Lật lại tranh luận cũ: Nên hay không việc chôn dây điện dưới lòng đất?

Sự cố mất điện kéo dài đang xảy ra ở Chiba, Nhật Bản do cơn bão có tên Faxai gây ra đã lật lại một cuộc tranh luận kinh điển: nên hay không nên xây dựng các trụ điện và dây điện dưới lòng đất?

Việc các trụ điện bị đổ không chỉ gây thiệt hại về của cải mà còn gây ra tình trạng mất điện, vấn đề hiện đang nhức nhối sau bão. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng đất đai Nhật Bản tuyên bố với phóng viên rằng ông muốn xúc tiến việc “ngầm hoá lưới điện”.

Nhật Bản xếp sau các thành phố lớn khác trên thế giới ở cả phương Đông và phương Tây về vấn đề xây dựng hệ thống điện dưới lòng đất. Ở Tokyo, chỉ có 8% trụ điện nằm dưới lòng đất. Ở Osaka con số đó là 6%. Trong khi đó 100% trụ điện tại các thành phố lớn khác như Jakarta, Seoul, Hồng Kông, London và Paris đều đưa xuống lòng đất.

Biểu đồ tỷ lệ trụ điện ngầm tại một số thành phố lớn trên thế giới

(Từ dưới lên trên: Osaka, Tokyo, Jakarta, Seoul, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, London / Paris (nguồn)

Đặc điểm tự nhiên ở Nhật tồn tại nhiều hạn chế khiến quốc gia này chưa thể chuyển hệ thống điện xuống dưới lòng đất. Một trong số đó là động đất. Sẽ dễ dàng để sửa chữa hơn nếu hệ thống điện nằm lộ thiên. Ngoài ra, quy trình phê duyệt phức tạp qua nhiều khu vực pháp lý ở địa phương, bên cạnh đó là vấn đề sở hữu mạng lưới điện của doanh nghiệp cũng đáng lưu tâm. Chưa kể mạch điện ngầm sẽ tốn nhiều chi phí hơn.

Thế nhưng có một trở ngại không ai ngờ đến đó là từ phía cộng đồng. Hoá ra, trụ điện lộ thiên hay được chôn dưới lòng đất chẳng gây ảnh hưởng gì với cư dân Nhật Bản. Thậm chí một số tỏ ra thích thú với các trụ điện ngoài trời.

Một vài năm về trước, nhóm ủng hộ việc ngầm hoá lưới điện đã đưa ra một chiến dịch để thu hút sự đồng tình từ phía cộng đồng. Chiến dịch so sánh sự khác biệt trong bức tranh ukiyo-e của Hokusai mang tên “Núi Phú Sĩ đỏ” bản gốc với bản được thêm vào trụ điện và dây điện, mục đích để người dân thấy được các lưới điện đã làm xấu đi hình ảnh tự nhiên của nước Nhật.

Thế nhưng chiến dịch lại phản tác dụng khi đa số cho rằng bức tranh có thêm trụ điện và dây điện cũng rất đẹp, không ảnh hưởng gì về mặt bản chất.

Thậm chí một số nghệ sĩ thể hiện hình ảnh hệ thống dây điện cũng là một phần cảnh quan của Nhật Bản. Nhiếp ảnh gia Yoshinori Mizutani đã chụp cảnh đàn chim Kawau trên dây điện ở Tokyo.

Nghệ sĩ Eiji Sumi đã vẽ các cột điện và đường dây điện để cho thấy chúng đẹp như thế nào.

Ngoài ra còn có một địa điểm nằm ở vùng ngoại ô phía tây Tokyo, nơi các nhiếp ảnh gia đổ xô đến để chụp đường dây điện chằng chịt trên cao.

Trở lại với vấn đề ngầm hoá lưới điện, Nhật Bản còn một quãng đường dài để đi. Chính phủ Nhật không chỉ cần thời gian, tiền bạc mà còn cần đến sự ủng hộ của người dân.

Tham khảo: Spoon- Tamago

 

 

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: