Từ Hakama đến Salor và Blazer, “lượn một vòng” lịch sử Nhật Bản qua sự chuyển hóa của các bộ đồng phục

Mỗi khi nhắc đến đồng phục học sinh của Nhật, trong đầu bạn hiện lên hình ảnh gì? Đó là những bộ Sailor cổ điển huyền thoại hay những chiếc Blazer hiện đại?

Đằng sau bộ đồng phục đáng yêu chúng ta thấy ngày nay là cả một lịch sử phát triển dài và cũng rất thú vị đấy. Các bạn hãy cùng Japo “nghía” qua nhé.

Trước thời Minh Trị, Nhật Bản không có đồng phục riêng cho học sinh mà sử dụng trang phục truyền thống, con gái mặc Kimono và con trai mặc Hakama. Thế nhưng kể từ thời Minh Trị trở đi, khi nền văn hóa phương Tây du nhập vào đất nước này, những bộ đồng phục bắt đầu có sự chuyển mình liên tục.

Nguồn matome.naver.jp (ảnh minh họa)

Đó cũng là khi nền văn hóa Nhật Bản bị lai tạp giữa phương Đông và phương Tây. Đồng phục nam sinh khi đó gọi là Gakuran, bao gồm áo Black top với cổ áo dựng, đội mũ đậm chất phương Tây thế nhưng chân lại mang Geta (guốc Nhật). Đồng phục nữ gọi là Hakama, nhưng không phải loại nam sinh mặc thời xưa. Bên cạnh việc được thiết kế nữ tính hơn, các cô gái còn kết hợp với ủng da và thắt nơ bướm to sau đầu.

Nguồn medium.com

Đây quả là một sự kết hợp khá táo bạo và cũng rất đáng yêu giữa hai nền văn hóa.

Sau này, dù có thêm nhiều mẫu mã khác, đồng phục nam sinh vẫn không thay đổi gì nhiều cho đến thời điểm hiện tại. Thế nhưng, đồng phục nữ sinh liên tục được cải tiến kể từ những cuộc chiến tranh vào thế kỷ 20. Trong chiến tranh thế giới thứ 1, rất nhiều phụ nữ Nhật Bản gia nhập vào quân đội, đặc biệt là thủy quân.

Đồng phục lính đã tạo cảm hứng cho đồng phục nữ sinh thời kỳ này. Người ta bắt đầu nhận thấy sự bất tiện trong bộ đồng phục Kimono thời xưa, bên cạnh đó vải may theo kiểu truyền thống cũng đắt hơn nhiều lần so với trang phục kiểu phương Tây.

Nguồn knowyourmeme.com

Kể từ những năm 1930, càng ngày càng nhiều trường học thiết kế đồng phục nữ sinh dạng thủy thủ, ban đầu là áo liền váy, sau đó tách ra, tùy từng trường. Thiết kế này giúp nữ sinh dễ chịu hơn trong các hoạt động thường ngày nhưng vẫn không làm mất đi vẻ nữ tính.

Không may, khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, Nhật Bản chi quá nhiều tiền bạc cho cuộc chiến, không những thế lại là nước thua cuộc. Nhiều nữ sinh bị buộc thôi học và phải phụ giúp việc đồng áng. Chiếc váy đáng yêu trong đồng phục thủy thủ được đổi thành quần thụng có tên riêng là Monpe. Sau khi chiến tranh kết thúc và nước Nhật bắt đầu tái tạo, đồng phục thủy thủ váy áo mới có đất quay trở lại.

Nguồn medium.com

Nguồn bluecherry.exblog.jp

Thời hậu chiến, tỷ lệ sinh của Nhật gia tăng nhanh chóng, nhiều học sinh phải cạnh tranh để học được tại trường danh tiếng. Trường học cũng đặt ra nhiều luật lệ hơn để quản lý số học sinh ngày càng tăng. Chính môi trường khơi dậy sự nổi loạn, điều này thể hiện rất rõ ràng trên bộ đồng phục học sinh. Ví dụ, quần của nam được biến thể thành hình dạng lồng đèn để dễ di chuyển khi đánh nhau, và váy của nữ dài thêm ra nhằm mục đích che giấu vũ khí như gậy hay dây thừng.

Để hạn chế tình trạng này, đồng phục lại một lần nữa biến đổi. Từ đồng phục thủy thủ, một số trường đã cách tân bộ đồng phục sao cho thêm phần hiện đại. Chiếc cổ thủy thủ thay bằng cổ sơ mi tây, để có thể thắt được nhiều loại nơ đủ màu thay vì chỉ có dây buộc như kiểu truyền thống. Áo Blazer cũng được thêm vào trong giai đoạn này.

Nguồn matome.naver.jp/odai

Ngoài ra, học sinh cũng đóng vai trò rất lớn trong việc thay đổi kiểu dáng đồng phục. Ví dụ

Nữ sinh kết hợp với tất thụng dưới gối để tạo cảm giác đáng yêu. Đồng thời cách kết hợp này còn khiến váy trông ngắn hơn bình thường.

Nguồn withnews.jp

Trong khi nữ sinh cố gắng “kéo váy” lên thì nam sinh lại có xu hướng “hạ quần” xuống. Chiếc quần thụng “Baby Milo” Hiphop từng trở thành trào lưu trong cánh mày râu, gọi là Koshi Pan. Trong trường học, đương nhiên các anh chàng không dám hạ quần ngoài lộ quần trong như Justin Bieber nếu không muốn bị mời lên giám hiệu.

Nguồn matome.naver.jp/odai

Ngày nay đồng phục học sinh vẫn luôn không ngừng biến đổi tùy vào tính cách riêng của từng thế hệ. Bộ đồng phục xóa bỏ ranh giới giàu nghèo trong giới học sinh, nhưng không hạn chế các em ấy thể hiện cá tính riêng. Nhìn qua một lượt lịch sử phát triển của bộ đồng phục, ta cũng có thể hình dung được toàn cảnh những dấu mốc lịch sử và sự chuyển mình của văn hóa Nhật Bản qua từng thời kỳ, gắn với từng thế hệ.

Nguồn kotaku.com (Tấm ảnh tổng kết cho các bạn đây !!!)

Chính vì ý nghĩa sâu sắc của bộ đồng phục, hãy luôn trân trọng nó khi vẫn còn có cơ hội mặc nó nhé, bởi đó không đơn giản chỉ là quần áo, đó còn là tuổi trẻ của mỗi chúng ta đấy.

Sachiko

Sailor hay Blazer? Cuộc tranh cãi không hồi kết của nữ sinh Nhật Bản

Xung quanh câu chuyện dài ngắn của váy đồng phục nữ sinh Nhật Bản

Góc tối phía sau những bộ đồng phục học sinh ở Nhật Bản

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: