Chương trình thực tế ” vô nhân đạo” nhất lịch sử
Nhật Bản tự xem mình là quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực chương trình truyền hình thực tế. Những chương trình như Takeshi’s Castle hay Za Gaman nhận được sự quan tâm từ người xem quốc tế, bởi vì cách xây dựng khác biệt độc đáo. Các Show thử thách thể chất là phát minh của Nhật Bản, hiện tại rất nhiều chương trình thực tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ những Gameshow của Nhật.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, chương trình thực tế Nhật cũng chịu nhiều chỉ trích về sự “thiếu nhân đạo” trong ý tưởng sản xuất. Nhật Bản đồng thời nổi tiếng về những chương trình thử thách thể chất một cách cực đoan. Từ năm 1998 đến 2002, Show mang tên Susunu! Denpa Shonen trở thành vấn đề gây tranh cãi về tính nhân văn. Trong chương trình này, nhân vật chính là một người đàn ông có tên Nasubi, thực hiện Series “Cuộc sống giải thưởng”.
“Cuộc sống giải thưởng” tuyển chọn người chơi từ những diễn viên hài nghiệp dư có đam mê xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia. Họ đã chọn ra được diễn viên hài có xuất thân Fukushima tên Nasubi, thông báo anh ta đã trúng được phần thưởng, sau đó bịt mắt và đưa người này lên xe. Sau khi xuống xe, Nasubi bị dẫn vào một căn phòng chung cư chật hẹp. Đằng sau Camera, nhà sản xuất bảo anh ta cởi bỏ quần áo (tất cả mọi thứ), và yêu cầu anh sống trong căn phòng với rất ít tiện nghi này. Việc anh ta cần làm là viết phiếu tham dự trúng thuởng, với mục đích tìm hiểu xem “Liệu một người có thể sống sót chỉ bằng giải thưởng trúng được hay không?”.
Đây là danh sách những vật dụng bên trong căn phòng: vòi tắm, radio, điện thoại, bếp ga, bồn rửa, giá đựng tạp chí, một chồng bưu thiếp khổng lồ, bàn nhỏ, gối.
Ảnh https://www.tofugu.com/japan/nasubi-naked-eggplant-man/
Tường phòng được nối với Camera và Micro cầm tay treo quanh cổ của Nasubi. Hằng ngày anh ta cần điền phiếu nhận thưởng, và sẽ được thả ra sau khi số phần thưởng trúng được trị giá 1 triệu Yên. Nasubi sẽ không được cung cấp vật dụng nào khác trong suốt quá trình tham gia, và phải tìm cách xoay sở để sống sót bằng phần thưởng mình nhận được.
Quá trình này được quay lại và phát sóng khoảng từ 8-10 phút một tuần trong suốt 15 tháng trong chương trình Denpa Shonen.
Trong mỗi tập phát sóng, Nasubi thức dậy, thông báo hôm nay là ngày mấy, sau đó viết thư nhận thưởng. Anh ta nhanh chóng từ bỏ ý định nộp đơn nhận thưởng cho các chương trình trên Radio thay vào đó tập trung vào mảng tạp chí. Những phần thưởng Nasubi nhận được đa phần đều vô dụng. Sau 2 tuần đầu không có thức ăn, anh ta trúng được một thùng thạch, sau đó là một túi gạo (nhưng lại không có nồi để nấu). Nasubi phải ăn gạo sống trước khi phát hiện ra có thể nấu cơm trong ly thạch bằng bếp ga.
Phần thưởng đáng chú ý nhất có lẽ là chiếc xe đạp, tạm thời giải toả sự tuyệt vọng về mặt tinh thần của Nasubi trước khi anh chàng cảm thấy diện tích căn phòng quá nhỏ để lái xe.
Lúc mới bắt đầu cuộc chơi, ưu tiên của Nasubi là phần thưởng về quần áo. Anh ta đăng ký nhận thưởng một chiếc tạp dề nhưng thất bại. Phần thưởng đầu tiên Nasubi thắng có liên quan đến quần áo là một chiếc quần lót, nhưng nó lại quá nhỏ. Đội ngũ sản xuất phải thêm hiệu ứng cà tím để che phần cơ thể nhạy cảm trong suốt chương trình. Điểm đáng nói ở đây là sau khi được trả lại quần áo khi kết thúc 335 ngày, Nasubi cảm thấy khó chịu khi mặc quần áo, và quyết định cởi ra.
Người xem không biết được có bao nhiêu phần là sự thật, bao nhiêu phần là sắp đặt trong chương trình này. Những phần thưởng anh ta nhận được có đúng là những gì anh ta đã thực sự trúng, hay một phần do sắp đặt của nhà sản xuất để câu chuyện phát triển theo ý mà họ muốn. Chỉ có điều người đàn ông Nasubi ngày càng gầy gò, xanh xao, mất dần khả năng giao tiếp xã hội trong thời gian dài sống trong căn phòng ấy.
Ảnh https://www.tofugu.com/japan/nasubi-naked-eggplant-man/
Nasubi có thực sự giành được danh tiếng và tiền tài sau chương trình? Có và không. Chương trình thực tế này nhận được 17 triệu lượt xem, một con số khủng khiếp. Tuy nhiên sau khi nó bị cấm phát sóng do tính chất nhân đạo, danh tiếng của Nasubi cũng đi xuống. Anh ta nhận được vài vai diễn phim truyền hình, nhưng thực sự không có gì nổi bật.
Điểm đáng chú ý nhất có lẽ là sự kiện Nasubi leo núi Everest để gây quỹ cho thảm hoạ hạt nhân Fukushima.
Bạn nghĩ sao về tính nhân đạo của chương trình này nói riêng và các chương trình thực tế ở Nhật Bản nói chung? Giam cầm 1 con người trong quãng thời gian dài như vậy có lẽ đã vượt quá xa so với định nghĩa về Giải trí.
Sacchan