Cô dâu Việt ở Nhật về quê mẹ khởi nghiệp với thực phẩm sạch

Tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cô kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Ngọc Ánh sang Nhật du học rồi kết hôn với một thanh niên người Nhật. Đùng một cái, Ngọc Ánh quay trở lại Việt Nam và quyết định khởi nghiệp với Yumi Farm, dự án về thực phẩm sạch.

downloadCô chủ 8X Nguyễn Ngọc Ánh của Yumi Farm

Khởi nghiệp để đảm bảo bữa ăn sạch cho gia đình

Những tưởng khi chào đón bé gái đầu lòng tại xứ sở mặt trời mọc, Ngọc Ánh sẽ vì chồng, vì con mà ở lại đất nước này. Vốn là người luôn khát khao làm việc mang lại giá trị cho xã hội, luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp nhưng để tạo dựng một sự nghiệp như mong muốn ở Nhật quả là không phải dễ. Ánh cứ loay hoay trong mớ bong bong gia đình – sự nghiệp, giữa về – ở lại. Khi con gái tròn tuổi, Ánh tâm sự với chồng về những ước mơ, hạnh phúc của mình. Thương vợ, thấy những khao khát của vợ, anh đồng ý cùng chị về Việt Nam.

Trở lại Việt Nam, như cá gặp nước, Ngọc Ánh từng khởi nghiệp thử với một vài hình thức kinh doanh nhỏ lẻ. Nhưng đến khi có dịp làm vị trí tư vấn đầu tư cho một công ty nông nghiệp Nhật, ý tưởng khởi nghiệp với thực phẩm sạch mới bắt đầu nhen nhóm trong chị.

“Tầm 3 năm trước, tôi vẫn chưa để ý đến vấn đề thực phẩm bẩn – sạch. Đến lúc làm vị trí này, tôi được đi khắp vùng miền để tìm nguyên liệu cho họ. Có những ruộng trồng xà lách xanh mướt, nhưng bước xuống xe thì nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Hay khi đến các trang trại nuôi gà công nghiệp, những con gà ở tầng trên trong không gian kín mít, chỉ tầm 35 ngày xuất chuồng thành 2-3kg. Trong khi, nếu một con gà nuôi tự nhiên, mất khoảng 6 tháng mới đạt trọng lượng như vậy”, Ngọc Ánh cho biết.

Từ đó, chị mới nhận thức và để ý, bản thân, con cái, gia đình đang ăn thứ gì? “Dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được sức khỏe, bữa cơm nhà phải ngon sạch, gia đình mình phải khỏe mạnh để còn hưởng hạnh phúc quãng đời dài phía sau. Và chỉ có tự mình mày mò tìm hiểu, dấn thân vào thì mới chắc chắn nguồn gốc sản phẩm. Và chính thời điểm đó tôi đã quyết tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm sạch” – Ánh chia sẻ.

download (1)“Tôi tìm được ý nghĩa sống của mình, cùng con gái đi tìm sản phẩm tốt khắp nơi. Bé nhà tôi tự tin dạn dĩ, hiểu được nỗi cực khổ khi làm ra sản phẩm để quý trọng hơn thức ăn mình có được”, Ngọc Ánh tâm sự.

Tuy rất hồ hởi và nóng lòng khởi sự dự án của mình nhưng Ánh vẫn từng bước lên kế hoạch để có sự chuẩn bị kỹ càng. Ánh bắt tay với những nông dân có tâm, có lý tưởng, cách làm này giúp tối ưu về chi phí, nhân lực, quản lý, đồng thời giúp phong phú mặt hàng của Yumi farm bởi mỗi loại rau củ chỉ ngon nhất ở thổ nhưỡng, nhiệt độ nhất định.

“Điều quan trọng nhất cần chuẩn bị trong ngành này là tìm kiếm những người nông dân hiểu biết về nông nghiệp sạch và tâm huyết đi cùng mình. Và tôi, may mắn đã có một mạng lưới rộng nhờ công việc tư vấn cho Nhật trước đây. Sau khi có nguồn hàng chất lượng, phong phú tôi mới bắt đầu tìm hiểu thị trường, các công ty thực phẩm sạch hiện có để biết điểm mạnh – yếu cũng như cách vận hành cơ bản của họ. Sau khi có kiến thức kha khá, tôi mới chọn hình thức kinh doanh cho mình” – cô chủ Yumi Farm tâm sự về bước chuẩn bị của mình.

Sau nửa năm tìm hiểu và chuẩn bị, tháng 11/2014, Ngọc Ánh đã mở được của hàng thực phẩm sạch của riêng mình với số vốn đầu tư là 1 tỷ đồng.

Kinh doanh lấy gốc từ cái Tâm

Thời gian ban đầu, Ngọc Ánh gặp khó khăn khi số vốn bỏ ra nhiều hơn dự kiến, chịu chi phí trưng bày sản phẩm bởi phải nhập về nhiều hơn lượng bán, chi phí hủy hàng, chưa kể phải liên tục nhập hàng mới để thu hút khách. Vì riêng với việc kinh doanh mặt hàng thức phẩm sạch này, khách hàng ai cũng muốn sản phẩm phải thật phong phú, giá cả rẻ và được giao hàng khi muốn.

“Bên cạnh đó, do Việt Nam mình mới bắt đầu làm nông nghiệp sạch chừng 3 năm, kinh nghiệm còn khá ít, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, công ty giống, mặc dù vẫn đảm bảo trồng sạch nhưng độ ngon sẽ bị thay đổi ít nhiều, không đồng nhất. Một vài khách ban đầu không hiểu, họ than phiền cũng như quay lưng với mình. Để vượt qua chuyện này, tôi phải kiểm soát tốt hơn người nông dân, hàng không ngon đảm bảo thì hạn chế gửi lên. Ngoài ra về phía khách hàng, tôi cũng viết các bài định hướng tiêu dùng để khách hiểu hơn về sản phẩm mình đang ăn, hiểu hơn về sự thiếu của nền nông nghiệp để cùng đồng hành và giúp người nông dân hoàn thiện, phát triển hơn” – chị tâm sự về những khó khăn đặc thù khi kinh doanh mặt hàng này.

download (2)Bà chủ của Yumi Farm khẳng định: “ Bán thực phẩm sạch chính là bán niềm tin”.

Ngọc Ánh cũng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ngành thực phẩm sạch, đó là phải là người có tâm huyết và chịu khó đi sâu sát để tìm được người nông dân cùng chí hướng. Đồng thời phải hiểu rõ các tiêu chuẩn chất lượng và có được nguồn hàng đáp ứng các tiêu chuẩn này. Bởi việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, cũng như dịch vụ sẽ quyết định bạn có thành công hay không.

Theo chị, vốn cũng là yếu tố quan trọng giúp duy trì được cửa hàng trong thời gian đầu vắng khách. Nếu mở cửa hàng, phải chịu chi phí trưng bày sản phẩm, hàng hoá phải phong phú đa dạng mới bắt mắt khách hàng. Bởi thời gian đầu, khi nhập hàng về – trưng bày – bán không kịp rau già – huỷ hàng – nhập hàng mới… sẽ ngốn một lượng tiền không nhỏ. Áp lực khi huỷ hàng liên tục sẽ làm bạn bỏ cuộc. Dự trù 4-6 tháng không có doanh thu vẫn phải chi trả khoản cố định (mặt bằng, điện, nước…) và công nợ nông dân thì hãy nghĩ đến khởi nghiệp.

Sau gần 2 năm khởi nghiệp, Yumi Farm đã có một lượng khách khá ổn định với doanh thu “nằm ngoài mong đợi” của người đứng đầu … “Sự lớn mạnh của Yumi Farm giúp phần nào đó nối tay người nông dân đưa sản phẩm tâm huyết của mình đến tay người tiêu dùng và giúp họ theo đuổi con đường nông nghiệp sạch”, Ngọc Ánh khẳng định.

(Nguồn thanhnien)

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: