Liệu Nhật Bản có phải là quốc gia lạnh lùng nhất trên thế giới?
Liệu Nhật Bản có phải là quốc gia lạnh lùng nhất trên thế giới?
Không biết là Quý vị chúng ta ở đây có ai biết đến bảng xếp hạng mang tên World Giving Index không ạ?
World Giving Index là một báo cáo thường xuyên do Tổ chức Hỗ trợ Từ thiện xuất bản, sử dụng dữ liệu do Gallup thu thập và xếp hạng theo mức độ từ thiện của họ. Mục đích của World Giving Index là cung cấp cái nhìn sâu sắc về phạm vi và bản chất của việc cho đi trên khắp thế giới.
Nội dung sẽ được thống kê dựa trên câu trả lời thông qua các câu hỏi cụ thể như:
- Trong một tháng vừa qua Quý vị đã có những sự giúp đỡ nào đến những người không quen biết hay người có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ hay không?
- Trong một tháng vừa qua Quý vị đã có khoản quyên góp nào hay chưa?
- Quý vị có tham gia bất kỳ hoạt động tình nguyện nào trong tháng vừa qua hay chưa?
Dữ liệu này là thống kê hơn 126 đối tượng quốc gia trong 10 năm bắt đầu từ năm 2009 và kết quả Nhật Bản nằm ở vị trí thứ 107.
Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản xếp vị trí quyên góp thấp nhất trong số các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển. Trong khi đó các quốc gia dẫn đầu theo thống kê là Mỹ, Myanmar, New Zealand, Úc, Ireland, Canada, Anh Quốc, Hà Lan, Sri Lanka và Indonesia.
Nhân tiện, lý do khiến thứ hạng của Nhật Bản nằm ở vị trí thấp đáng kể nằm trong câu hỏi:
“Quý vị đã có những sự giúp đỡ nào đến những người lạ không quen biết hay không?”
Vấn đề phân biệt đối xử ngày càng tăng cao
Năm 2011, một thảm hoạ lớn được gọi là Trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản đã tấn công Nhật Bản.
Trong hoàn cảnh này, các trạm tỵ nạn chính là nơi tập trung của những nạn nhân thiên tai bị sóng thần cuốn trôi nhà cửa.
Trên các đoạn phim được ghi lại là hình ảnh các nạn nhân đang quan tâm giúp đỡ lẫn nhau tại trạm tỵ nạn, và đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới.
Nhưng thật ra, đằng sau những thước phim đầy nhân văn được công bố, sự thật là có những người vô gia cư đã không được tiếp nhận tại trạm tỵ nạn, họ không hề nhận được sự giúp đỡ, và ngược lại, sự giúp đỡ được đưa ra không phải dành cho tất cả mọi người, mà có sự chọn lọc và phân biệt đối xử.
Có thể hiểu được rằng mọi người muốn đuổi những người vô gia cư vì lo ngại về mùi hôi và để ngăn chặn hành vi trộm cắp có thể diễn ra tại các trạm tỵ nạn.
Nhưng, ai cũng là nạn nhân như nhau cả.
Thay vì đuổi họ đi, tôi cho rằng chúng ta có thể xem xét và tìm ra những giải pháp tốt hơn.
Không riêng gì Nhật Bản, vấn nạn này được cho là cũng xảy ra ở Mỹ.
Việc giúp đỡ lẫn nhau đã giảm đáng kể ở Tokyo
Tôi 51 tuổi và xuất thân từ Tokyo.
Khi tôi còn nhỏ, Tokyo không phải vùng đất quá giàu có và cũng không có nhiều người nhập cư từ các địa phương khác. Và cũng là khi còn nhỏ, tôi là đứa trẻ nghịch ngợm, đã gây rắc rối cho mọi người, lúc đấy không chỉ ba mẹ tôi giận dữ, mà còn có cả các thầy cô ở trường và cả các cô chú hàng xóm láng giềng.
Ngày nay, các bậc phụ huynh không còn giận dữ hay la mắng con mình nữa, mà thay vào đó họ có hành động khiếu nại về việc những người lớn xung quanh giận dữ với con em mình, nên các giáo viên trong trường cũng không thể dạy bảo trẻ nhỏ một cách thẳng tay như trước.
Hơn nữa, như tôi đã kể trong một tập của JAPO lần trước, để cứu một cô gái bị đột quỵ và ngừng tim trên đường, một người đàn ông đã sử dụng thiết bị AED để khởi động lại nhịp tim cứu cô gái và kết quả bị buộc tội “sàm sỡ”.
Những điều như vậy cứ xảy ra, và người ta không thể giúp đỡ lẫn nhau được nữa.
Không nói chuyện với hàng xóm
Có rất nhiều chung cư ở Tokyo.
Dù là cùng một khuôn viên sống nhưng họ thậm chí không biết người sống bên cạnh căn hộ của mình là ai hay đang làm công việc gì.
Là người cổ hủ nên khi mới chuyển đến nhà mới tôi đã vội vã chạy đi chào hỏi hàng xóm láng giềng, nhưng ngược lại, ngoại trừ sự chủ động của tôi thì hầu hết mọi người đều không chào hỏi nhau kể cả những lúc chạm mặt nhau ngay ở hành lang, và dường như sự xa cách này ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng.
Dù Nhật Bản đã trở thành một đất nước lạnh lẽo nhưng bản tính người dân chúng tôi không tham lam là điều tuyệt đối không thay đổi, kể cả khi Quý vị đánh rơi ví thì cũng không cần lo rằng chúng sẽ bị người nhặt được lấy đi mất.
Lạnh lẽo không đồng nghĩa với xấu xa, tôi chỉ đang cho rằng Nhật Bản của hiện tại có quá nhiều người chỉ đang sống cho bản thân mình mà không hề có chút quan tâm đến xã hội hay những người lân cận xung quanh. Lúc ở nơi làm việc thì chẳng nói chuyện với ai, tự ăn uống một mình. Tan làm về nhà thì ở nhà chơi game hoặc xem phim hoạt hình. Số lượng thanh thiếu niên theo xu hướng độc thân, không kết đôi cũng ngày càng tăng.
Loài người chúng ta vốn không thể sống một mình.
Ví dụ dễ thấy nhất là ở nơi làm việc, trong những trường hợp cấp bách, chính những người có mặt bên cạnh lúc đấy sẽ giúp đỡ ta. Và tôi cho rằng đó là điều hiển nhiên sẽ xảy ra, ai cũng sẽ làm như vậy.
Sau những thất vọng từ cách sống của người dân Nhật Bản, tôi thật sự hy vọng rằng những điều tiêu cực như vậy sẽ không xảy ra ở đất nước của Quý vị, một đất nước tươi đẹp và tình người mãi luôn đong đầy.
Tác giả: Abe Kengo
Biên dịch: Lê Phương Kỳ