Hệ thống địa chỉ ở Nhật đã phản bội phần còn lại của thế giới như thế nào?

Một trong những trải nghiệm thú vị mà bạn nên thử ở Nhật, đó là tìm địa chỉ nhà.

Nỗi ám ảnh đối với việc tìm đường ở Việt Nam là những dấu gạch chéo, địa chỉ càng có nhiều gạch chéo chứng tỏ nhà bạn cần tìm càng ở sâu trong những khu hẻm. May mắn thay, bạn sẽ không phải gặp những dấu gạch này trong địa chỉ ở Nhật. Thế nhưng, bạn phải đối mặt với việc có khả năng sẽ không có số nhà lẫn tên đường.

Nguồn bokete.jp

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Nobita lại luôn phải ghi nhớ phức tạp từng ngách hẻm mỗi lần giao hàng giúp mẹ không? Đó là vì anh chàng chẳng thể dựa vào số nhà và tên đường như ở Việt Nam được.

Một số con đường nhỏ ở Nhật không có tên, và số tòa nhà cũng không được viết ở nơi người qua đường có thể dễ dàng nhận ra. Không chỉ thế, các thành phố lớn như Tokyo đầy rẫy những con đường cụt, khiến cho bạn rất dễ rơi vào trường hợp “lạc mất lối”.

Nguồn tokyogirlsupdate.com

Thế nhưng dù có tên hay không có tên, có số nhà hay không có số nhà, việc tìm đường vẫn sẽ trở nên cực kì đơn giản nếu bạn hiểu được các quy tắc cơ bản trong cách viết địa chỉ đặc trưng tại một quốc gia. Thế nhưng trong trường hợp nước Nhật, liệu có còn đơn giản như bạn nghĩ?

Đầu tiên hãy xem qua đoạn Video sau

Từ Video, các bạn có thể thấy anh chàng người Mỹ đang giải thích sự khác nhau trong hệ thống địa chỉ tại Mỹ và Nhật. Nếu ở Mỹ, bạn lần theo tên đường để tìm đến nhà thì ở Nhật, ngược lại, người ta đặt tên cho ngôi nhà, hoặc khu nhà thay vì đường. Đường chỉ là những khoảng trống còn lại sau khi đã đặt tên hết cho các căn nhà trên bản đồ mà thôi.

Vậy, điểm cần ghi chú đầu tiên khi tìm nhà ở Nhật đó là, bạn không dựa theo tên đường, số nhà và dựa vào khu vực. Các khu vực sẽ được viết theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, giống như đi vào đường hầm thu nhỏ của Doraemon vậy.

Nguồn vtmonline.vn

Cụ thể

1. Tỉnh 県 – ken

Có một số ngoại lệ cho phần này, ví dụ người ta dùng 都 (To) cho Tokyo, 道 (Do) cho Hokkaido và  府 (Fu) cho Osaka và Kyoto.

2. Tên khu vực tự quản

Trong phần này bạn sẽ gặp một số từ như sau: 市 (Shi) để chỉ thành phố lớn, 区 (Ku) để chỉ các khu vực đặc biệt. Các khu vực nhỏ hơn như quận – 郡 (Gun), thành phố – 町 (Chou/Machi), làng – 村 (Mura/Son)

Trong 市 có nhiều 区 , 1 区 có thể được chia nhỏ ra thành  町 hoặc 村 tùy địa phương.

3. Tên khu phố 丁目 (Choume)

4. Số khu nhà 番地 (Banchi)

Hai phần này thường được quy định theo thứ tự càng về gần với khu trung tâm

5. Số nhà 号 (Go)

Đánh số dựa theo thời gian xây dựng, hoặc theo chiều kim đồng hồ so với các căn nhà khác trong thành phố.

Một số địa chỉ có đính kèm mã bưu điện.

Ví dụ, một  địa chỉ tiêu chuẩn ở Nhật có cấu trúc như thế này

〒100-8799

東京都千代田区丸の内二丁目7番2号

東京中央郵便局

〒100-8799 (Mã bưu điện)

Tōkyō-to (sử dụng To cho Tokyo)

Chiyoda-ku (quận)

Marunouchi ni-chōme (Khu phố)

nana-ban (Số khu nhà)

ni-gō (Số nhà)

Tōkyō Chūō Yūbin-kyoku (Tên địa điểm, trong trường hợp này là “Bưu điện trung tâm Tokyo”)

Nhìn có vẻ không đến nỗi khó. Thật ra, cái khó ở đây không phải bạn đọc như thế nào, mà là cách bạn tìm những con số trên thực tế. Như đã nói ở trên, số được đánh theo thời gian xây dựng, do đó tòa nhà số 1 có thể sẽ không nằm cạnh tòa nhà số 2.

Kyoto và Sapporo – những kẻ phản bội

Nhìn chung, tại hai nơi này, hệ thống địa chỉ vẫn không có gì thay đổi, chỉ có một rắc rối đó là ở Kyoto có nhiều Chou cùng tên trong cùng một Ku. Chính vì sự bất tiện này, bưu điện sẽ thêm vào một dấu hiệu không chính thức trong địa chỉ, đó là các giao lộ, thêm vào đó là mô tả hướng của tòa nhà so với giao lộ đó. Vì thế xảy ra trường hợp một tòa nhà sẽ có nhiều địa chỉ tùy thuộc vào giao lộ được chọn.

Nguồn google.com/maps/

Trong trường hợp của Sapporo, tên tòa nhà đặt theo khoảng cách của chúng đến góc phần tư tạo ra bởi 2 giao lộ.

Bạn đã “xoắn hết não” với hệ thống địa chỉ tại Nhật chưa nào? Điểm khó không chỉ ở sự phức tạp này đâu, đừng quên đường ở Nhật đa phần đều nhỏ và lộng gió, bạn sẽ khó thấy sự xuất hiện của các trục đường lớn trên bản đồ. Tokyo cũ – Thành Edo vốn dĩ là một thành phố ven sông, sau khi sông bị lấp để làm đường theo kiểu châu Âu, dù cho ngày càng nhiều tòa nhà hiện đại mọc lên, hệ thống đường sá vẫn được giữ nguyên do đó đến chính dân địa phương nhiều khi còn càm thấy bất tiện.

Nguồn tokyogirlsupdate.com

Đó là lý do tại sao người Nhật đi đâu cũng phải sử dụng GPS hoặc bản đồ, và lần theo những biểu tượng lớn như Sky Tree để tìm đường. Ngay cả dân địa phương Tokyo cũng không thể đi đâu được nếu không có các thiết bị này.

Vì thế đừng xấu hổ khi đi lạc tại Nhật, vì đó là đất nước được thiết kế để bạn bị lạc mà. Những lúc như thế, nếu không thể dựa vào sự hỗ trợ của thiết bị, đừng ngần ngại hỏi người dân nhé, họ sẽ rất nhiệt tình hướng dẫn bạn thôi. Nếu may mắn, có khi bạn còn được một người tốt bụng nào đó dẫn đến tận nơi đấy chứ.

 

Sachiko
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: