Chuyện tình đẹp của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản

Năm 1959, Hoàng Thái tử Akihito, người sau này trở thành Nhà vua, đã gây xôn xao Nhật Bản khi phá vỡ truyền thống hoàng gia để tự mình chọn người bạn đời. Và một điều khác thường nữa là cô dâu lại xuất thân từ dân thường – điều chưa từng xảy ra trong Hoàng cung.

 

Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko chơi tennis sau lễ cưới hồi tháng 4/1959 (Ảnh: Jiji)

Chuyện tình trên sân tennis

Mối nhân duyên giữa Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko từng được báo chí Nhật Bản gọi là “chuyện cổ tích” hay “chuyện tình trên sân tennis”.

Hoàng Thái tử Akihito, con trai trưởng của Nhà vua Showa và Hoàng hậu Kojun, gặp người vợ tương lai Michiko Shoda tại một trận đấu tennis ở Karuizawa gần Nagano vào mùa hè năm 1957.

Michiko Shoda là con gái cả của doanh nhân Hidesabuto và Fumiko Shoda. Gia đình Shoda nổi tiếng trong cả lĩnh vực kinh doanh và học thuật và hai thành viên trong dòng họ Shoda từng được nhận Huân chương Văn hóa, huân chương cao quý nhất của Nhà vua dành cho học giả và nghệ sỹ.

Dù là con gái của một nhà tư bản giàu có nhưng Michiko Shoda vẫn là một thường dân. Vào thời điểm những năm 1950, báo chí và những nhân vật thân cận nhất với hoàng gia Nhật Bản cho rằng Cơ quan nội chính hoàng gia sẽ chọn bạn đời cho Hoàng Thái tử từ những gia đình có dòng dõi quý tộc hoặc hoàng gia.

Nhưng Hoàng Thái tử Akihito đã gây bất ngờ khi thông báo chọn cô Michiko Shoda làm cô dâu. Với quyết định này, Hoàng Thái tử Akihito không chỉ phá vỡ truyền thống hoàng gia khi tự mình chọn người bạn đời, mà còn trở thành vị vua đầu tiên kết hôn với một thường dân trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản. Quyết định của Hoàng Thái tử Akihito đã gây xôn xao Nhật Bản vào thời điểm đó.

Đám cưới gây sốt

Đám đông tập trung hai bên đường chào đón Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko trong lễ cưới tháng 4/1959 (Ảnh: Kyodo)

Tuy nhiên, cặp đôi trai tài gái sắc đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ rộng rãi của hoàng gia, tầng lớp chính trị cầm quyền cũng như công chúng Nhật Bản. Tiến sỹ Shinzo Koizumi, người giám sát việc học tập của Hoàng Thái tử trong nhiều năm, đã phát biểu về quyết định của Hoàng Thái tử Akihito: “Hoàng Thái Tử đã chọn công nương, và chúng tôi cũng vậy”. Theo Luật hoàng gia, Hội đồng Hoàng gia, đứng đầu là Thủ tướng, hoàn toàn hài lòng về cuộc hôn nhân của Hoàng Thái tử.

Đám cưới của cặp đôi diễn ra vào ngày 10/4/1959 trong sự vui mừng của người dân đất nước mặt trời mọc. Hơn 500.000 người đổ ra đường để xem lễ rước dâu diễn ra trên lộ trình dài 8km dọc các con phố ở thủ đô Tokyo. Đám cưới cũng được phát một số phần trên truyền hình, trở thành đám cưới hoàng gia đầu tiên tại Nhật Bản được phát sóng, thu hút khoảng 15 triệu người xem.

Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko trong lễ cưới tháng 4/1959 (Ảnh: Getty)

Hoàng Thái tử và Công nương đã xây dựng một gia đình hạnh phúc với ba người con: Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako. Khác với thông lệ tiền triều, Hoàng Thái tử và Công nương quyết định giữ các con bên mình. Mặc dù bận rộn, Công nương vẫn tự mình yêu thương chăm sóc các con. Bà cho các con bú sữa mẹ hoàn toàn, và khi đến tuổi đi học, bà tự mình chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con mỗi sáng.

Hoàng hậu Michiko từng nói về phương pháp nuôi dạy các con: “Tôi luôn xin tư vấn Nhà vua về mọi vấn đề. Tôi rất biết ơn Nhà vua về những lời khuyên quý báu rút ra từ kinh nghiệm bản thân của Nhà vua. Chúng rất hữu ích cho tôi”.

Gần gũi với dân chúng

Hoàng hậu Michiko được người dân Nhật Bản ngưỡng mộ khi đã thực hiện rất tốt vai trò của một người vợ, người mẹ và một Hoàng hậu. Bà đã gặp gỡ nhiều người ở mọi tầng lớp và thấu hiểu những vấn để tồn tại trong xã hội. Với tính cách khiêm nhường và điềm đạm, ba từng nói rằng, là thành viên của hoàng gia, bà mong muốn mãi là một người quan tâm đến những gì xảy ra trong xã hội, theo dõi và quan tâm đến người dân, nhu cầu của người dân và luôn cầu nguyện cho hạnh phúc của người dân.

Hoàng Thái tử Akihito, được sự hỗ trợ nhiệt tình và hết mình của Công nương Michiko, đã thực hiện nghĩa vụ của mình bằng một nguồn năng lượng tươi mới, ngoài việc tuân thủ trung thành truyền thống hoàng gia còn mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới phù hợp với vai trò của Nhà vua trong thời kỳ hiện đại.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đọc sách tại cung điện Hoàng gia tháng 9/2016 (Ảnh: Reuters)

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko đã cùng nhau thực hiện nhiều chuyến công du cả ở trong và ngoài nước. Khi chưa lên ngôi, Hoàng Thái tử và Công nương đã đi thăm 37 nước trên khắp thế giới, trong hầu hết trường hợp là thay mặt cho Nhà vua và Hoàng Hậu. Ở các nước đến thăm, Hoàng Thái tử và Công nương đã để lại ấn tượng sâu sắc về sự khiêm nhường và chân thành.

Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm chính thức 26 nước, trong tổng số 57 nước đã đặt chân đến. Hoàng hậu Michiko cũng trở thành Hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất và đi thăm viếng trong phạm vi rộng rãi nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko rất quan tâm tới cuộc sống của mọi người dân. Với một tinh thần trách nhiệm, và sự ân cần với người dân, Nhà vua và Hoàng hậu – bằng sự nồng ấm và phẩm giá của mình – đã giúp cho hoàng gia trở nên gần gũi hơn với nhân dân.

Nhà vua và Hoàng hậu đã đi thăm nhiều cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để khích lệ tinh thần người dân địa phương. Họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi, và đã đi thăm hơn 400 cơ sở phúc lợi dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật. Nhà vua và Hoàng hậu còn đến thăm những vùng bị thiên tai tàn phá, an ủi các nạn nhân và động viên nhân viên cứu hộ.

Nhà vua và Hoàng hậu cũng có chung niềm đam mê về thơ ca, văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học, lịch sử Nhật Bản và thế giới. Nhà vua rất quan tâm đến cuộc sống muôn loài trong thiên nhiên và công tác bảo tồn, trong khi Hoàng hậu Michiko đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật và có hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển Nhật Bản.

Gần 60 năm sau đám cưới, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko giờ đây vẫn đang có cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hàng sáng, Nhà vua và Hoàng hậu dậy sớm, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung, nơi họ có thể chứng kiến sự đổi mùa, gần gũi thiên nhiên mà cả hai đều rất yêu thích. Ngày cuối tuần, nếu có thời gian, Nhà vua và Hoàng hậu vẫn cùng nhau chơi tennis, môn thể thao yêu thích từng giúp họ “bén duyên”.

Theo Dân Trí

Chuyện tình đẹp của cô gái Việt và chàng trai Nhật kém 6 tuổi

Nagatomo & chuyện tình gây sốt ở Nhật Bản

Câu chuyện của cặp đôi YUKI đến với nhau nhờ tiếng Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: