Bên trong hàng không mẫu hạm sạch bong của Nhật Bản

Tàu sân bay trực thăng Kaga không phải là chiến hạm lớn nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất, nhưng 500 thủy thủ trên tàu luôn cố gắng giữ cho con tàu này sạch sẽ nhất.

Các phóng viên của Reuters quan sát thấy, trong suốt 9 ngày đi từ Indonesia tới Sri Lanka, cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống, các thủy thủ tàu Kaga lại cầm giẻ lau, chổi để lau sạch con tàu dài 248m.


“Tôi tin rằng Kaga là con tàu sạch nhất”, Hayato Nishida (36 tuổi), phụ trách việc giữ gìn con tàu sạch sẽ khẳng định. “Chúng tôi dọn dẹp vào một thời gian cụ thể trong ngày và mọi người đều phải thực hiện nhiệm vụ này”, ông nói.

Các thủy thủ cọ toilet, lau sàn và phủi bụi từ các đường ống, dây điện trên trần của một trong những con tàu mới nhất thuộc Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản.

“Giữ cho con tàu sạch sẽ có nghĩa là chúng tôi có thể sử dụng nó lâu dài”, Chuẩn đô đốc Tatsuya Fukuda cho biết. “Công việc này cũng dạy các thủy thủ yêu quý con tàu và thể hiện tốt nhất khả năng của họ”.


Theo ông Nishida, đây là một thói quen được duy trì từ khi các thủy thủ ngồi trên ghế nhà trường. Các học sinh tại Nhật Bản luôn được nhắc nhở giữ lớp học ngăn nắp và cùng nhau dọn dẹp sau mỗi giờ học để khuyến khích tinh thần làm việc nhóm.

“Chúng tôi không có bất kỳ đội ngũ nào chuyên dọn dẹp. Ai nấy đều tham gia”, ông Nishida nói.


Kaga là tàu sân bay trực thăng lớn thứ hai của Nhật Bản. Con tàu nặng 20.000 tấn này được đưa vào hoạt động từ năm 2017, trên tàu vẫn còn mùi sơn mới và sàn được lau sáng bóng, rất khó để tìm thấy bụi.

“Nếu con tàu không sạch sẽ, mọi người có thể sẽ bị ốm và thật không thoải mái khi sống ở một nơi bụi bặm”, Kanayuki Morishita, một thực tập sinh 21 tuổi, chia sẻ khi đang cọ toilet.


Bên ngoài tàu cũng được lau dọn sạch sẽ, bao gồm cả mỏ neo và dây xích sau khi các thủy thủ kéo lên từ đáy biển.

Trên boong dành cho máy bay, nơi các trực thăng săn tàu ngầm Seahawk cất cánh và hạ cánh, có thể bị phủ một lớp muối từ bụi nước biển. Trước khi đến cảng, boong tàu này và đài chỉ huy của thuyền trưởng đều được xịt nước để khiến con tàu trông sáng sủa hơn trước khi các du khách lên tham quan.


Lấy rác ra khỏi tàu là nhiệm vụ cuối cùng của các thủy thủ sau khi con tàu cập cảng Colombo.

“Ngay cả khi so sánh với các tàu của Lực lượng Phòng vệ biển, tàu của chúng tôi vẫn sạch sẽ nhất”, Chuẩn đô đốc Fukuda tự hào khoe.

Theo Sầm Hoa/Vietnamnet.vn

Hành động gây tranh cãi của người khách đi tàu  Người Nhật lạnh lùng đến vậy sao?

Hết thời thỏ chạy nhanh hơn rùa rồi- bây giờ rùa ở Nhật còn biết cách đi tàu điện

Những chuyện có thể xảy ra trên một chuyến tàu điện Tokyo

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: