Ý nghĩa của phong tục trang trí Kadomatsu ngày Tết Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia đón Tết cổ truyền vào ngày dương lịch, khác với hầu hết các nước châu Á. Người Nhật bắt đầu chuyển sang ăn Tết dương lịch theo phương Tây từ năm Minh Trị thứ 6, tức năm 1873.
Kể từ khi đổi sang niên hiệu Reiwa thì năm 2020 được xem là Oshogatsu đầu tiên của người dân nước này. Một công ty ở thành phố Akita chuyên bán cây cảnh cho biết công việc chuẩn bị Kadomatsu – 門松 trở nên bận rộn hơn các năm trước.
Theo truyền thống, Kadomatsu có thể đặt trước cửa nhà từ ngày 13/12 nhưng tốt nhất là nên tránh 2 ngày 29/12 và 31/12. Vì trong tiếng Nhật 29/12 (二十苦) 苦松= 苦労が待つ (Kurou ga matsu – chờ đợi sự đau khổ), còn 31/12 (一夜飾り,ー日飾り) mang ý nghĩa lãng quên các vị thần.
Nhờ việc đặt Kadomatsu trước nhà mà vị thần Toshi-kamisama sẽ không lạc đường khi đến nhà gia chủ. Vị thần này mang đến hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình vào dịp đầu năm. Phong tục này bắt đầu từ thời Heian (năm 794 – năm 1185), trải qua nhiều biến thể đến thời Muromachi người dân mới nghĩ ra việc trang trí thêm cành tre với ý nghĩa trường thọ.
Kadomatsu truyền thống được làm bằng 3 ống tre tươi, vài cành thông được xếp theo số lẻ, và những chi tiết trang trí khác để Kadomatsu được đẹp hơn. Người Nhật quan niệm rằng hạnh phúc không thể chia được và nỗi bất hạnh mới cần phải “chia hết”, đó là lý do mà các cành thông luôn được chia theo số lẻ. Thoạt nhìn, bạn sẽ cho rằng trên một Kadomatsu, cây tre mới là trung tâm, tuy nhiên cây thông (松) mới thật sự là “nhân vật chính”.
Vậy tại sao lại trang trí bằng cành thông mà không phải loại khác, cây thông là biểu tượng cho sự bất diệt, cho dù bao mưa nắng hay hạn hạn thì cây thông vẫn tươi tốt. Vậy nên người Nhật quan niệm treo những cành thông trong ngày đầu năm mới thì sẽ làm cho gia chủ luôn luôn mạnh khỏe như cây thông dù ở hoàn cảnh nào.
Sau khi chào đón năm mới, các Kadomastu được mang thiêu với ý nghĩa tiễn đưa thần linh. Đặc biệt lưu ý không nên vứt Kadomatsu cùng với rác trong gia đình vì đó được xem là hành động bất kính với thần linh. Hoặc nếu không thể đem thiêu, hãy nhớ rắc muối vào Kadomatsu để thanh tẩy trước khi vứt.
Đỗ Mạnh Tài