Thế nào là lời xin lỗi thực sự của một người Nhật?

Vào ngày 19 tháng 2 năm 2008, tàu của Lực lượng phòng vệ hàng hải đã va chạm với thuyền đánh cá tư nhân và khiến chiếc thuyền bị chìm.

Ảnh https://www.afpbb.com/articles/-/2799316

Tất nhiên đây là tai nạn ngoài ý muốn vì vậy không có truy cứu trách nhiệm do tắc trách. Người quản lý của Lực lượng phòng vệ được miễn tội, thế nhưng thuyền trưởng thuyền đánh cá, Yoshikiyo Haruo, người có mặt trên tàu lúc đó cùng với con trai trưởng là cậu Tetsuo đã qua đời do tai nạn.

Con gái của ông Haruo, cô Mieko đã xây mộ của hai người nhìn hướng ra cảng. Đây được xem là hướng tốt, tuy nhiên Mieko luôn cảm thấy khó khăn mỗi lần ngắm biển từ cảng, bởi cô bị ám ảnh bởi vụ tai nạn.

Mỗi năm vào tháng 2 sẽ có đại diện từ Lực lượng phòng vệ đến thăm cô Mieko. Ngoài ra còn có Nghị viên Quốc hội Shigeru Ishiba. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, Ishiba là Bộ trưởng bộ quốc phòng, quản lý Lực lượng phòng vệ hàng hải. Tất nhiên, xét về lý, Ishiba không hề có lỗi trong tai nạn khi đó, nhưng anh vẫn đến nhà cô Mieko mỗi mùa hè vì cảm thấy có trách nhiệm.

Ảnh https://news.livedoor.com/article/detail/17849381/

Ishiba là người đứng ở giữa hàng đầu tiên. Đã 13 năm liên tiếp từ khi tai nạn xảy ra anh đến thăm cô Mieko. Bản thân Mieko cũng không yêu cầu lời xin lỗi từ Ishiba, Ishiba cũng không đến mỗi năm chỉ để xin lỗi mà để trò chuyện cùng Mieko.

Theo lời của cô Mieko, Ishiba lúc nào cũng hỏi thăm cô một cách nhẹ nhàng về các vấn đề rắc rối trong cuộc sống, lắng nghe những lời than thở của cô như những người bạn quan tâm lẫn nhau. Vì hai người sống cùng thời đại nên có thể chia sẻ những câu chuyện đùa. Không những không trách móc về chuyện quá khứ, cô Mieko cảm thấy biết ơn với Ishiba.

Đáp lại, Ishiba nhận xét “Cô Mieko là người rất thích nói chuyện, tôi thấy rất cảm kích khi cô ấy không hề buông lời ghét bỏ, chửi rủa hay tỏ ý hiềm khích”.

Lúc tai nạn xảy ra, Ishiba đã từng phát ngôn như sau:

“Cô ấy đã mất đi người thân, do đó nếu cô ấy miệt thị, chửi bới tôi cũng chẳng có gì sai. Tôi sẽ không che giấu thông tin, thành tâm thành ý giải thích. Đây là cách duy nhất để lấy lại lòng tin đối với Lực lượng phòng vệ trên biển.”

Khi đó, có ý kiến cho rằng Ishiba nên từ chức để nhận lấy trách nhiệm, chính Mieko là người đã lên tiếng bảo vệ cho Ishiba. Khi Thủ tướng Yasuo Fukuda đến thăm Mieko, cô nói rằng:

“Từ chức không phải cách duy nhất để nhận lấy trách nhiệm. Tôi chỉ hy vọng anh ấy có thể nghĩ được biện pháp triệt để để có thể đề phòng tai nạn hàng hải ngoài ý muốn”.

Theo ý muốn của cô Mieko, Ishiba đã thiết lập các biện pháp phòng ngừa trong vòng 6 tháng, nhận lấy trách nhiệm và cuối cùng từ chức. Hằng năm, Ishiba đến thăm Mieko cũng vì muốn bày tỏ sự biết ơn đến những lời nói trước kia.

Nói thêm, hai người thường hay tổ chức tiệc nướng, mỗi lần đến ông Ishiba đều đem gần 30kg hải sản làm quà. Cô Mieko cũng bảo Ishiba đem quà đến cho ông Fukuda.

Những tai nạn ngoài ý muốn, dù rất đau lòng nhưng kết quả không thể thay đổi được. Có xin lỗi có trách cứ nhau cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Thay vào đó, biến hận thù, đau thương thành cảm kích, biến nỗi đau mất người thân thành hạnh phúc khi có thêm những người bạn mới.

Cách xin lỗi này có lẽ thành ý hơn ngàn lần những cái cúi đầu vô nghĩa, đúng không các bạn?

Kengo Abe

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: