8 biểu tượng ngày Tết ở Nhật Bản, người Nhật hiện đại đón Tết ra sao?

Tuỳ vào phong tục của mỗi quốc gia mà có cách chúc mừng năm mới khác nhau. Ở Nhật Bản, có một danh sách dài những thứ bạn cần phải làm cho ngày lễ quan trọng này. Hãy cùng xem cách người Nhật ăn Tết có gì thú vị nhé !

1. Osechi ryori

Ảnh https://www.tokyoweekender.com/2017/12/exploring-the-meaning-of-osechi-ryori-japans-traditional-new-year-food/

Osechi-ryōri là thức ăn truyền thống vào dịp năm mới của người Nhật, về cơ bản đó là một Bento khổng lồ được trang trí cầu kỳ bằng nhiều món ăn đa dạng. Một hộp Osechi ryori cơ bản thường bao gồm những món đồ khô hoặc ngọt như rong biển, Kazunoko (cá Trích), Gomame hay còn được gọi là Tazukuri là cá Mòi khô, Kuromame (đậu đen) và các loại rau như Gobo (rễ cây Ngưu Bàng), hải sản, Konnyaku,…Hộp cơm cầu kỳ này mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị, do đó nhiều gia đình Nhật ngày nay order hoặc mua Osechi từ siêu thị, nhà hàng thay vì tự làm. Các gia đình Nhật cũng thường quây quần bên nhau vào dịp năm mới, cùng nhau ăn Osechi trong bầu không khí hoan hỷ.

2. Kagami Mochi

Ảnh https://www.pinterest.com/pin/193021534001277779/?lp=true

Nếu sống ở Nhật, chắc chắn bạn đã một lần nhìn thấy Kagami Mochi được bán phổ biến ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại Nhật. Nhìn ban đầu trông có vẻ như một món đồ trang trí, nhưng thực chất đây lại là món ăn. Bạn có thể nấu món này cùng với súp Ozoni. Theo truyền thống năm mới ở Nhật, Kagami Mochi được ăn vào ngày đầu tiên của tháng 1. Hình dạng của món ăn này cũng khá đặc biệt, bao gồm 2 hình tròn cùng với một trái quýt đặt ở trên đầu. Trái quýt tượng trưng cho một năm tốt lành và thịnh vượng, nó còn có nghĩa là trường thọ qua nhiều thế hệ.

3. Toshikoshi-Soba

Ảnh https://asianinspirations.com.au/recipes/japanese-new-years-eve-noodles-toshikoshi-soba/

Theo tục lệ, người Nhật sẽ ăn mì Soba 1 tiếng trước khi đếm ngược sang năm mới. Từ xa xưa, người Nhật đã có niềm tin rằng ăn Soba trước khi năm mới bắt đầu sẽ cắt đi những vận rủi tồn động từ năm ngoái (do sợi mì Soba khá mỏng và dễ đứt). Ngoài ra cũng có giải thích rằng sợi mì Soba dài tượng trưng cho cuộc sống trường thọ.

4. Hatsumōde (初詣): Viếng Đền đầu năm

Ảnh https://www.flickr.com/photos/dolcejp0310/5329590090/

Vào khoảng giữa đêm Giao thừa hoặc sáng mùng 1, người Nhật sẽ đi Đền, Chùa để cầu cho một năm tốt lành. Chuông Chùa rung 108 lần tượng trưng cho việc xua đuổi 108 nỗi băn khoăn của nhân loại. Theo Đạo Phật, những khổ đau của loài người được phân làm 5 loại chính: Lo lắng, sợ hãi, giận dữ, ghen tị, ham muốn và trầm cảm. Lắng nghe 108 tiếng chuông này có thể dọn dẹp tâm trí khỏi những điều dày vò bản thân.

5. Gửi thiệp năm mới

Ảnh https://cc-www2.myjcom.jp/special/nenga/

Cuối tháng 12 và đầu tháng 1 là thời điểm mà khối lượng công việc ở bưu điện nhiều nhất. Nguyên nhân là vì nhiều người Nhật gửi thiệp chúc mừng (nengajo/年賀状) hoặc postcard (Nenga-hagaki/年賀はがき). Phong tục này có từ thời Heian, tương tự như tục gửi thiệp Giáng sinh ở phương Tây. Gần đây có nhiều cách để chúc mừng nhanh chóng như điện thoại, Internet,…thế nhưng vào thời xưa, người Nhật sử dụng cách truyền thống là viết tay, và được gìn giữ đến tận ngày nay. Thiệp viết tay cũng thể hiện nhiều thành ý hơn những tin nhắn được soạn sẵn.

6. Otoshidama

Ảnh https://livejapan.com/en/article-a0000768/

Otoshidama là tiền lì xì. Người Nhật cũng có tục cho tiền trẻ con vào năm mới để “lấy hên” như ở Việt Nam. Tiền lì xì được cho vào một phong bì nhỏ gọi là pochi-bukuro.

7. Kadomatsu (門松) – cây Nêu 

Ảnh https://en.wiktionary.org/wiki/%E9%96%80%E6%9D%BE

Kadomatsu là vật trang trí truyền thống được làm bằng Tre và Thông. Kadomatsu được tạo hình thành cái cổng, đặt trước nhà để chào đón linh hồn Tổ tiên về ăn Tết, hoặc Thần linh để đem lại may mắn cho năm mới.

8. Shimekazari

Ảnh https://medium.com/@lemiche/

Shimekazari là một vật trang trí khác vào ngày Tết, đại diện cho một sự bắt đầu mới. Theo tục lệ, người Nhật treo Shimekazari trước cửa ngay sau Giáng sinh để mời điều tốt đến và xua đuổi những linh hồn xấu.

Năm mới của người Nhật hiện đại

Gần đây, nhiều người trẻ tuổi có xu hướng ở cùng bạn bè vào ngày đầu năm mới thay vì gia đình. Họ tụ tập ở đâu đó chờ đếm ngược đến thời khắc giao thừa. Càng ngày càng có nhiều bữa tiệc countdown ở các night club, bar và khách sạn, cũng như những concert ngoài trời. Tuy nhiên sau đó, một vài người trẻ tuổi cũng không quên cùng gia đình đi viếng Đền đầu năm sau khi tiệc tùng cùng bạn bè.

Ảnh https://livejapan.com/en/in-tokyo/in-pref-tokyo/in-shibuya/article-a0001782/

Đêm giao thừa vừa qua bạn đã dành thời khắc chuyển giao này cùng với ai? May mắn thay, Việt Nam còn đón Tết Âm lịch nữa, vì vậy hãy quyết định thời gian và hoạt động của mình để có những ngày thật đáng nhớ, mở đầu cho một năm viên mãn nhé !

Sacchan

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: