Quan tâm – Keyword “tối quan trọng” cho những người muốn thành công
Sự quan tâm là một yếu tố cần thiết để đưa bạn tiến xa trong công việc. Đây có thể được xem là kỹ năng “tối quan trọng”. Hãy nhớ Keyword này nếu muốn trở thành người thành công nhé.
Không ai được quan tâm mà lại cảm thấy khó chịu. Nếu quan tâm mà khiến người khác chán ghét có nghĩa là bạn đã đi quá giới hạn. Cái đó không được gọi là quan tâm, mà là lắm chuyện.
Quan tâm là một “chiến thuật” giúp bạn cải thiện chất lượng công việc cũng như các mối quan hệ xã hội. Quan tâm đến cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới giúp tăng hiệu quả giao tiếp trong công ty, quan tâm đến khách hàng đem lại sự hài lòng, tin tưởng, quan tâm đến sản phẩm của công ty nâng cao uy tín và tăng lợi thế cạnh tranh.
Thế nhưng không phải ai cũng có thể quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề thuộc về bản tính mà là kỹ năng có thể được rèn luyện. Dưới đây là 8 phương pháp giúp bạn biến sự quan tâm thành thói quen.
Ảnh: pakusato
1. Liên lạc để thông báo, nhắc nhở người khác
Trong công việc hay đời sống cá nhân, liên lạc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ở số lần trước, tôi có đề cập đến “sức mạnh” của bộ ba Thông báo – Liên lạc – Thảo luận. Lần này, liên lạc sẽ là cánh tay đắc lực cho bạn để thể hiện sự quan tâm.
Ví dụ: Bạn vừa từ bên ngoài về văn phòng. Bạn thấy trời có dấu hiệu đổ mưa. Đồng thời một đồng nghiệp A trong công ty cũng sắp sửa ra ngoài. Trước đó hãy truyền đạt với đồng nghiệp A rằng trời sắp mưa để người này có thể chuẩn bị kỹ trước khi đi. Tất nhiên dù trời có mưa bạn cũng không bị ướt, thế nhưng đồng nghiệp A sẽ cảm nhận được sự quan tâm của bạn.
2. Sử dụng Closed Question
Những câu hỏi có vai trò thúc đẩy cuộc hội thoại. Tuy nhiên cách đặt câu hỏi cũng quyết định việc giao tiếp có thuận lợi hay không. Có hai dạng câu hỏi:
Open Question (Câu hỏi mở): Đây là câu hỏi yêu cầu đối phương phải trả lời chi tiết.
Closed Question (Câu hỏi đóng): Đây là dạng câu hỏi trả lời “có” hoặc “không”.
Ví dụ, một đồng nghiệp của bạn nghỉ ốm vào ngày hôm trước, ngày hôm sau, thay vì hỏi “Ngày hôm qua cậu bị làm sao thế?” (câu hỏi mở), hãy hỏi “Bệnh tình sao rồi, đã thấy khỏe hơn chưa?”. Khi đó đồng nghiệp của bạn không cần phải quá nhọc công trả lời mà bạn vẫn có thể bày tỏ sự quan tâm với họ.
3. Nói lời xin lỗi, cảm ơn
Không hiểu vì ngại hay vì cái tôi lớn mà có rất nhiều người Việt Nam không nói được câu xin lỗi và lời cảm ơn. Tôi nghĩ rằng đã là con người, lúc nghe ai đó nói cảm ơn sẽ thấy rất vui. Bên cạnh đó, dù bạn có phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng khi đã nói lời xin lỗi, không ít thì nhiều cũng xoa dịu được cơn giận của người khác. Đó cũng là một cách để quan tâm đến cảm xúc của đối phương.
4. Hỏi thăm ngoài công việc
Bạn có thể cảm thấy việc hỏi chuyện ngoài lề công việc là mất thời gian và không cần thiết, nhưng đây lại là một “mánh” để không khí trò chuyện thoải mái hơn.
Dù không thể hiện ra ngoài nhưng ai cũng có nhu cầu được bộc lộ bản thân, họ sẽ cảm thấy vui khi được nói chi tiết về các vấn đề cá nhân của mình. Kỹ năng lắng nghe không bao giờ là thừa với người làm được việc. Đừng bao giờ cho rằng “Tôi cần biết những chuyện này để làm gì, chẳng giúp ích gì cả”. Cho dù không giúp ích được ở lĩnh vực này, những điều bạn nghe được sẽ giúp ích cho bạn trên lĩnh vực khác. Chưa kể đến việc bạn sẽ xây dựng được hình ảnh cá nhân là một người luôn lắng nghe và thấu hiểu với những người xung quanh.
Ảnh: https://www.photo-ac.com/
5. Đưa ra chỉ thị rõ ràng, dứt khoát
Nhiều người hiểu lầm rằng việc đưa ra yêu cầu, chỉ thị với người khác sẽ khiến người đó cảm thấy khó chịu, thế nhưng ngược lại, nếu quan tâm đến đối phương, bạn cần dứt khoát trong việc đưa ra chỉ thị.
Tất nhiên sẽ có những trường hợp cảm thấy khó chịu và không muốn làm theo, vì vậy cách nói của bạn rất quan trọng.
Ví dụ thay vì nói “Bạn nên làm thế này thì tốt hơn”, hãy đặt bản thân vào tình huống của người khác và nói “Nếu là tôi, tôi sẽ làm như thế này”. Như vậy, dù vẫn là đưa ra chỉ thị nhưng cảm giác sẽ thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
6. Tìm cách truyền đạt khiến đối phương cảm thấy “lọt tai”
Lời khuyên và chỉ thị là hai điều khiến nhiều người cảm thấy khó chấp nhận. Vì vậy, trước khi đưa ra mệnh lệnh hoặc yêu cầu ai đó làm gì bạn nên nói thêm “Có thể dư thừa nhưng mà…” hay ” Tuy có thể không hữu ích cho bạn nhưng…”, như vậy sẽ khiến cảm xúc của người tiếp nhận câu nói thoải mái hơn.
7. Chú ý đến tư thế, điệu bộ
Bên cạnh ngôn ngữ miệng, ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò rất quan trọng. Lúc nói hãy nhìn thẳng vào mặt đối phương, không được khúm rúm để lộ sự rụt rè. Chỉ vậy thôi là đủ để đối phương có ấn tượng tốt về bạn.
9. Không chú ý, không thấy, không nói
Có vẻ rất vô lý nhưng nguyên tắc “ba không” này cũng là một cách để bày tỏ sự quan tâm. Đừng nói những chuyện không cần thiết, chỉ chuốc lấy xấu hổ cho bạn và người khác mà thôi.
Ví dụ khi thấy trên mặt người đối diện mọc lên một cái mụn lớn, đừng nhắc gì đến chuyện đó. Hãy cứ vờ như không để ý, không thấy, cũng không bàn tán gì, đó mới là cách thể hiện sự quan tâm.
Hãy tự đặt mình vào vị trí của người khác, đối xử với họ như cách bạn muốn được đối xử. Những nhân viên tại nhà hàng luôn nói câu “Xin lỗi đã để quý khách chờ lâu”, dù bản thân khách hàng không ngại chờ, hoặc việc chậm trễ cũng chẳng phải tại nhân viên mà do đầu bếp.
Nếu khách hàng hài lòng với dịch vụ nhà hàng, họ sẽ quay lại, khi đó công việc của nhân viên đó sẽ gặp thuận lợi, Dịch vụ tại Nhật luôn chú trọng câu “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” cũng chính bởi có những con người rất giỏi kỹ năng quan tâm đến người khác.
Bạn cũng có thể rèn luyện kỹ năng này, không chỉ giúp thăng tiến trong công việc, giữ gìn mối quan hệ xã hội, mà còn khiến bản thân cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn với những gì mình đang làm đấy.
Kengo Abe