Tại sao đội tuyển bóng đá Nhật lại chọn xanh dương làm màu áo, trong khi cờ Nhật chỉ có hai màu đỏ và trắng?
Cũng giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam thường mặc đồng phục màu đỏ mỗi lần ra sân, màu của đội tuyển Nhật Bản sẽ là xanh dương.
Ảnh https://news.yahoo.co.jp/byline/soichihayashisr/20180404-00083531/
Sở dĩ đội tuyển bóng đá Việt Nam mặc đồng phục màu đỏ vì đó cũng là màu quốc kỳ. Thế nhưng quốc kỳ Nhật Bản lại chỉ có hai màu đỏ và trắng, thế nhưng đội tuyển Nhật Bản vẫn được mệnh danh là những Samurai màu xanh. Tại sao vậy nhỉ?
Có nhiều giả thiết đặt ra để giải thích. Nhiều người cho rằng xanh là màu của trời và biển, màu của hy vọng, của sự nhẹ nhõm, dễ chịu,…
Tuy nhiên có một cách giải thích khá thú vị.
Bạn đã bao giờ nghe qua cụm từ JAPAN BLUE? Từ này được dùng chủ yếu bởi người nước ngoài, bắt nguồn vào khoảng thời gian năm 1875, trước khi đội tuyển bóng đá Nhật quyết định chọn màu áo là màu xanh.
Sở dĩ gọi như vậy là vì khi đến Nhật Bản, nhiều người ngoại quốc đã cảm nhận được vẻ đẹp đặc biệt từ màu xanh ở đất nước này, từ đó mà gọi Japan Blue. Màu xanh ấy là màu xanh chàm 藍色 (Ai-iro), màu được sử dụng trên Kimono.
Ảnh https://www.fashion-press.net/news/26716
Nói về đồng phục của đội tuyển Nhật Bản, bên cạnh màu xanh chàm đặc trưng còn có một đặc điểm kỳ lạ khác. Bạn có nhìn thấy biểu tượng trên ngực áo của các cầu thủ không?
Ảnh https://matome.naver.jp/odai/2140144631575047101
Đây là biểu tượng của Hiệp hội bóng đá Nhật Bản JFA, thế nhưng bạn có để ý rằng con vật này chỉ có 3 chân? Không phải lỗi in ấn đâu mà là một đặc điểm cố tình được thêm vào đấy.
Biểu tượng này là Bát Ô – Yatagarasu (con quạ có 3 chân).
Ảnh https://matome.naver.jp/odai/2140144631575047101
Yatagarasu là vật thiêng xuất hiện trong thần thoại Nhật Bản, là vị thần làm nhiệm vụ dẫn đường chỉ lối cho Thiên hoàng. Vì vậy nên JFA quyết định chọn Yatagarasu làm biểu tượng từ năm 1931, với ý nghĩa của biểu tượng may mắn, soi đường cho đội tuyển quốc gia đi đến thắng lợi.
Trái lại, quạ 2 chân thường bị xem là đem lại vận rủi, vì chúng thường cất tiếng kêu khi có người qua đời. Chỉ thêm vào 1 cái chân cho con quạ mà ý nghĩa biểu tượng đã hoàn toàn trái ngược, thật thú vị đúng không?
Nhân tiện, nếu truy nguồn gốc về câu chuyện quạ 3 chân, xuất phát của câu chuyện là từ Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ văn hoá Trung Hoa, tôi tự hỏi không biết trong thần thoại Việt Nam có câu chuyện nào tương tự không nhỉ?
Kengo Abe