Lời khuyên để vợ chồng hoà thuận trong năm 2020 từ người nổi tiếng Nhật Bản
Ở Nhật có câu nói “sau 3 năm sẽ ngoại tình, sau 5 năm kết cục bi thảm”. Sau 3 năm yêu đương hoặc hẹn hò, các cặp đôi thường mất dần cảm xúc lúc đầu dành cho nhau. Họ không còn cái cảm giác “lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu” nữa, do đó sau 5 năm, việc ly hôn rất dễ xảy ra. Đây không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn do tác động từ sinh học.
Thông thường sau 1 năm yêu nhau nồng cháy, vợ chồng sẽ lên kế hoạch có con. Trong trường hợp Nhật Bản, người mẹ sẽ dành toàn lực để nuôi con, còn người cha gánh trách nhiệm về tài chính.
Về mặt động vật học, khi con non lớn đến một mức độ, con đực không còn vai trò gì nữa, và con cái sẽ tìm một con đực khác. Con người chúng ta cũng chịu ảnh hưởng từ quy luật này.
Vậy làm thế nào mới có thể giữ được gia đình hoà thuận, kết thúc viên mãn? Hãy cùng tham khảo ý kiến thú vị từ những người nổi tiếng Nhật Bản.
Ảnh https://buy.line.me/u/article/22313
Không bao giờ so sánh chồng mình với chồng người khác.
Đây là bí kíp của Yoko Shibata, một người làm trong ngành sản xuất hàng may mặc. Cô cho biết mỗi người đều có một điểm mạnh riêng, làm việc ở những công ty riêng và có thu nhập khác nhau. Có người biết quan tâm đến con cái, có người dịu dàng tử tế và ý tứ…Ai cũng có những ưu nhược điểm riêng.
Khi so sánh chồng mình với chồng người khác, cái bạn làm chỉ là bới móc ra những nhược điểm của anh ấy. Hãy nhìn vào ưu điểm và thử thông cảm với người đàn ông của mình nào.
Hãy cười với nhau thật nhiều.
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nếu ai cũng trưng ra vẻ mặt chán chường, rồi chẳng ai nói với ai lời nào, chui vào góc riêng, tình cảm sẽ nguội lạnh. Thậm chí tệ hơn là kiếm chuyện cãi nhau.
Từ kinh nghiệm của diễn viên hài Miyuki Oshima, vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường. Nhưng cãi nhau để hiểu nhau hơn chứ không phải để thoả mãn cái Tôi. Sau mỗi cuộc chiến, hãy cười với nhau vào cuối ngày, rồi cùng nhau đi ngủ.
Ảnh http://ure.pia.co.jp/articles/-/181255
Nếu bạn thấy tình hình tồi tệ, hãy xin lỗi trước.
Đây là trích dẫn từ câu nói của diễn viên hài Kiyoshi Nishikawa. Rất nhiều người Việt không muốn nói lời xin lỗi, tất nhiên có ai muốn đâu, nhưng cũng như bạn, đối phương cũng thế.
Nếu bạn cảm thấy mình là người có lỗi, hãy dẹp qua cái Tôi và xin lỗi nhé. Còn nếu bạn vẫn không muốn nhận lỗi, nhưng cảm thấy tình hình chiến tranh lạnh quá căng thẳng, bạn muốn quay trở lại như trước, hãy cứ nói lời xin lỗi. Vì lời xin lỗi lúc này cho biết bạn trân trọng mối quan hệ này.
Tôn trọng đối phương, tôn trọng chính mình.
Ca sĩ Ryudo Uzaki cho biết, để được đối phương tôn trọng, trước nhất bạn phải tôn trọng đối phương trước. Chúng ta thường có xu hướng tổn thương người thân hơn người lạ cũng chính bởi lý do này.
Cùng nhau tâm sự mỗi đêm.
Hãy trải lòng cùng nhau, nếu thấy khó nói có thể “mượn rượu” để trút bầu tâm sự. Diễn viên Akira Nakao cho hay, nếu hai người đã không thể nói chuyện cùng với nhau, tình cảm sẽ phai nhạt.
Cuối cùng là câu chuyện từ nhà văn yêu thích của tôi, Ikenami Shotaro. Tác giả sống cùng với mẹ, và gặp phải rắc rối muôn thuở liên quan đến chuyện mẹ chồng- con dâu. Anh ấy đã có một chiến lược tuyệt vời để giải quyết vấn đề.
Anh ấy đã trở thành kẻ thù chung của cả hai người. Người ta có câu “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Ngay cả khi quan hệ của hai người không tốt, thế nhưng nếu có cùng một kẻ thù, mối quan hệ này sẽ được cải thiện. Anh chàng đã tình nguyện đóng vai xấu để giúp hai người thân thiết với nhau hơn.
Đó là lý do vì sao người này rất thích chơi đùa với những vai phản diện. Nghe rất hợp lý đúng không? Riêng với gia đình của bạn thì sao? Tóm lại, chúng ta thường có những cách như sau để giữ gìn hạnh phúc:
– Hãy trò chuyện với nhau thật nhiều
– Đừng so sánh với người khác
– Nếu cảm thấy bản thân có lỗi, hãy xin lỗi
– Thẳng thắn với nhau.
Nếu bạn chưa kết hôn hoặc chưa có người yêu, hãy áp dụng những nguyên tắc này để có thể hoà đồng với đồng nghiệp và những người xung quanh nhé !
Kengo Abe