Người chết vì làm việc quá sức tại Nhật ngày càng nhiều

Số lượng người lao động qua đời do làm việc quá sức hoặc tự sát vì không chịu nổi áp lực công việc khổng lồ đang gia tăng và trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng tại Nhật.

Ở Nhật, hiện tượng này được gọi là “karoshi”. Theo Reuters, việc thực thi luật lao động một cách lỏng lẻo, thiếu hiệu quả đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Nhật ép người lao động làm việc đến kiệt sức, dẫn tới những hậu quả đau lòng.

Mới đây, Bộ Lao động Nhật thông báo con số đơn khiếu kiện đòi bồi thường từ gia đình những người lao động thiệt mạng hoặc tự sát vì làm việc quá nhiều tăng lên mức kỷ lục 1.456, tính đến tháng 3/2015.

Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu làm việc trong các ngành dịch vụ y tế, an sinh xã hội, vận tải và xây dựng. Đây cũng là những ngành thiếu hụt lao động trầm trọng ở Nhật.

Ông Hiroshi Kawahito, tổng thư ký tổ chức Cố vấn Quốc gia cho các nạn nhân karoshi (NDCVK), khẳng định con số người chết thực tế cao gấp 10 lần. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, chính phủ ngần ngại, không muốn thừa nhận sự thật đó.

20160404075039-lao-dong-nhat-1

“Chính phủ tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề và tuyên bố đao to búa lớn vấn đề này nhưng tất cả chỉ là tuyên truyền. Điều cần phải thực hiện là giảm giờ làm cho người lao động. Nhưng chính phủ không nỗ lực làm điều đó”, ông Kawahito nhấn mạnh.Số người chết thực tế cao gấp 10 lần

Thống kê của NDCVK cho thấy trước đây khoảng 95% trường hợp người lao động thiệt mạng vì làm việc quá sức là nam giới ở độ tuổi trung niên, làm công việc văn phòng. Tuy nhiên, hiện nay khoảng 20% số nạn nhân là phụ nữ.

Chính phủ Nhật không ra quy định cụ thể về giờ giấc làm việc. Bộ Lao động thừa nhận có 2 loại karoshi. Thứ nhất là tử vong do bệnh tim mạch vì làm việc quá sức. Thứ hai là tự tử vì căng thẳng tinh thần do công việc.

Một người lao động chết vì bệnh tim sẽ được liệt vào danh sách karoshi nếu làm việc quá giờ 100 giờ trong tháng trước khi chết, hoặc quá giờ 80 giờ/tháng trong 2 tháng liên tiếp. Người tự sát được coi là karoshi khi làm việc quá giờ 160 giờ/tháng hoặc hơn 100 giờ/tháng trong 3 tháng liên tiếp.

Ước tính trong 4 năm qua, số trường hợp tự tử vì áp lực công việc tăng 45% trong nhóm người lao động dưới 29 tuổi và tăng 39% ở nhóm lao động nữ.

Lực lượng lao động của Nhật chia thành hai loại: nhân viên chính thức và nhân viên hợp đồng. Loại sau thường là phụ nữ và những người trẻ. Năm 2015, số lượng nhân viên hợp đồng ở Nhật chiếm 38% tổng lực lượng lao động, tăng 20% so với năm 1990. Trong số họ, khoảng 68% là nữ giới.

Theo các luật sư và chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Nhật thường áp dụng chiêu “mồi câu và lật lọng” đối với người lao động. Các công ty này đăng quảng cáo tuyển dụng nhân viên chính thức với thời gian làm việc hợp lý, nhưng sau đó ép người lao động ký hợp đồng tạm bợ.

Người lao động bị lợi dụng

Các nhân viên này phải làm thâu đêm suốt sáng, thậm chí cả cuối tuần mà không được trả thêm lương làm ngoài giờ. Không trả lương làm giờ là hành vi bất hợp pháp tại Nhật. Người lao động hoàn toàn có thể từ chối công việc đó.

Tuy nhiên, các công ty thường hứa hẹn rằng sẽ ký hợp đồng chính thức sau 6 tháng. Nhiều người lao động trẻ thường chấp nhận những công việc này do thiếu kinh nghiệm. Phụ nữ sau khi sinh con cũng đành phải gật đầu chấp nhận vì khó kiếm việc ở nơi khác.

Chuyên gia Emiko Teranishi, giám đốc tổ chức hỗ trợ các gia đình có người thân qua đời vì sức ép công việc, khẳng định nhiều công ty luôn có những chiêu trò lừa người lao động. Các công ty này nói với nhân viên mới rằng lương của họ bao gồm 80 giờ làm thêm mỗi tháng, và họ phải trả lại tiền nếu làm việc ít hơn số giờ đó.

“Với các trường hợp này, nhiều người lao động phải chấp nhận mức thu nhập dưới cả mức lương tối thiểu”, bà Teranishi nhấn mạnh. Bà hiểu rõ vấn đề đó bởi chồng bà đã tự sát vì sức ép công việc quá lớn. Tình trạng này đã kéo dài suốt 10 năm qua.

Giới truyền thông gọi những doanh nghiệp lạm dụng sức lao động của nhân viên là “công ty đen”. Giáo sư Hirokazu Ouchi thuộc Đại học Chukyo từng viết một cuốn sách về karoshi sau khi phát hiện một số nhân viên của ông bị lợi dụng sức lao động.

“Các công ty này thường thuê 1 nhân viên trong 2-3 năm, nhưng không hề có ý định đầu tư thời gian và tiền bạc để bồi dưỡng người đó”, giáo sư Ouchi cho biết. Ông nhận định Bộ Lao động Nhật không có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả các khiếu nại.

Dân số Nhật trong độ tuổi lao động đã giảm mạnh kể từ giữa những năm 1990.  Lẽ ra với tình trạng đó, các công ty phải ưu ái người lao động. Nhưng giáo sư Ouchi cho biết điều đó không diễn ra bởi các doanh nghiệp biết rằng họ hoàn toàn có thể vi phạm luật lao động mà không bị trừng phạt.

“Đó là cách các công ty giảm chi phí tuyển dụng lao động, nhưng cũng là con đường dẫn đến cái chết do làm việc quá sức”, giáo sư Ouchi cảnh báo.

“Đây là cách các công ty giữ chi phí lao động giảm, nhưng cũng là con đường dẫn đến cái chết của người lao động khi họ làm việc quá sức”, ông nói.

(Nguồn zing)

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: