Robot – thế hệ nông dân tiếp theo của Nhật Bản
Mô hình mẫu máy kéo tự động của Công ty Kubota. Máy kéo này sẽ được sử dụng để trồng lúa cũng như bón phân cho lúa. Ảnh: Nikkei Asian Review
Hãng tin Bloomberg cho biết hội nghị bộ trưởng nông nghiệp Nhóm G7 (bảy nước công nghiệp phát triển gồm Nhật Bản, Đức, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Ý) diễn ra ở tỉnh Niigata, Nhật Bản trong hai ngày 23 và 24-4 sẽ lần đầu tiên thảo luận các biện pháp đáp ứng nhu cầu thực phẩm đang gia tăng trong bối cảnh nông dân trên toàn cầu ngày càng già đi và sắp nghỉ hưu nhưng không có lực lượng nông dân kế thừa.
Độ tuổi trung bình của nông dân ở các nước phát triển hiện nay là 60, theo khảo sát của Liên hợp quốc. Riêng tại Nhật Bản, độ tuổi trung bình của nông dân hiện nay là 67 và đó là lý do tại sao Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Hiroshi Moriyama cho biết ông sẽ nêu ra ý tưởng thay thế những người nông dân lớn tuổi bằng các máy kéo tự động và các robot nhỏ có thể đeo sau lưng.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cảnh báo rằng vấn đề nông dân ngày càng lớn tuổi có thể đe dọa khả năng sản xuất thực phẩm mà thế giới cần.
Theo Bloomberg, Nhật Bản đã lên kế hoạch chi 4 tỉ yên (37 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính 2016 nhằm thúc đẩy tự động hóa tại các nông trại và hỗ trợ phát triển 20 loại robot nông nghiệp khác nhau. “Không có sự lựa chọn nào khác cho nông dân ngoài việc phải dựa vào công nghệ do các công ty phát triển nếu họ muốn năng cao năng suất khi ngày càng lớn tuổi. Chính phủ phải hỗ trợ họ áp dụng các công nghệ mới”, nhà phân tích Makiko Tsugata ở Công ty chứng khoán và tài chính Mizuho Securities ở Tokyo nói.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua, lên đến mức 420.000 hecta trong năm 2015 vì ngày càng có nhiều nông dân Nhật Bản đến tuổi nghỉ ngơi.
Tình trạng khan hiếm lực lượng lao động trẻ tham gia sản xuất nông nghiệp làm dấy lên lo ngại Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. Hiện nay, 60% nguồn cung thực phẩm cho Nhật Bản đến từ nước ngoài.
Công ty Kubota, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn nhất Nhật Bản, đã phát triển mô hình mẫu máy kéo tự động đầu tiên để sử dụng trong sản xuất lúa gạo. Được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS), máy kéo này có thể tự trồng lúa và bón phân sau khi kiểm tra các điều kiện đất đai. Công ty Iseki & Co. và Công ty Yanmar Co. cũng đang phát triển các máy kéo và máy gặt tự động.
Ngoài xe cơ giới nông nghiệp tự động, Kutoba cũng đang phát triển và bán ra thị trường một thiết bị robot có thể đeo sau lưng, giúp nông dân thu hoạch rau quả và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản hy vọng robot này sẽ giúp các nông dân lớn tuổi hoặc nông dân nữ giới làm việc hiệu quả hơn.
Vào hồi đầu năm nay, công ty nông nghiệp Nhật Bản Spread cho biết sẽ đưa vào hoạt động nông trại tự động đầu tiên trên thế giới tại thành phố Kameoka, tỉnh Kyoto vào giữa năm 2017. Đây là trang trại sản xuất rau diếp và các robot tại trang trại này sẽ làm tất cả mọi công việc từ trồng cây con cho đến tưới nước và thu hoạch.
Công ty Spread cho biết với sự hỗ trợ của các robot, sản lượng tại trang trại sẽ tăng từ 21.000 bụi rau diếp mỗi ngày lên 50.000 bụi rau diếp mỗi ngày.
Nhà phân tích Takaki Shigemoto ở Công ty JSC Corp Nhật nhận định: “Áp dụng các công nghệ mới đối với công việc đồng áng sẽ làm tăng tính hấp dẫn của nông nghiệp và sẽ làm tăng số lượng người lao động trẻ trong ngành nông nghiệp”.
Theo Samurai Tour