Lý do thú vị đằng sau hành động trao và nhận tiền thối qua khay đựng của người Nhật
Đối với khách du lịch lần đầu tiên tới Nhật, lúc thanh toán tại quầy, có thể bạn sẽ ngạc nhiên với những chiếc khay đựng tiền thối, gọi chung là コイントレー(Coin tray). Ở Việt Nam, tiền thối được trao tận tay hoặc được đặt trên mặt bàn.
Nguồn http://www.carl.co.jp/product/coin-tray/
Nguồn gốc của những chiếc khay này như thế nào? Tại sao người Nhật lại phải sử dụng khay khi đưa tiền thối. Tuy chỉ là hành động nhỏ nhưng đằng sau đó là cả một sự khác biệt văn hoá và nét đẹp trong nghệ thuật ứng xử đấy.
Thật ra không riêng gì Nhật Bản sử dụng khay khi thối tiền, mà hình thức này cũng rất phổ biến tại các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu. Thế nhưng khi đến Nhật, chiếc khay đi kèm với một số biến thể rất thú vị, giúp các bạn hiểu thêm về những nét tính cách và sự kĩ lưỡng của người Nhật.
Đầu tiên hãy xem Video hướng dẫn thủ tục đưa tiền và nhận tiền thối từ A-Z tại quầy thanh toán.
Khay đựng tiền xu có thể được làm bằng nhựa, hoặc kim loại. Trong trường hợp là kim loại, dưới đáy sẽ được bọc lớp cao su để tiền xu không chạy lung tung trên mặt khay.
Thật ra tại một số Konbini, người ta bỏ qua các Coin tray này để tiết kiệm thời gian cho khách hàng. Thế nhưng đa số khách hàng cảm thấy bất tiện. Lý do họ đưa ra là không muốn đụng chạm tay với nhân viên, bên cạnh đó họ cảm thấy khó kiểm tra liệu nhân viên có thối đúng tiền thừa cho mình không.
Theo 1 nghiên cứu, có 51% người Nhật cảm thấy bất tiện nếu chạm phải tay nhân viên khi nhận tiền thối, trong khi đó khoảng 35% không quan tâm hoặc cảm thấy thích thú, phần còn lại là ý kiến khác. Có lẽ yếu tố quyết định đến kết quả của khảo sát là ngoại hình của nhân viên thanh toán chăng?
Nguồn iromegane.com
Nhưng nhìn chung, người Nhật rất nhạy cảm trong vấn đề đụng chạm cơ thể. Trong văn hoá Nhật Bản, bắt tay không phải là vấn đề lớn, thế nhưng vô tình chạm tay lại chứa nhiều ẩn ý, đặc biệt khi nhìn từ góc độ của phụ nữ.
Chính vì thế bên cạnh khay đựng tiền, người Nhật còn sáng tạo ra rất nhiều cách sáng tạo khác để giao tiền thối cho khách hàng mà không cần đụng chạm vào tay họ.
1. Tsuribashi (吊り橋)
Nguồn iromegane.com
Giữ hai đầu của tờ hoá đơn, cho tiền xu lên đó và giao cho khách hàng. Cách này có nhược điểm là tiền xu có thể bị rơi ra ngoài
2. Zabuton (座布団)
Nguồn iromegane.com
Đầu tiên đưa hoá đơn, sau đó cho tiền xu lên trên
3. Nagekomi (投げ込み)
Nguồn iromegane.com
Thả tiền xu từ trên cao xuống tay của khách hàng. Tuy nhiên cách này rất nhiều nguy cơ và bị xem là hành động thô lỗ do đó ít người sử dụng.
Thế nhưng đây mới là cách đúng đắn nhất để đưa và nhận tiền thối ở Nhật.
Nguồn rocketnews24.com
Tiền giấy được xếp từ lớn đến nhỏ từ dưới lên trên theo cùng một hướng. Tiếp đến là hoá đơn và trên cùng là tiền xu. Nhờ thế mà khi cho vào túi, bạn có thể trút xu từ hoá đơn vào túi một cách gọn gàng mà không sợ rơi ra mất.
Ngoài ra, nếu bạn chưa quen với việc sử dụng các đồng xu lẻ và cách tính tiền của người Nhật, bạn có thể tải Apps Otsuri kaeshi (おつり返し) về để luyện tập. Apps này không chỉ hữu ích với dân du lịch Nhật Bản mà còn giúp đỡ rất nhiều cho các bạn du học sinh đang làm part-time nhân viên tính tiền tại các siêu thị của Nhật.
Chỉ với hành động tính tiền thôi đã thấy được sự tỉ mỉ chu đáo của người Nhật. Chính vì thế mà họ vẫn có thể sử dụng những đồng xu rất bé như đồng 1 yên mà không cảm thấy bất tiện.
Mình nhớ ngày xưa Việt Nam cũng từng phát hành tiền xu, thế nhưng vì dễ rơi mất, các đồng xu đáng thương hiện nay đã tuyệt chủng. Vậy nên với những bạn Việt Nam mới qua Nhật và chưa quen với văn hoá sử dụng tiền xu này, hãy sắm ngay cho mình một chiếc ví đựng tiền xu bé xinh để tránh tình trạng đánh rơi mất tiền nhé.
Sachiko