Những mẩu chuyện người Việt bị coi thường khi giao tiếp, làm việc với người Nhật

Bạn đã bao giờ nghĩ rằng Nhật Bản là quốc gia “thảo mai” nhất thế giới?

“Thảo mai” là cụm từ của giới trẻ ngày nay giành cho những người ngoài mặt một đằng trong lòng một nẻo, lúc nào cũng cười nói vui vẻ, lịch sự ra chiều thích thú nhưng thật ra trong tâm không mấy hào hứng, hoặc đang chửi thầm.

Trong xã hội hiện đại, thảo mai chưa hẳn đã là một khía cạnh xấu. Đôi khi đó cũng là một cách để làm thuận ý đối phương, đem lại lợi ích cho công việc của chính mình.

Nói đến Nhật Bản, văn hóa của họ là lịch sự, vì thế người Nhật không mấy khi thể hiện “bản ngã” ra bên ngoài. Ở Nhật có khái niệm về Honne và Tatemae (Bản âm – điều thật sự đang nghĩ và Kiến Tiền – điều được thể hiện ra bên ngoài), đa phần hai khía cạnh này thường không trùng khớp với nhau.

Nếu nói người Nhật hai mặt có vẻ hơi ‘hạ thấp’ người Nhật quá, vì chính bản thân họ đã nói rằng người Nhật có đến tận 3 bộ mặt, bộ mặt đầu tiên cho cả thế giới biết, bộ mặt thứ hai giành cho gia đình và bạn bè thân thiết và bộ mặt cuối cùng chỉ giành cho bản thân.

Ảnh minh họa

Nếu không hiểu rõ cách sống và nét văn hóa này, chắc chắn bạn sẽ gặp những trường hợp sốc, đôi khi cảm thấy phản bội khi tiếp xúc với người Nhật.

Tôi xin kể ra đây hai trường hợp thực tế do chính người trong cuộc kể lại.

Bạn của sếp tôi có chồng là người Nhật, hai vợ chồng sinh sống và làm ăn ở Việt Nam. Gần đây cô ấy mới theo chồng về Nhật lần đầu tiên và gặp gỡ trò chuyện với những người bạn của chồng ở Nhật.

Cô bạn này có một chiếc vòng tay, khi khoe với những người bạn người Nhật, họ tỏ ra rất thích thú. Cô tưởng rằng họ thích nên sau đó đã mua cho mỗi người một chiếc để mang. Thế nhưng những lần gặp sau, các bạn Nhật chỉ mang trang sức riêng của họ và không đụng đến món quà cô ấy tặng.

Ảnh minh họa

Trên mạng xã hội, dù kết bạn với cả cô và người chồng, thế nhưng họ chỉ like và bình luận vào bài đăng của chồng và không đá động gì đến cô gái. Cho dù khi đi chung họ vẫn trò chuyện và cười rất nhiệt tình.

Cô kể rằng sau một thời gian làm ăn tích góp, cô đã để giành và đổi được một chiếc nhẫn bằng kim cương. Sau khi khoe trên Facebook, đó cũng là lần đầu tiên cô nhận được bình luận từ phía những người bạn của chồng. Tuy nhiên những lời bình luận này lại khiến cô gái chạnh lòng. Dù chiếc nhẫn là do cô gái chắt chiu dành dụm bao lâu mới mua được, thế mà lời bình luận lại hỏi thẳng rằng có phải chồng mua cho không?

Lời bình luận trên không biết có hàm ẩn lời ác ý không thế nhưng cũng đã làm nhân vật trong câu chuyện trên bị tổn thương. Bên cạnh yếu tố khác biệt văn hóa, phải chăng một bộ phận người Nhật Bản vẫn coi thường những người nước ngoài có quan hệ hôn nhân với người Nhật. Hay lòng tự tôn của họ đã khiến họ nghĩ rằng các cuộc hôn nhân trên hình thành là do những người Việt Nam muốn lệ thuộc vào người Nhật?

Nguồn tomirich.jp

Không những trong cuộc sống, cả trong công việc cũng thế.

Câu chuyện thứ hai tôi nghe kể lại từ trợ lý người Việt của một sếp người Nhật.

Sau nhiều lần làm việc chung, cô trợ lý rất quý những khách hàng người Nhật và đã tự bỏ tiền túi của mình ra mua quà cho họ. Thế nhưng người họ cảm ơn lại là ông sếp.

Dù người sếp đã giải thích thế nhưng họ vẫn không đá động gì đến cô trợ lý cả.

Nguồn Pixabay

Trong quan hệ làm ăn cũng như cuộc sống, người Nhật vẫn tin tưởng và xem trọng người nước họ hơn người ngoại quốc. Điều này có lẽ những bạn du học sinh hiểu khá rõ. Giai đoạn đầu khi sang Nhật, bạn sẽ có cảm giác lạc lõng, không chỉ vì khác biệt văn hóa mà còn vì cảm nhận được sự khác thường trong cách cư xử của dân địa phương với mình.

Dù quá nồng nhiệt hay lạnh lùng, xa lánh, chắc chắn người nước ngoài sẽ được người Nhật “soi” đến tận cùng. Có lẽ vì bị ảnh hưởng bởi lịch sử “bế quan toả cảng” khá lâu mà đa phần người Nhật vẫn chưa sẵn sàng mở lòng với người nước ngoài.

Ảnh minh họa (nguồn chaubudou.jugem.jp)

Người Nhật vẫn luôn bị xem là dân tộc khó gần. Đúng là như vậy, tinh thần dân tộc, sự tự lập, sợ làm phiền người khác, hay văn hóa 3 mặt mà người Việt vẫn hiểu nhầm là “thảo mai” khiến nước Nhật vẫn luôn là ẩn số. Không chỉ người Nhật ngại người nước ngoài, mà ngay chính người nước ngoài cũng nhiều lần “sốc văn hóa”, muốn đến gần nhưng cuối cùng lại hoang mang tránh xa.

Đối với tôi, Nhật Bản như một cô nàng xinh đẹp đỏng đảnh nhưng lại nhút nhát trong khi Việt Nam là một cô bạn quá thân thiện với người ngoài mà đôi khi quên mất hoàn thiện bản thân. Nếu phải yêu một trong hai, biết chọn cô nào nhỉ?

Dẫu sao đó cũng chỉ là cảm nhận chủ quan của bản thân tôi và một số người Việt Nam đã từng làm việc, giao tiếp với người Nhật. Chúng ta không nên nghe một chiều mà phán đoán về cả một tập thể có phải không?

Các bạn hãy chia sẻ với Japo những mẩu chuyện của bản thân khi tiếp xúc với người Nhật nhé !

Sachiko

Quán quân cuộc thi hùng biện Việt Nhật lần 1: Tiếng Nhật hay tiếng Việt khó?

Tin nhanh: Việt Nam bất ngờ vượt xa Nhật Bản trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ sống

Lý do trai Việt đang là đối tượng theo đuổi của các cô gái Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: