8 điều hay ho về tiền giấy, tiền xu Nhật Bản mà người Nhật còn chưa biết – cái số 3 quả là tiết kiệm vô đối
Nếu ai đó nói rằng, vòng đời của mỗi tờ tiền chỉ là 1 – 2 năm, sau đó sẽ bị thu hồi và tái chế thành… giấy vệ sinh thì bạn có tin không?
Mỗi đất nước sẽ sử dụng các chất liệu khác nhau để làm tiền giấy và tiền xu (nếu có). Trên mặt tiền chính là những biểu tượng đặc trưng của mỗi quốc gia, ví dụ như các vĩ nhân, con vật, cây cối, phong cảnh hay các tòa nhà di tích.
Vì thế, khi ra nước ngoài, nhiều người thường có thú vui tìm hiểu về tiền tệ của nước đó.
Và dưới đây là vài điểm rất thú vị của tiền giấy, tiền xu Nhật Bản mà người dân xứ anh đào cũng chưa chắc đã biết hết.
TIỀN GIẤY NHẬT BẢN
Có 4 mệnh giá khác nhau: 10.000 yên, 5.000 yên, 2.000 yên và 1.000 yên.
1. Trên tờ tiền có in các họa tiết nổi, giúp người khiếm thị có thể phân biệt
Ở mặt trước tờ tiền, góc phía dưới cả 2 bên trái – phải đều có in các họa tiết nổi. Ngân hàng dùng mực dậm lên những chỗ này, giúp người khiếm thị có thể phân biệt bằng cách sờ vào.
Dấu hiệu nhận biết tờ 10.000 yên là cái móc như chữ L viết ngược. Với tờ 5.000 yên là hình bát giác (8 cạnh). Còn tờ 1.000 yên thì có một đường gạch ngang.
Từ trái qua là ký hiệu của các tờ 10.000 yên, 5.000 yên và 1.000 yên
Dấu hiệu để biết tờ 2.000 yên là ba chấm tròn xếp hàng dọc – ký hiệu cho số 2 trong bảng chữ Braille (hệ thống chữ nổi) của Nhật Bản.
Ngoài ra, ở góc bên trái phía dưới tờ 10.000 yên và 5.000 yên sẽ có thêm hologram (kỹ thuật tạo ảnh ba chiều), khi sờ vào sẽ có cảm giác bóng láng.
Trước đây tờ 10.000 yên và 5.000 đều có hologram hình bầu dục. Nhưng từ tháng 5/2014, tờ 5.000 đã thay thế bằng hình vuông. Nhờ đó, có thể phân biệt tờ 10.000 với 5.000 yên.
Hai phiên bản của tờ 5.000 yên. Tờ có hologram hình vuông được lưu hành từ tháng 5/2014
Tờ 2.000 và 1.000 yên đều không có hologram. Nhưng vì tờ 2.000 yên ít được sử dụng, nên nếu tờ tiền không có hologram thì người khiếm thị sẽ biết ngay đó là 1.000 yên.
Đọc qua có hơi rắc rối, nhưng các họa tiết nổi và hologram sẽ rất hữu ích với người khiếm thị đó!
2. Điều đặc biệt của tờ 2.000 yên
Tiếp theo, bạn sẽ biết ngay vì sao tờ 2.000 ít xuất hiện trên thị trường!
Tờ tiền này được in ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức tại tỉnh Okinawa vào năm 2000. Tuy nhiên, ngày nay nó không phổ biến vì không thể sử dụng tại các máy bán hàng tự động.
Ngân hàng Nhật Bản in ra 700 triệu tờ tiền mệnh giá 2.000 yên vào năm 2000, và in tiếp hơn 100 triệu tờ vào năm 2003, rồi ngưng luôn từ đó.
Dù vậy, tờ tiền này vẫn có giá trị bình thường. Chỉ là bạn ít thấy nó được sử dụng thôi, nếu có thì nó sẽ xuất hiện ở tỉnh Okinawa.
3. Vòng đời của mỗi tờ tiền là 1 – 2 năm, sau đó sẽ bị thu hồi và tái chế thành… giấy dùng trong nhà
Theo Ngân hàng Nhật Bản, vòng đời trung bình của tờ 10.000 yên là từ 4 – 5 năm.
Còn tờ 5.000 yên và 1.000 yên do được sử dụng nhiều nên vòng đời cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 1 – 2 năm.
Các cơ quan tài chính sẽ gửi tiền về Ngân hàng Nhật Bản. Ngân hàng trung ương sẽ kiểm tra tính xác thực và tình trạng của tờ tiền, rồi họ quyết định đưa nó trở lại lưu thông hay loại bỏ.
Tờ tiền bị thải ra sẽ đưa vào máy tái chế, biến thành giấy dùng trong gia đình, văn phòng, giấy toilet…
4. Vậy người dân có thể đem đổi những tờ tiền rách được không?
Tiền bị hư hỏng hoặc có vết bẩn có thể đem đổi tại Ngân hàng Nhật Bản nằm ở Nihonbashi, Tokyo hoặc 32 chi nhánh khác của ngân hàng này. Ngoài ra, cũng có thể đổi ở một số tổ chức tài chính thương mại.
Mỗi tờ tiền sẽ được đánh giá như sau:
Nếu tờ tiền còn nguyên từ 2/3 trở lên, ngân hàng sẽ đổi cho bạn đủ giá trị tờ tiền đó.
Nếu tờ tiền còn giữ được từ 1/5 đến 2/3, ngân hàng sẽ đổi cho bạn một nửa giá trị của nó.
Nếu tờ tiền chỉ còn lại ít hơn 1/5 thì không thể đổi được.
NHỮNG ĐỒNG XU Ở NHẬT
Có 6 mệnh giá khác nhau là 500 yên, 100 yên, 50 yên, 10 yên, 5 yên và 1 yên.
1. Ngân hàng sẽ tốn hơn 1 yên để làm ra… đồng xu 1 yên!
1 yên gần bằng 205 VND
Nếu hỏi cần bao nhiêu tiền để sản xuất ra các đồng xu thì rất khó trả lời chính xác, vì giá kim loại sẽ thay đổi. Hiện giờ, ước tính giá nguyên liệu nhôm để sản xuất ra mỗi đồng xu 1 yên là từ 2 – 3 yên.
Tuy nhiên, giá để sản xuất các đồng xu mệnh giá khác thì có vẻ rẻ hơn (do nguyên liệu và các nguyên nhân khác).
Ước tính, tốn 7 yên để làm đồng xu 5 yên. Tốn 10 yên cho đồng xu 10 yên. Tốn 20 yên cho đồng xu 50 yên. Tốn 25 yên cho đồng xu 100 yên. Và tốn 30 yên cho đồng xu 500 yên.
2. Có thể làm sạch đồng xu bằng cách ngâm giấm
Đồng xu xài lâu ngày sẽ trở nên đen, bẩn. Với đồng 5 yên hay 10 yên, bạn có thể ngâm chúng trong giấm để vệ sinh.
Vì hai loại đồng xu này làm bằng đồng, nên khi gặp axit trong giấm, vết bẩn sẽ bay đi. Biện pháp này chưa chắc sẽ thành công với các loại đồng xu khác, vì chất liệu của chúng không giống nhau.
3. Bạn chỉ có thể sử dụng tối đa 20 đồng xu mệnh giá giống nhau cho mỗi lần thanh toán
Nghĩa là với mỗi lần thanh toán, bạn chỉ được dùng nhiều nhất 20 đồng xu mệnh giá 1 yên, 20 đồng xu mệnh giá 5 yên… mà thôi.
Luật quy định như vậy để cho phép các cửa hàng từ chối nhận quá nhiều đồng xu cùng lúc, gây bất tiện, tốn thời gian.
Nhưng với tiền giấy thì vô tư nhé, dùng bao nhiêu tờ một lần cũng được.
4. Chỉ riêng đồng xu 5 yên và 50 yên có lỗ ở giữa thôi, vì sao vậy?
Từ trái qua: đồng xu 500 yên, 100 yên, 50 yên, 10 yên, 5 yên và 1 yên
Lí do khác nhau tùy trường hợp nhé. Với đồng xu 5 yên, chiếc lỗ là để tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, không tốn nhiều kim loại.
Đồng xu 5 yên được lưu thông lần đầu năm 1949, một thời gian ngắn sau Thế chiến thứ hai, nên nước Nhật phải “thắt lưng buộc bụng”, chừa ngân sách cho việc tái thiết.
Còn với đồng xu 50 yên lại khác. Vì nó có màu giống với đồng xu 100 yên nên người ta khoét lỗ cho dễ phân biệt.
Tạm kết
Khi đi du lịch, chúng ta thường chỉ quan tâm cách giữ tiền hay… tiêu tiền mà thôi, ít khi nào để ý những chi tiết đằng sau. Nhưng càng tìm hiểu kĩ, ta càng khám phá được những cái hay về văn hóa, lịch sử… của đất nước mà mình đang vi vu đó.
Ví dụ như các tờ tiền hay đồng xu yên Nhật – chúng có nhiều điểm hay ho quá phải không?
Nguồn: Live Japan
Theo Đạt Lê/ Kênh 14.vn
Những giả thiết về Bài thơ chết chóc sẽ tiễn bạn về thế giới bên kia nếu được đọc thành tiếng
[Góc chia sẻ] Câu chuyện con cá Mập mang tên “không tiền thì cạp đất mà ăn”
[Không dành cho thánh Rậm Rạp] Giơ nách 1 tiếng nhận 2 triệu đồng