Liệu sự trung thành của Samurai với Lãnh chúa có xem là mù quáng?
Hơi đột ngột nhưng trước khi bắt đầu tôi có một câu hỏi cho các bạn.
Từ trái nghĩa với 好き (Suki – yêu, thích) là gì? Nếu bạn cho rằng đó là 嫌い (Kirai – ghét) thì chưa đúng lắm đâu nhé !
Từ trái nghĩa với Suki là 無関心 (Mukanshin – không quan tâm). Bạn thử nghĩ xem, không thích không hẳn đã là ghét, mà là không quan tâm.
Bạn có biết tại sao cha mẹ lại cằn nhằn bạn nhiều như vậy không? Nhiều bạn sẽ có những lý do rất buồn cười như “Thì bởi họ ghét tôi”, hay “Chắc tôi là con nuôi”. Nhưng đó là vì cha mẹ bạn yêu bạn rất nhiều. Thực chất vì muốn bạn tốt lên nên cha mẹ bạn sẽ vô cùng khắt khe với những điều sai trái của bạn. Người ta cũng thường nói “lời thật lòng thường không dễ nghe” còn gì?
Câu chuyện hôm nay JAPO muốn kể cũng tương tự như thế.
Ngày xưa, Nhật Bản chia cắt căn cứ thành các tiểu vương quốc, và tồn tại dưới dạng Liên minh. Ở mỗi vương quốc có một Samurai đứng đầu, gọi là Tonosama (lãnh chúa). Vị Samurai này có quyền lực tối đa, và được truyền cho đời sau theo kiểu “cha truyền con nối”. Sẽ không sao nếu đứa con là một người tài năng và có khả năng trị vì, nhưng sẽ thế nào nếu vị lãnh chúa tiếp theo là một tay lạm dụng quyền lực. Tất nhiên vị lãnh chúa đó sẽ không được lòng cấp dưới, và chẳng có ai sẵn sàng mổ bụng tự sát vì một người chủ tướng không xứng đáng.
Bạn cho rằng Samurai nào trong lịch sử cũng sẵn sàng chết vì chủ tướng? Tất nhiên không phải vậy, họ chỉ sẵn sàng hy sinh vì người xứng đáng. Họ cũng yêu mạng sống của bản thân, và không muốn phung phí cuộc đời với một chủ tướng tồi. Đáng quý hơn cả, họ thà hy sinh để chỉ ra lỗi sai của chủ nhân, thay vì nhu nhược im lặng nhìn cái xấu diễn ra.
Xin giới thiệu một Samurai như vậy trong lịch sử Nhật Bản, Kuzaburo Suzuki. Ông là Samurai dưới trướng của Tokugawa Ieyasu, người sau này thống trị toàn nước Nhật.
Tokugawa Ieyasu, không giống như những vị lãnh chúa trước kia, là một người biết lắng nghe, do đó mới có được đỉnh cao. Tuy nhiên ông không sinh ra với những tư chất của người vĩ đại, mà cần trải qua bài học cũng giống như bất kỳ ai.
Câu chuyện của Kuzaburo Suzuki và Tokugawa Ieyasu bắt đầu từ những con cá Chép. Để tiếp đãi khách quý, Tokugawa Ieyasu câu 3 con cá Chép lớn và yêu cầu nấu bữa ăn thịnh soạn. Thế nhưng khi bữa ăn được dọn ra lại thiếu mất một con. Khi nghe được rằng chính Kuzaburo Suzuki đã ăn con cá đó, ông vô cùng tức giận.
Thế nhưng Kuzaburo Suzuki lại hết sức bình tĩnh và nói:
“Thần đã sẵn sàng, xin ngài cứ chém đầu. Thế nhưng nếu để đổi mạng một người vì mạng một con cá, hay một con chim, liệu có đáng không? Ngài sẽ không thể nào thống trị thiên hạ này với một trái tim như thế”.
“Thống trị thiên hạ” ở đây có nghĩa là thống nhất Nhật Bản, và trở thành người đứng đầu duy nhất. Hành động của Kuzaburo Suzuki có liên quan đến chuyện xảy ra trước đó, Tokugawa Ieyasu đã bắt giữ hai thuộc hạ của mình vì bắt chim ở sân của lãnh chúa. Cả hai người này đều đang ở trong nhà giam chờ bị xử trảm. Ông muốn cho Tokugawa Ieyasu biết rằng hành động sẵn sàng giết cấp dưới vì việc nhỏ không phải chuyện một vị anh minh nên làm, và sẽ chứng tỏ người này không đủ khả năng để lãnh đạo và không có được lòng tin của các thuộc hạ.
Có lẽ như Hisaburo cố tình ăn con cá đó để có thể nói điều này với chủ tướng của mình.
Được biết sau đó Tokugawa Ieyasu đã thả hai thuộc hạ kia ra, đồng thời khen ngợi Kuzaburo Suzuki. Kể từ đó, Tokugawa Ieyasu bắt đầu lắng nghe ý kiến của thuộc hạ và từ từ xây dựng được sự tin tưởng của mọi người. Quyền lực của ông đến từ niềm tin, do đó mà vững chắc và xây dựng được một thời đại kéo dài tận 300 năm.
Để có được một Tokugawa Ieyasu như thế, chúng ta phải nhớ đến một Hisaburo đã dám liều mạng sống của mình để chỉ ra cái đúng.
Chính vì vậy, hãy biết ơn những lời khắc nghiệt người khác dành cho bạn. Nếu đó không xuất phát từ tình yêu thực sự, nó cũng sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Kengo Abe