Các biện pháp tự bảo vệ mình khi sống ở Nhật

Nhật Bản được đánh giá là đất nước an toàn, như có thể đeo ví hay túi xách, balo phía sau mà không sợ bị giật hay rạch; quên không khóa xe, đi ra ngoài không khóa cửa phòng cũng hiếm khi bị mất trộm.

Đặc biệt, rất nhiều người nước ngoài ngưỡng mộ nước Nhật vì nếu để quên đồ hay ví tiền trên tàu xe, bao giờ cũng được đưa tới đồn cảnh sát trả lại cho chủ. Tuy nhiên, người Nhật tốt bụng thì nhiều mà kẻ xấu cũng không phải là ít.

Cho nên hàng ngày trên TV, báo, mạng luôn đăng các tin phạm tội mà người bị hãm hại thường là phụ nữ, trẻ em, người già. Ví dụ như cô gái bị bạn trai giết hại bởi nói lời chia tay, bị kẻ hâm mộ đâm chết, người già bị lừa, cướp tiền bạc rồi sát hại, chồng đánh đập vợ, mẹ bỏ đói, ngược đãi con nhỏ, trẻ nhỏ bị bắt cóc v.v..


Kẻ xấu đứng trong bóng tối, không thể biết họ nghĩ gì, lên kế hoạch gì nên chúng ta chỉ có thể phòng vệ để tránh khỏi những rắc rối hay những đáng tiếc có thể xảy ra.

Xin chia sẻ một vài điều mà từ hồi sang Nhật đi học, đi làm công ty Nhật cho tới bây giờ Yui’s Living Japan nhận thấy và trải nghiệm nhé. Hi vọng mọi người luôn chú ý cảnh giác để bảo vệ bản thân.

Thứ nhất: Trẻ em

Trẻ em cấp 1 ở Nhật thường đeo còi cảnh báo khi có kẻ xấu xâm hại trên quai cặp sách, chỉ cần giật mạnh dây là sẽ phát ra tiếng kêu inh ỏi, làm kẻ xấu sợ hãi mà bỏ trốn. Còi này chỉ khoảng 500 yên bán tại shop đồ điện hay trên mạng, mà trong shop 100 yên cũng có nhé. Ngoài ra, còn được bố mẹ trang bị cho điện thoại đơn giản có 3-4 nút bấm để gọi khi gặp nguy hiểm.


Khi đi học, các bé mẫu giáo được mẹ chở tới trường, vào tận lớp nên không đáng lo. Còn các bé học cấp 1 thường đi thành nhóm tới nơi tập trung, rồi từ đó xếp thành hàng dài có các ông bà cô bác tình nguyện viên hướng dẫn, bảo vệ tới trường và khi về.

Sáng nào mình cũng được thấy quang cảnh các bé đi thành một hàng trên phố, còn có mẹ nấp phía sau theo dõi xem con đi tới nơi tập trung an toàn chưa rồi mới về nhà. Ngay trước nhà mình cũng có 1 bé trai hàng sáng có 2 bạn khác tới rủ đi học. Chồng mình hồi cấp 1 cũng toàn đi với bạn tới nơi tập trung rồi cùng nhau tới trường.

Ngày trước cháu mình học mẫu giáo hay trường cấp 1 ở Nhật, mỗi lần mình đi đón đều phải khai báo tên và đón bé nào lớp nào rồi nhà trường mới mở cửa cho vào, gặp thầy cô rồi mới được phép đón về. Trường mẫu giáo và cấp 1 ở Nhật đều có lắp camera chống tội phạm nên học trong trường rất yên tâm.

Ở một số nhà người Nhật có treo cờ màu vàng hình con Kangaru với số 110 (đây là số điện thoại cảnh sát ở Nhật, gọi từ điện thoại di động cũng chỉ cần ấn 110), khi nào gặp nạn hay bị kẻ xấu đuổi bám thì có thể chạy vào nhà đó nhờ cứu giúp.

Thứ 2: Các bạn nữ

Các bạn nữ sống một mình, đi làm về muộn mà đường vắng vẻ thì cũng nên mua cái còi để phòng vệ. Nên đeo ở quai túi xách hay trong túi áo quần để khi khẩn cấp có thể dùng được ngay, chứ để trong túi xách lúc cần tìm không ra. Hoặc mua bình xịt mồ hôi hay xịt cay đề phòng.

Khi phơi đồ ngoài ban công nên phơi đồ lót bên trong các đồ khác để tránh những kẻ biến thái thích sưu tập đồ lót phụ nữ. Hồi đại học, tòa nhà mình ở có lắp giàn giáo để sơn lại tường, không ngờ chị bạn phòng đối diện bị mất đồ, sau đó vài ngày chiếc quần của chị ý được trả lại trong hòm thư.

Sau vụ đó mình nhớ có người Nhật nói là nên mua vài cái quần đùi của con trai ở shop 100 yên phơi cùng để cho kẻ xấu biết bạn đang sống chung với bạn trai chứ không phải một mình. Chồng mình phơi đồ hộ vợ cũng luôn phơi đồ của vợ bên trong, bởi đây là kiến thức cơ bản tại Nhật.


Đi đâu về tới nhà nên khóa cửa, móc khóa xích cẩn thận. Có ai gõ cửa cần nhòm kỹ xem là ai, nếu là người lạ thì không nên mở. Các bạn có điều kiện nên thuê nhà có khóa bên dưới, chỉ ai sống trong tòa nhà có mật mã mở và vào thang máy lên các phòng.

Giả sử có mang đồ đi giặt hay chạy sang phòng bạn bè trong cùng tòa nhà cũng không nên mặc đồ hở hang quá như áo hở ngực, quần quá ngắn khoe chân dài.
Đi cầu thang máy hay gặp người đi đối diện nên chào hỏi để xem thái độ của họ như thế nào mà cảnh giác.

Bây giờ thanh niên Nhật ít khi giữ truyền thống chào hỏi người ở phòng bên cạnh, nhưng khi chuyển nhà tới đâu đó ta vẫn nên gõ cửa chào hỏi một câu, nhỡ khi hoạn nạn có thể nhờ vả.

Khi đi thuê nhà, các bạn nên hỏi kỹ an ninh và đánh giá khu vực đó như thế nào. Ví dụ khu nhà nghèo, khu có nhiều người vô gia cư, lò giết mổ, nhà máy…. cũng nên suy nghĩ trước khi chọn nhà bởi giá nhà càng rẻ thì khả năng người không bình thường hay người đang nhận trợ cấp (không đi làm) sống nhiều và có thể xảy ra rắc rối. 

Thứ 3: Quản lý giấy tờ

Quản lý giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, thẻ lưu trú, sổ ngân hàng, thẻ my number, bằng lái xe, đồ quý giá phải thật cẩn thận. Những giấy tờ quan trọng này không bao giờ được cho bạn bè hay người quen mượn, bởi người ta có thể lợi dụng thông tin của mình để làm việc xấu làm mình bị liên lụy. Ở Nhật hay có vụ mua sổ ngân hàng để làm việc xấu lắm đó. Còn có bạn hỏi mình là bạn em muốn mượn hộ chiếu, mình có trả lời rằng mỗi người một quyển tại sao lại phải mượn. Nên tốt nhất nên đề phòng.

Không nên cho số điện thoại hay địa chỉ, thông tin cá nhân của bạn bè hay người quen cho người khác biết. Trước khi nói nên hỏi chủ nhân một câu xem người ta có đồng ý hay không. Người Nhật cực kỳ tức giận nếu tự ý cho thông tin của họ.

Đợt trước có một em cho địa chỉ nhà mình để bạn ở Tokyo gửi đồ em ý cầm về Việt Nam, nhưng không nói qua mình trước, mình hơi ngạc nhiên và có nói em chú ý nếu là người Nhật thì không nên làm thế.

Còn có lần, một bạn tới nhà mình chơi, khen nhà đẹp và lúc ra về có chụp ảnh và nói muốn cho chồng người Nhật xem. Sau đó mình có dặn xóa ảnh nhà đi sau khi cho chồng xem, bởi điện thoại bây giờ thông minh lắm, chụp ảnh ở đâu có hết thông tin về địa điểm chụp. Có thể bạn ấy không có ý gì nhưng nhỡ có ai đó xem được thông tin đó mà mình không muốn gặp rắc rối. Bởi vì các vụ người Việt đâm nhau hay lừa nhau ở Nhật cũng không hiếm.

Khi ký kết hợp đồng thuê nhà, làm thẻ ngân hàng hay ký kết việc gì quan trọng, các công ty Nhật đều có giấy cam kết không cho kẻ thứ 3 biết thông tin cá nhân của khách hàng. Nếu có thì chỉ là những trường hợp cảnh sát hỏi.

Các giấy tờ có thông tin khách hàng như bằng lái xe, hộ chiếu nếu copy bị sai lệch thì đều cho vào máy cắt giấy rồi bỏ rác, chứ không ai tiếc mặt sau dùng làm nháp xong vứt thùng rác cả. Thông tin khách hàng cũng như thông tin của công ty đều xử lý cẩn thận.

Còn ở nhà, khi nhận thư từ, quà tặng, mua đồ gì đó, trước khi vứt rác các bạn nên xé bỏ mác tên địa chỉ số điện thoại nhé. Có nhiều người chờ tới lúc xe chở rác tới rồi mới mang rác ra vứt. Rất nhiều người Nhật mua máy xé giấy tờ, đĩa CD DVD hay thẻ card, có máy quay tay, cũng có máy cắm điện, không đắt lắm mà yên tâm thông tin cá nhân của mình không bị lọt ra ngoài.

Du học sinh của công ty chị gái mình sang Osaka đều lấy số điện thoại của mình làm số khẩn cấp, tức là khi nào công ty quản lý nhà (công ty cũ của mình) không liên lạc được với các bạn ý thì gọi cho mình nhờ chuyển tải thông tin.

Tuy nhiên công ty bảo lãnh tiền nhà thì không làm thế. Có vài lần các bạn nhờ mình gọi hộ vì sợ không nói hết ý nhưng công ty nhất quyết không nói một câu nào mà cần phải có chủ nhân ở đó xác nhận thông tin cá nhân rồi mới nói chuyện tiếp được.

Vì vậy, sống ở Nhật các bạn nên học tiếng Nhật chăm chỉ hoặc là tự tin lên, cứ gọi điện thoại vài lần là quen thôi, bởi thông tin cá nhân của các bạn nên tự các bạn quản lý, đừng nhờ vả ai khác, người tốt không nói, người xấu lợi dụng thì thôi luôn.

Nhiều mẹ Nhật đăng ảnh con, ảnh nhà đẹp trên Instagram nhưng không bao giờ tag địa điểm hay ảnh bên ngoài nhà hay những gì liên quan tới thông tin cá nhân. Còn Facebook thì ít người dùng bởi họ sợ phải điền thông tin cá nhân rồi phải đăng ảnh lên mạng, chủ yếu họ dùng Twitter để than thở việc gì đó mà thôi.

Còn những người Nhật dùng Facebook thì có nhiều mục đích, ví dụ như muốn giao lưu kết bạn, quảng cáo sản phẩm… Facebook thông minh tới nỗi có thể tìm ra cả bạn bè học cấp 1 tới những người có thể bạn quen biết, nên nhiều lúc tiện lợi quá cũng lắm nỗi lo.

Còn khi up ảnh có mặt người Nhật hoặc tag họ nên hỏi qua 1 câu các bạn ạ. Hoặc muốn kết bạn với người Nhật thì nên nhắn tin chào họ 1 câu và tự giới thiệu, xem họ có chấp nhận kết bạn với mình không.

Chồng mình không Twitter lẫn FB hay SNS nào nhưng vẫn luôn ủng hộ vợ chia sẻ thông tin Nhật Bản tới mọi người.

Tóm lại là mỗi chúng ta nên cẩn thận và đề cao cảnh giác hơn nữa để có cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa tại Nhật.

Nguồn: Yui’s Living Japan

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: