Hình ảnh về chiếc xe buýt anh hùng, được mệnh danh là xe buýt “ngầu” nhất nước Nhật
Ngày 11 tháng 3 năm 2011 được xem là ngày kinh hoàng với người dân Nhật Bản. Đó là thời điểm xảy ra trận thảm hoạ kép động đất sóng thần tại vùng Tohoku, khiến cho 340,000 người phải đi di tản. Từ đó đến nay đã 9 năm trôi qua, nhưng vẫn có hơn 40,000 người bị kẹt ở những vùng cách ly.
Bức ảnh dưới đây được chụp vào ngày 13 tháng 3, 2 ngày sau thảm hoạ. Ảnh chụp chiếc xe buýt được mệnh danh là chiếc xe buýt “ngầu” nhất trong lịch sử nước Nhật.
Ảnh https://www.imishin.me/osakashie-basu-tohoku/
Đây là xe buýt của thành phố Osaka, chụp tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, thuộc vùng Tohoku. Khung cảnh vô cùng hỗn loạn, xà bần chất đống bên vệ đường, trời đổ tuyết lớn.
Sau khi thảm hoạ xảy ra, những chiếc xe buýt được điều động để vận chuyển người từ khu vực nguy hiểm đến các cơ sở y tế, trung tâm thương mại, và những cơ sở tắm lưu động do đội phòng vệ chuẩn bị. Trong đó có 2 chiếc xe buýt được điều động từ cơ quan vận chuyển thành phố Osaka đến thành phố Sendai.
Khi gửi hai chiếc xe này đi người chịu trách nhiệm đã dặn:
“Sau khi trở về hãy cùng nhau giận dữ”.
Tại sao lại giận dữ? Hãy theo dõi câu chuyện dưới đây.
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 12 tháng 3, 12 tiếng sau khi thảm hoạ xảy ra, có yêu cầu cứu trợ khẩn được gửi tới cơ quan vận chuyển thành phố Osaka từ Sendai. Mặc dù khi đó là rạng sáng, các nhân viên của cơ quan vận chuyển nhanh chóng sắp xếp phương tiện và tài xế. Họ chuẩn bị những phần thực phẩm, chăn mền cứu trợ từ kho lưu trữ của thành phố Osaka.
Éo le thay, ngày hôm đó là thứ 7, xe buýt của thành phố chỉ được phép chạy vào ngày thường, muốn hoạt động vào ngày nghỉ cần được sự cho phép của Chính quyền thành phố. Tuy vậy, Chính quyền không hề có động tĩnh gì.
Thế nhưng theo thông tin được cập nhật trên TV và Radio, tình hình tại vùng Tohoku ngày càng cấp bách, người chịu trách nhiệm thuộc cơ quan vận chuyển thành phố Osaka quyết định không thể chờ thêm được nữa. Người này đưa lệnh xuất phát mà không cần chờ chỉ thị từ cấp trên, quyết định gánh toàn bộ trách nhiệm.
Ảnh https://www.imishin.me/osakashie-basu-tohoku/
Hơn 11 giờ sáng, chiếc xe buýt đã đến thành phố Sendai, với 6 tài xế, 1 kỹ sư và 1 quản lý cùng 10,000 phần thực phẩm cứu trợ và 1800 chiếc chăn. Chỗ ngồi của tài xế xe buýt chạy tuyến cố định không có dây an toàn, do đó tài xế không được phép chạy trên đường tốc hành, chưa kể đường từ Osaka đến Sendai là đoạn đường tốc hành dài 850km, vậy mà chiếc xe chỉ mất khoảng 16 tiếng đi đường.
Sau khi đến nơi, không hề nghỉ ngơi sau chặng đường dài, họ tiến hành phân phát gói cứu trợ. Thức ăn được giao cho những người tị nạn làm bữa sáng, còn chăn mền ưu tiên cho những người bị lạnh.
Tiếp đến, chiếc xe nhanh chóng đến hỗ trợ đội xe buýt địa phương.
Ảnh https://www.imishin.me/osakashie-basu-tohoku/
Phương châm hoạt động mà chỉ huy đưa ra là:
“Chỉ cần có đường, xe buýt sẽ chạy được, làm tất cả những gì có thể, đóng vai trò hỗ trợ tại những vùng gặp thiên tai”.
Tất cả những người trên chiếc xe buýt đó đã quyết định “lơ” đi mệnh lệnh cấp trên, ưu tiên cho việc giải cứu người bị nạn. Chính vì vậy đây được xem như chiếc xe buýt “ngầu” nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Tiếp sau đó, xe buýt từ các thành phố khác cũng nhanh chóng tập hợp với khoảng 150 phương tiện.
9 năm đã trôi qua kể từ trận đại thảm hoạ, nỗi đau vẫn còn đó nhưng đã nguôi ngoai phần nào. Trong bối cảnh các thảm hoạ vẫn đang tiếp diễn đối với loài người, tôi chỉ muốn nhắc lại một chút về hành động ấm lòng này. Hy vọng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua.
Kengo Abe