Chu du đến một thế giới khác trong phòng tắm công cộng Nhật Bản
Bạn thích nhất khoảng thời gian nào trong ngày?
Bạn đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi với công việc, cảm thấy bị bao quanh bởi hàng tá các vấn đề cần giải quyết? Khi gặp stress bạn sẽ làm gì để giải toả?
Có người chọn một giấc ngủ thật sâu, có người quyết định đi tắm để gột rửa cơ thể, lấy lại tinh thần.
Với người Nhật, nhà tắm là một nơi rất quan trọng. Họ không chỉ tắm đề làm sạch cơ thể mà tắm để thư giãn, cân bằng lại cảm xúc sau ngày dài làm việc vất vả nơi văn phòng. Chỉ riêng việc đi tắm thôi mà người Nhật có thể tạo ra rất nhiều điều thú vị đấy.
Nếu tìm hiểu sâu vào nền văn hoá tắm rửa của quốc gia này, bạn có thể bắt gặp hai khái niệm đó là Onsen và Sento. Nhìn vào Kanji của 2 từ này bạn có thể thấy được sự khác nhau và nắm được ý nghĩa chính.
温泉 (Onsen) có nghĩa là nguồn nước nóng. Để được gọi là Onsen cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Nước phải có nhiệt độ ít nhất 25 độ C tại đầu nguồn
- Đạt 19 tiêu chuẩn liên quan đến hàm lượng khoáng chất trong nước (ví dụ axit metaboric (HBO2) lớn hơn 5mg mỗi 1kg, ion hydro lớn hơn 1mg mỗi 1kg, v.v.)
Onsen nhằm đáp ứng nhu cầu thư giãn, kèm theo đó là các trị liệu sức khoẻ thông qua hàm lượng khoáng chất dồi dào từ nguồn nước.
Ảnh https://www.timeout.com/tokyo/art/the-art-of-sento
So với Onsen, mục đích của 銭湯 (Sento) thiên về phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân hơn. Sento là sự kết hợp giữa tiền xu và nước nóng, hiểu nôm na là dùng tiền để mua nước nóng. Số lượng các Sento bùng nổ vào thời hậu chiến, khi không gian nhà ở còn chật hẹp và không phải gia đình nào cũng có phòng tắm riêng. Vào thời điểm đó có hơn 20,000 Sento trên toàn quốc. Ngày nay số lượng này chỉ còn khoảng 5000 ở Tokyo, nhưng đi tắm Sento vẫn là cảnh tượng thường thấy. Phí tắm Sento được niêm yết 460 Yên (do Hiệp hội Sento Tokyo quy định), nhưng vài nơi bạn phải tự mang theo dầu gội và sữa tắm.
Ảnh https://english.kyodonews.net
Thế nhưng không phải vì Sento chỉ chuyên phục vụ nhu cầu vệ sinh mà người Nhật quên mất giá trị thư giãn cần phải có của việc tắm rửa. Cụ thể thông qua nghệ thuật vẽ tranh tường tại các khu vực Sento.
Vẽ tranh tường ở nhà tắm công cộng đã từng bị xem là lạc hậu, sau đó được giới trẻ Nhật Bản ưa chuộng trở lại qua trào lưu hoài cổ.
Theo như hoạ sĩ trong Video cho biết, việc vẽ tranh đem lại cảm giác được phiêu lưu đến một nơi khác dù vẫn đang ở nhà tắm tại Tokyo. Ngoài ra vẽ tranh tiếp nối các nhà tắm công cộng được thiết kế theo lối xa hoa của thời xưa.
Nghệ sĩ cho biết hoa văn phổ biến nhất được thể hiện trên tường ở các Sento là núi Phú Sĩ trên nền mây trắng giữa trời xanh. Tại sao lại như vậy? Phải chăng chỉ để thể hiện hình tượng thiên nhiên biểu trưng của nước Nhật hùng vĩ?
Ảnh https://www.patternz.jp/sento-tokyo/
Theo Hiệp hội Sento Tokyo, câu chuyện bắt nguồn từ năm 1884, khi một hoạ sĩ vẽ tranh tường từ Shizuoka đã vẽ núi Phú Sĩ lên tường của Kikai Yu, nhà tắm công cộng ngày nay nằm tại trung tâm Chiyoda ở Tokyo. Lời đồn cho rằng bức tranh mang lại nhiều may mắn, từ đó các nhà tắm công cộng khác bắt đầu vẽ theo và trở thành một truyền thống. Ngoài ra còn một lý thuyết khác rằng núi Phú Sĩ chuyển mình theo mùa, do đó thể hiện núi Phú Sĩ trên tường đem lại cảm giác bốn bề đổi sắc, tạo cảm giác như được chu du khắp nơi trong những khoảng thời gian khác nhau.
Nhà vẽ tranh tường Murayama từng nói “Bất cứ nơi nào tôi tới (ý nói nhà tắm công cộng), tôi muốn tiếp tục vẽ núi Phú Sĩ ở đó”.
Rất đáng tiếc, ngày nay số lượng các nghệ sĩ vẽ tranh tường tại các Sento đang giảm dần, thế nhưng vẫn còn đó những con người miệt mài vẽ tranh để theo đuổi đam mê.
Bạn có bao giờ đi tắm nhà tắm công cộng ở Nhật, nhìn vào bức tranh núi Phú Sĩ, cảm nhận thoát khỏi thực tại để chu du đến những vùng đất mới?
Sacchan