỗ trợ các bà mẹ. Song động thái này “sẽ mất quá nhiều thời gian để thị trường lao động cải thiện cho các bà mẹ đơn thân”, chuyên gia Abe nói. Lúc này, tăng số tiền trợ cấp phúc lợi và giảm chi phí giáo dục là hai gợi ý mà chuyên gia này đưa ra. Nếu mọi chuyện không khá hơn, những phụ nữ như bà Noriko và Yamada sẽ tiếp tục sống trong cảnh khó khăn.

(Nguồn Thanhnien)

1

Sự khác biệt giữa con gái Nhật Bản 2D và 3D

 Nữ sinh Nhật Bản và góc tối chuyện “học hành”

Vì sao nữ sinh Nhật Bản lại “được phép” mặc váy ngắn đến trường?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: