Ăn cơm hằng ngày, bạn có biết cơm người xưa ăn so với hiện tại có gì khác biệt
Trong thời đại dịch bệnh hoành hành, bạn không nên du lịch ở đâu cả. Thật đáng buồn !
Nhưng may mắn thay, chúng ta vẫn có thể du hành thời gian trong tư tưởng.
Văn hoá ẩm thực Nhật Bản rất đa dạng, nhưng nhìn chung cũng như các quốc gia Á Đông khác, gạo vẫn là nguồn lương thực chủ yếu.
Ăn cơm, hoặc các sản phẩm làm từ gạo gần như mỗi ngày, liệu đã bao giờ bạn tự hỏi gạo người xưa ăn khác gì so với bây giờ? Ở Nhật có một địa điểm giúp bạn trả lời câu hỏi đó. Một cửa hàng Nhật Bản sử dụng gạo với hương vị từ thời Edo (1603-1868), tương ứng với triều đại Mạc Phủ cuối cùng.
Đó là cửa hàng Sumidaya Shoten, nằm ở Sumida, Tokyo. Tất nhiên ai cũng biết Tokyo chính là thành Edo trước đây, thế nhưng gạo Edo được nhà hàng sử dụng không đặc biệt vì nó được phục vụ bởi một nhà hàng nằm ở Tokyo, mà vì sử dụng phong cách chuẩn bị có từ nhiều thế kỷ trước.
Thành Edo là nơi tập trung giới tinh hoa, do đó gạo sử dụng ở Edo được các nhà buôn gạo tuyển chọn từ khắp mọi vùng trên đất nước, sau đó lựa ra những loại gạo tốt nhất, hoà trộn cùng với nhau. Sumidaya Shoten tiếp nối truyền thống này, tham khảo ý kiến từ những người sành gạo, vô cùng kỹ lưỡng trong khâu tuyển chọn. Và điểm đặc biệt khiến gạo ở đây được gọi là gạo Edo nằm ở khâu xay xát gạo.
Ảnh https://soranews24.com/2020/03/11/edo-rice-shows-you-what-rice-tasted-like-in-the-samurai-era-by-continuing-centuries-of-tradition/
Nói một cách đơn giản, xay xát gạo là loại bỏ vỏ ngoài thô ráp, chỉ giữ lại lớp nhân trong. Ngày nay máy móc hiện đại có thể hỗ trợ người nông dân làm công việc đó một cách hoàn hảo, có nghĩa là vỏ ngoài bị loại bỏ hoàn toàn, khiến hạt gạo có màu trắng sáng, được xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gạo. Thế nhưng vào thời Edo, máy xay gạo hoạt động nhờ trục nước, kém hiệu quả hơn hẳn, do đó chỉ có một lớp mỏng bên ngoài được loại bỏ.
Sumidaya Shoten tuy rằng không sử dụng trục nước để xay xát gạo, nhưng máy xay gạo ở đây được thiết kế để loại bỏ ít hơn lớp bên ngoài, tạo ra hạt gạo có màu hổ phách đặc trưng.
Ảnh https://soranews24.com/2020/03/11/edo-rice-shows-you-what-rice-tasted-like-in-the-samurai-era-by-continuing-centuries-of-tradition/
Gạo Edo được nấu như thế nào? Theo nhân viên nhà hàng, vo gạo càng nhẹ nhàng càng tốt, chỉ cần từ 2-3 lần vo xơ. Ngoài ra thời gian ngâm gạo cần dài hơn, thậm chí từ 2-3 giờ trước khi nấu.
Sau đó nhà hàng sẽ nấu cơm trong nồi cơm điện ở chế độ nhanh. Không rõ lý do thực sự đằng sau phương pháp này, có lẽ việc nấu nhanh sẽ khiến tạo được nhiệt độ phù hợp để tăng mùi vị. Mặc dù hạt gạo ban đầu có màu hổ phách, nhưng khi nấu xong lại có màu trắng như tuyết rất đẹp mắt.
Ảnh https://soranews24.com/2020/03/11/edo-rice-shows-you-what-rice-tasted-like-in-the-samurai-era-by-continuing-centuries-of-tradition/
Đáng tiếc tất cả những gì chúng ta có thể dùng để so sánh chỉ là ngoại hình, còn hương vị bạn phải chờ đến khi hết dịch bệnh, hãy đến để trải nghiệm thử nhé.
Thông tin nhà hàng
Sumidaya Shoten
Tokyo-to, Suida-ku, Higashi Komagata 1-6-1
Mở cửa từ 9 giờ sáng – 6 giờ chiều.
Đóng cửa vào thứ 2.
NHẤP VÀO ĐÂY ĐỂ ĐI ĐẾN WEBSITE
Sacchan