Những câu chuyện dân gian Nhật Bản và di tích liên quan mà có thể bạn chưa biết

Bên trong những câu chuyện dân gian đều chứa đựng trong đó nét văn hoá truyền thống đặc trưng nhất của mỗi vùng đất, mỗi quốc gia.
Những câu chuyện của thời xa xưa đã được ông bà kể lại, truyền từ đời này qua đời khác và trong đó ẩn chứa biết bao bài học quý giá mà người xưa muốn dạy cho lớp sau.
Vì vậy nếu bạn đi du lịch nước ngoài hoặc muốn thấu hiểu nền văn hoá ở đó thì điều đầu tiên tôi nghĩ bạn nên làm, đó là tìm đọc những câu chuyện cổ tích.
Trong bài viết hôm nay, chúng tôi xin gửi tới bạn những câu chuyện cổ được lưu truyền rộng rãi kèm theo các di tích gắn liền với câu chuyện đó, có thể bạn chưa từng biết ở Nhật Bản.
1. Momotaro (桃 太郎)
Ngày xửa, ngày xưa có một cặp vợ chồng hiếm muộn đã qua tứ tuần mà vẫn chưa có con. Một ngày nọ, khi đang giặt giũ cạnh dòng suối bà lão đã vô tình nhặt được trái đào cực lớn trôi dạt vào bờ và mang về nhà. Khi người chồng đang chuẩn bị cắt trái đào ra thành hai thì đột nhiên trông thấy một cậu bé khỏe mạnh bên trong. Cả hai vợ chồng vui mừng khôn xiết vì cuối cùng ông trời đã ban cho họ một đứa con và họ đặt tên cậu là Momotaro (nghĩa là đứa trẻ sinh ra từ trái đào).

Nhiều năm sau, khi Momotarō lớn lên, lũ quỷ ở phương xa bắt đầu làm loạn ức hiếp bá tánh. Cậu bé đào quyết định phải tiêu diệt bọn chúng đem lại hoà bình cho mọi người. Trên đường đi, Momotarō gặp và làm quen với một chú chó, một con khỉ và một con gà lôi, cả ba đều biết nói tiếng người, chúng đồng ý giúp cậu trong cuộc truy tìm kẻ xấu.
Khi đến được hòn đảo nơi bọn quỷ sống, Momotarō và những người bạn của mình tìm cách đi vào hang ổ của bọn quỷ và đánh cho chúng tơi bời. Họ cùng trở về nhà với chiến lợi phẩm của bọn quỷ cướp được và bắt sống được Chúa quỷ. Momotarō và gia đình cậu bé sống hạnh phúc từ đó mãi mãi về sau.
Câu chuyện dân gian này bắt nguồn từ vùng Okayama. Hiện nay, Momotarō là linh vật du lịch không chính thức cho thành phố, hình ảnh của Monotaro thường được tìm thấy trên quà lưu niệm và quà tặng. Đồng thời xuất hiện trong các trò chơi, Manga, Anime, vv. và được sử dụng như một hình mẫu trong cuốn sách của trẻ em Nhật Bản.
Cây kẹo Kibi-dango có xuất hiện trong một số dị bản, ngày nay trở thành món đồ ngọt phổ biến ở tỉnh Okayama.
Megijima, một hòn đảo nhỏ nằm trên biển nội địa Seto từ Okayama gần Takamatsu được nhiều người tin là hòn đảo ma quỷ.

2. Urashima Tarō (浦 島 太郎)
Urashima Tarō là một ngư dân trẻ đã cứu một con rùa biển khổng lồ khỏi tay của lũ trẻ con. Để trả ơn cứu mạng, chú rùa đã đưa Tarō đến thuỷ cung Ryugu. Ở đó, công chúa xinh đẹp Otohime đã tiếp đãi chàng ngư dân trẻ . Sau một vài ngày, Tarō mong muốn trở về nhà với gia đình mình. Trước khi chia tay, Otohime tặng cho Tarō một chiếc hộp và cảnh báo rằng bất kể hoàn cảnh nào cũng đừng mở nó ra.

Khi trở về ngôi làng của mình, anh nhận ra mọi thứ xung quanh quá sức xa lạ, những người quen của anh đều đã chết rất lâu kể cả cha mẹ anh. Trong lúc đau khổ thì Tarō đã quên lời cảnh báo và mở chiếc hộp. Bất chợt một làn khói trắng xuất hiện và bao phủ lấy Taro, khi làn khói biến mất thì Taro đã thành một ông lão từ bao giờ rồi.

Người ta tin rằng hộp Tamatebako (món quà công chúa tặng) có giữ tuổi của Tarō vì thời gian ở thuỷ cung rất khác so với ở trên mặt đất, có thể 1 ngày ở đó bằng vài năm ở trên bờ.
Câu chuyện bi thảm của Urashima Tarō là một trong những câu chuyện văn hóa dân gian lâu đời nhất của Nhật Bản, được lưu truyền vào đầu thế kỷ thứ 5.
Kỷ vật minh chứng cho tích truyện trên, có thể kể đến chiếc hộp tại đền Urashima khá xa xôi ở phía bắc tỉnh Kyoto.
Người ta cũng tin rằng tỉnh Kagoshima, ở mũi phía nam của Nhật Bản, là nơi sinh của Tarō.

 

3. Okiku (お 菊)

Câu chuyện khủng khiếp của Okiku là một trong những câu chuyện ma nổi tiếng nhất của Nhật Bản, đầy những yếu tố xã hội, giáo dục, nhân văn.

Ngày xưa có một người hầu xinh đẹp tên là Okiku. Cô làm người hầu cho Samurai Aoyama Tessan. Okiku luôn từ chối lời cầu hôn của vị samurai, vì vậy ông ta lừa cô rằng cô đã vô tình làm mất một trong mười cái đĩa quý gia truyền. Vì tội đó cô sẽ bị xử chết. Cô điên cuồng đếm đi đếm lại chín cái đĩa nhiều lần.

Ảnh: https://aminoapps.com

Tuy nhiên, cô không thể tìm thấy cái thứ 10 và khóc lóc van xin trước mặt Aoyama mong được tha tội. Ngài Samurai ra lệnh rằng sẽ bỏ qua chuyện này nếu cô đã trở thành vợ của ông, nhưng cô vẫn tiếp tục từ chối. Tức giận, Aoyama đã ném cô xuống một cái giếng khiến Okiku mất mạng.

Người ta nói rằng Okiku chết trở thành hồn ma báo thù kẻ đã dày vò và giết mình bằng cách đếm đến chín rồi thét lên khủng khiếp “Mười” giống như đã tìm được cái đĩa thứ mười bị mất – hoặc có lẽ cô gái vẫn đang tự dày vò bản thân và cố gắng tìm chiếc đĩa còn lại nhưng cuối cùng phải kêu lên đau đớn bởi không bao giờ đếm đủ.

Theo một vài dị bản khác của câu chuyện, nỗi bất hạnh của cô gái tiếp tục cho đến khi môt vị pháp sư (có truyện viết là người hàng xóm) hét lớn “mười” thì cuối cùng linh hồn cô đã yên nghỉ. Bởi có lẽ cô nghĩ rằng có ai đó đã tìm thấy chiếc đĩa thứ mười cho mình. Từ đó vị Samurai nọ cũng không còn bị linh hồn cô gái Okiku đeo đuổi.

Ảnh: http://www.yan.vn/

Di tích liên quan: Ngày nay, người ta đồn đại rằng Okiku bị ném xuống một cái giếng ở lâu đài Himeji.

Câu chuyện bi thảm của Okiku là nguồn cảm hứng cho bộ phim kinh dị nổi tiếng của Nhật Bản, The Ring.

4. Minamoto no Yorimitsu (源 頼 光)

Minamoto no Yorimitsu là một chiến binh và chỉ huy quân sự nổi tiếng, đã phục vụ các lãnh địa Fujiwara trong thời kỳ Heian. Bên cạnh ông là bốn thuộc hạ hùng mạnh được gọi là Shitennō.

Yorimitsu được nhớ đến nhiều nhất trong việc giết yêu tinh Shuten-dōji (酒 呑 童子). Trong thời trị vì của Hoàng đế Ichijō, Heian-kyō (Kyoto) đã bị quấy nhiễu bởi một yêu tinh quái dị. Nó bắt cóc nhiều phụ nữ làm nô lệ và ăn thịt họ để mua vui.

Ảnh: https://www.artic.edu/

Theo mệnh lệnh của Hoàng đế, Yorimitsu và các thuộc hạ của ông đã lùng sục các ngọn núi xung quanh Heian-kyō nhằm tìm ra nơi ở của con quỷ và cố gắng lừa nó ra khỏi đó. Họ biết con quỷ cũng rất thích rượu ngon nên đã dùng mồi nhử dụ nó vào một căn nhà chứa đầy rượu. Đợi cho nó uống say, ông ấy đã cùng các thuộc hạ giết chết nó.

Cụm từ “Shuten” theo nghĩa đen có nghĩa là uống rượu bằng tiếng Nhật.
Lễ hội Karatsu Kunchi, có các hình nộm Hikiyama, là những chiếc thuyền lớn với nhiều hình thù khác nhau như nón của Samurai, cá tráp, rồng và các loài sinh vật kỳ lạ khác. Trong đó có nón Samurau dựa trên chiếc nón của Yorimitsu.

Ảnh: https://matcha-jp.com/vn/910

Địa bàn của Shuten-dōji  là ở núi Ibuki ở ngoại ô Kyoto. Các phiên bản khác cho rằng Shuten-dōji đã rời khỏi núi và xây dựng Enryaku-ji trên núi Hiei. Cả núi Ibuki và Enryaku-ji đều là điểm đến du lịch phổ biến hiện nay.

Qua những câu chuyện trên, điều mà tôi rút ra được là giá trị của sự can đảm, lòng yêu động vật, làm việc thiện sẽ gặp điều lành và ngược lại…

Còn rất nhiều câu chuyện dân gian Nhật Bản thú vị khác nữa, nếu bạn thấy thích hãy bình luận phía dưới để chúng tôi sưu tập thêm cho các bạn nhé!

Nguồn: https://wanderwisdom.com/travel-destinations/7-Japanese-Folklore-Stories

Neko

4 cô gái Nhật Bản chưa quá 20 tuổi làm người mẫu cho thương hiệu cao cấp

Hướng dẫn du lịch cực Cute cho các nàng mù đường lạc lối khi lần đầu đến Nhật Bản

Mèo, hình xăm và văn hóa Nhật Bản bạn kết hợp 3 yếu tố này như thế nào?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: