Chiến dịch chống biến thái trên xe điện của nữ sinh Nhật Bản: “Tôi không cam chịu đâu!”
Ở nước Nhật tồn tại một loại tội phạm rất phổ biến, thường xuất hiện chủ yếu trên những chuyến tàu đông người hoặc nơi vắng vẻ và đối tượng của chúng là nữ giới, đặc biệt là nữ sinh trung học.
Chúng chính là những tên biến thái, làm hành động quấy rối, buông lời lẽ xằng bậy, tục tĩu với người khác. Loại tội phạm này rất khó trị được dứt điểm do chúng thường lợi dụng lúc đông người và nhắm vào tâm lý ngại ngùng, xấu hổ của nữ giới để hành động và nếu xảy ra chuyện gì, chúng sẽ nhanh chóng lẩn vào đám đông trốn thoát.
Hơn nữa, việc bị ai quấy rối rất khó xác minh, do đông người đứng cạnh nhau, nếu lỡ bị “chạm” thì khó biết được đấy là bàn tay của kẻ nào khi có 2, 3 người đứng đằng sau mình. Vì vậy cũng không ít các chàng trai vô tội bị vạ lây, chịu oan ức và như thế càng khó bắt được thủ phạm chính.
Theo thống kê của cảnh sát, năm 2011 số lượng vụ án bắt được tội phạm khoảng 3800 vụ. Thế nhưng con số đó chỉ giới hạn ở phạm vi “bắt được”, còn trên thực tế số người gặp bọn biến thái nhưng vì ngại mà không dám báo cảnh sát thì có lẽ còn nhiều gấp đôi, gấp ba số đó. Những cô gái trông yếu ớt, không có sức phản kháng thường dễ trở thành mục tiêu.
Cũng theo số liệu, trong 304 người bị quấy rối thì đến 271 người không thông báo hay trao đổi với sở cảnh sát. Như vậy có nghĩa là khoảng 89% người rơi vào tình trạng “âm thầm chịu đựng” khi gặp kẻ biến thái. Và hậu quả, có những cô gái bị ám ảnh và sợ hãi đến mức không thể đi tàu điện lúc đông người.
Những tưởng tình trạng này sẽ còn kéo dài trong đau khổ, ấm ức và vô phương cứu chữa. Nhưng giữa lúc ấy, một nữ sinh trung học đã dũng cảm đứng lên, đấu tranh đến cùng với bọn tội phạm này.
Cô cũng từng là nạn nhân của bọn biến thái. Trong suốt một năm học bắt đầu từ khi sử dụng tàu điện đến trường, hầu như ngày nào cô cũng bị quấy rối. Dù cô và mẹ đã tìm đủ mọi cách, phương pháp để ngăn chặn nhưng vẫn không có tác dụng. Thậm chí cô cũng đến trao đổi với cảnh sát hay nơi quản lý phương tiện công cộng nhưng vẫn không giải quyết được.
Cô suy sụp đến nỗi rơi vào chứng trầm cảm nhiều ngày và người nhà lo sợ cô không thể đến trường được trong tình trạng thế này.
Vào một ngày, bỗng dưng mẹ và cô nghĩ ra một ý tưởng, đó chính là gắn lên túi xách một huy hiệu có ghi dòng chữ: “Quấy rối là phạm tội! Tôi sẽ không cam chịu đâu!”.
Huy hiệu chống biến thái. Nguồn: Facebook Stop Chikan Badge
Và thật ngạc nhiên, kể từ khi gắn huy hiệu đó và mang đi học trong 6 tháng, cô không gặp bất kỳ sự quấy rối nào cả! Thêm một điều thú vị nữa là thỉnh thoảng cô cũng nghe thấy một ai đó chế giễu rằng:
“Có quấy rối cũng chọn đối tượng chứ”
Nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả, vượt qua mọi xấu hổ, chỉ cần không gặp bọn biến thái là được.
Và không chỉ bản thân cô mà còn nhiều người khác đang phải chịu sự ấm ức này nên cô đã bắt đầu thực hiện một dự án, đó là tạo thật nhiều huy hiệu với các thiết kế khác nhau rồi bán ra ngoài thị trường nhằm quảng bá cho mọi người biết phương pháp này.
“Huy hiệu chống biến thái” không chỉ giúp thoát khỏi tầm ngắm của bọn biến thái mà khi số vụ quấy rối giảm xuống thì những vụ oan ức cũng ít dần đi.
Khi những huy hiệu này bắt đầu mở bán đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Trên các thành phố lớn như Tokyo, Osaka còn tổ chức các hoạt động phát miễn phí cho các nữ sinh trung học.
Có nhiều người bị tổn thương tâm lý do gặp cú sốc bị quấy rối và có thể họ sẽ phải mang nỗi đau đó đến suốt cuộc đời. Vậy nên mục đích cuối cùng của dự án này chính là để truyền đạt cho những cô gái không may là nạn nhân của bọn biến thái biết rằng: “Bạn không chỉ có một mình. Chúng tôi luôn ở đây bảo vệ bạn”. Qua đó giúp những người ấy có thể yên tâm đến trường bằng xe điện, hoà nhập một cách bình yên vào xã hội.
Một cô gái mạnh mẽ có trái tim thật nhân hậu đúng không nào?
Một điều thú vị nữa là 40% người mua huy hiệu là nam giới. Họ chia sẻ rằng muốn giúp đỡ những người đang bị quấy rối và thật ra bản thân họ cũng từng gặp biến thái nên muốn làm gì đó để bảo vệ mình.
Thời đại này không chỉ nữ giới mà đến nam giới cũng phải biết tự phòng bị bảo vệ mình rồi!
Kim Ngân
Nhật Bản có thật sự an toàn? Hãy cảnh giác!
“Bí mật động trời” ít người biết trên các thiết bị công nghệ ở Nhật Bản