Lắng nghe – Kỹ năng cần luyện tập để thành đạt trong công việc và thành công trong cuộc sống

Các bạn đã bao giờ quan sát những người xung quanh mình và nhận thấy có người hay được người khác hỏi ý kiến, có người không. Bạn có biết tại sao lại có điểm khác biệt này không? Khi có vấn đề gì cần trao đổi, bạn có nghĩ đến một người cụ thể nào không? Nếu là vấn đề trong công việc, bạn sẽ trao đổi với cấp trên hay đồng nghiệp, còn trong cuộc sống, người bạn tìm đến là người thân hay bạn bè? Những người thường được “chọn mặt gửi vàng” chính là người biết lắng nghe. Sẽ thật khó chịu khi chia sẻ quá nhiều với một người mà người đó chẳng hề chú ý đến câu chuyện của bạn, hay có những phản ứng “nhạt nhẽo” đúng không nào? Đó là lý do chúng ta thích tìm đến người biết cách lắng nghe. Mối quan hệ và thông tin là hai yếu tố vô cùng quan trọng, kể cả trong công việc hay cuộc sống thường ngày. Một trong những kỹ năng để tạo quan hệ tốt với sếp, đồng nghiệp, đối tác hay người yêu, bạn bè nằm ở khả năng lắng nghe. Nếu bạn có thể lắng nghe người khác, cả hai yếu tố nói trên sẽ tự nhiên tìm đến với bạn.

Ảnh: https://www.photo-ac.com/main/search?q=%E6%84%9A%E7%97%B4&srt=dlrank&pp=70&p=1&pt=B

Lần này hãy cùng tìm hiểu phương pháp rèn luyện kỹ năng này nhé.

1. Bước khởi động: Nhìn kỹ vào đối phương

Đây là bước đầu tiên nhằm phân tích cảm xúc hiện tại của đối phương. Bạn sẽ không thể nắm bắt và đồng cảm được câu chuyện nếu không cảm nhận được tình hình. Ví dụ, nếu mí mắt của người nói sụp xuống, có thể người đó gặp chuyện buồn hoặc điều trăn trở gây mất ngủ cả đêm. Khi đó hãy ân cần hỏi “Hôm nay bạn có vẻ không vui nhỉ?”. Lúc gặp vấn đề và bị người khác nhìn thấu, người ta có xu hướng chia sẻ nhiều hơn, đó là lúc câu chuyện bắt đầu.

2. Dùng tone giọng nhẹ nhàng để hỏi thăm

Sẽ nhẹ nhõm hơn nếu lúc buồn bã, muộn phiền được người khác quan tâm, hỏi thăm. Chỉ đơn giản nói “Bạn ổn chứ? Có sao không?”, bạn đã có thể mở khoá được cánh cửa tâm hồn của một con người. Bạn có biết tại sao một người mạnh mẽ cố che giấu nỗi buồn của mình, nhưng lại đột nhiên bật khóc chỉ bởi một câu nói đơn giản? Đó là vì tủi thân. Trong lúc yếu đuối nhất, con người tự dựng lên bức tường cách biệt để bảo vệ mình, nhưng bản thân bức tường đó cũng rất mỏng manh. Chỉ cần ai đó gõ nhẹ vào, bức tường sẽ sụp đổ.

Dù bạn có nhận thấy một người đang đau khổ và cần được chia sẻ, nhưng lại không thể khiến người đó giãi bày tâm sự thì chẳng còn ý nghĩa gì cả. Khi đó hãy là người mở lời trước. Ví dụ trong giờ giải lao, bạn đến gần người đó và nhẹ nhàng nói “Tôi mời bạn một ly cà phê được không?”. Chỉ với hành động đơn giản này, dần dần bạn sẽ phá vỡ được bức tường của người đối diện.

3. Đồng cảm

Khi người kia đã sẵn sàng mở lòng, điều tiếp theo bạn cần làm là khiến người đó cảm thấy thoải mái và được thấu hiểu trong lúc bày tỏ. Hãy đưa ra những dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe, gật đầu, nhìn thẳng vào mắt, hay nói những câu như “Tôi hiểu”, “Đúng vậy”,…Tuyệt đối không kể xen vào câu chuyện của mình lúc người khác đang nói, chờ đến khi cảm xúc của đối phương đã dịu lại, hay nói vào những khoảng lặng của câu chuyện. Dù cho bạn cảm thấy người kia không đúng cũng đừng phủ định. Hãy đứng trên cương vị của người khác, đồng cảm với nỗi niềm của họ.

4. Từng chút một đưa ra lời khuyên

Khi được giãi bày tâm sự, thông thường đối phương sẽ bị cuốn theo dòng cảm xúc và nói liên hồi. Đừng cắt ngang, hãy để họ nói hết, sau đó mới nhẹ nhàng đưa ra lời khuyên. Nếu bạn cho rằng người nói sai ở điểm nào đó, hãy nhẹ nhàng chỉ ra “Tôi hiểu, nhưng tôi cảm thấy…”, nếu đối phương ngay lập tức phản bác, quay lại bước 3 và chờ đợi thời cơ, đừng cố nhồi nhét suy nghĩ của mình vào người khác.

Ảnh: https://www.photo-ac.com/

5. Đưa ra lời mời ở cuối câu chuyện

Tất nhiên cảm xúc con người không thể bộc bạch được hết trong một buổi nói chuyện ngắn. Nếu cảm thấy ở đối phương có điều gì cần khai thác thêm, hãy chủ động mời họ ở lần tiếp theo. Một khi đã có thể chia sẻ với bạn điều gì đó, họ sẽ dần thích nói chuyện với bạn. Đây là một kỹ năng để bạn lấy được nhiều thông tin từ người khác. Cố gắng đưa ra ý kiến của bản thân từng chút một ở những lần tiếp theo, tất nhiên chỉ sau khi người kia đã nói xong.

6. Tuyệt đối không tiết lộ bí mật của người khác

Chịu đựng cảm xúc tiêu cực từ người khác tất nhiên không dễ dàng, tôi có thể hiểu được cảm giác muốn chia sẻ với người thứ ba của bạn. Thế nhưng tuyệt đối không được tiết lộ bí mật của người khác. Một khi đã đánh mất lòng tin, bạn sẽ rất khó xây dựng lại chữ “tín” trong một mối quan hệ.

Đã là con người phải sống hoà hợp trong tập thể. Cho dù bạn có giỏi giang trong công việc như thế nào, nhưng nếu không biết cách xây dựng và gìn giữ các mối quan hệ, bạn cũng không thể đạt được thành công. Hãy trở thành một người biết lắng nghe để nhận được sự trọng dụng nhé.

Kengo Abe 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: