Câu chuyện về người Nhật đã tạo ra cuộc sống hòa bình cho người dân châu Phi… bằng rác thải

Câu chuyện về người Nhật đã tạo ra cuộc sống hòa bình cho người dân châu Phi bằng rác thải

 

 

Có lẽ chưa từng trực tiếp đi đến tận nơi, nhưng thông qua báo đài, các phương tiện truyền thông khác, Quý vị cũng đã phần nào nắm bắt được tình hình về môi trường sống, cũng như là về người dân châu Phi.

Phần lớn cuộc sống người dân châu Phi luôn đầy rẫy những khó khăn. Sa mạc trải dài, thực phẩm khan hiếm dẫn đến các cuộc xung đột.

Ở những khu vực nghèo đói của châu Phi, môi trường sống hòa bình chỉ là một khái niệm khó mà với tay tới được.

Trong số đó, có một quốc gia tên là Niger đã được cứu nhờ… rác thải, và người làm nên điều kỳ diệu đó là Giáo sư Shuichi Oyama, một vị giáo sư người Nhật tại Đại học Kyoto.

Hãy cùng tìm hiểu phép màu mà ông đã tạo ra trong nội dung lần này Quý vị nhé!

 

Khu đô thị đầy rác thải

 

Tại các thành phố ở Niger, người dân đã quen với lối sống hiện đại, kéo theo đó là sự xuất hiện ồ ạt của các loại rác thải không phân hủy tự nhiên như túi nilon, chai nhựa…

Tất nhiên, bên cạnh đó còn có rác hữu cơ, chẳng hạn như thức ăn thừa, rác thải từ nhà bếp…

Rác thải bị vứt bừa bãi, không được phân loại nên rất khó xử lý.

Tình trạng rác thải không được xử lý kịp thời kéo dài đã khiến khu vực đô thị ngập trong mùi hôi thối.

Giáo sư Oyama đã bắt đầu dự án của mình bằng việc thu gom những rác thải đó.

 

Rải rác ra sa mạc?

 

Sau khi thu gom, giáo sư Oyama đã mang tất cả số rác ấy, không phân loại, cứ thế rải chúng lên sa mạc.

Và tất nhiên, ông đã làm nên một sa mạc ngập trong rác thải.

Hành động này của ông ban đầu khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên, sau đó là cả những chỉ trích và phẫn nộ. Tuy nhiên, đây lại chính là một cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn cho vùng đất sa mạc này.

 

Phủ xanh sa mạc

 

Sa mạc là vùng đất khắc nghiệt không có cây xanh, nhưng điều đó không có nghĩa là không có sinh vật sống.

Ở các khu đô thị, mối mọt đục khoét nhà cửa, nội thất, xuất hiện rất nhiều.

Ban đầu, số rác thải được vứt trên sa mạc trở thành nơi trú ngụ cho mối mọt. Sau đó, chúng nhanh chóng sinh sôi nảy nở.

Trong quá trình tập trung sinh sống này, mối phân hủy rác hữu cơ, tạo ra đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng.

Các loại rác như chai, túi nhựa không thấm nước, có thể giúp giữ lại nguồn nước ít ỏi tồn đọng lại sau những cơn mưa hiếm hoi trên sa mạc khô hạn.

 

Khi có đất tốt và độ ẩm, hạt giống từ đâu đó bay đến bắt đầu nảy mầm và cỏ bắt đầu mọc lên.

Một vùng đất sa mạc vốn chỉ toàn cát nay đã có màu xanh của sự sống.

 

Gia súc thì ăn cỏ. Phân của gia súc lại trở thành phân bón tự nhiên, giúp cỏ mọc nhiều hơn.

Chuỗi tuần hoàn tiếp diễn.

Kết quả là, chỉ trong vòng 3 năm, vùng sa mạc ấy đã biến thành thảo nguyên.

 

Chỉ với một hành động đơn giản, thu gom và rải rác thải, giáo sư Oyama đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề như: vấn nạn rác thải đô thị, sa mạc hóa, thiếu thức ăn cho gia súc, nạn đói, nghèo đói và xung đột.

Không cần công nghệ mới, cũng không sử dụng hóa chất đắt tiền, chỉ thực hiện hoạt động vận chuyển rác thải.

 

 

Trong một số trường hợp, có thể sẽ có những rác thải chứa chất độc hại.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, tại vùng sa mạc đã trở thành thảo nguyên này, chưa phát hiện chất độc hại nào, cũng chưa có báo cáo nào ghi nhận thiệt hại về sức khỏe.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng việc rải rác thải ra sa mạc là hành động không thể chấp nhận được. Nói như vậy chẳng khác gì ý họ đang bảo là cứ mặc kệ người dân sống tại đó chết đói hoặc giết nhau để giành giật nguồn thức ăn ít ỏi. Vậy thì Quý vị nghĩ giữa việc giữ gìn mỹ quan sa mạc và sự sống của vô số con người, đâu mới là điều quan trọng?

Có thể cũng có người cho rằng thay vì rác thải, có tại sao không thực hiện việc phủ xanh sa mạc bằng công nghệ hoặc hóa chất tiên tiến hơn, nhưng nếu như vậy ai sẽ tài trợ chi phí chi trả các khoản đó, tìm đâu ra ngân sách?

 

 

Dùng những vốn luyến và kỹ thuật mà mình có và làm điều tốt nhất có thể. Nếu có vấn đề phát sinh thì cứ dựa vào trường hợp và diễn biến đang xảy ra mà tiếp tục xử lý.

Cá nhân tôi không nghĩ đây là hành động sai, không biết Quý vị có suy nghĩ như thế nào về việc tận dụng rác thải để phủ xanh sa mạc của vị giáo sư được nhắc đến trong câu chuyện này ạ?

 

 

Tác giả: Abe Kengo

Biên dịch: Lê Phương Kỳ

Xem thêm: