Mô hình mai mối của người Nhật xưa – “Ảo” không kém ngày nay

Công nghệ ngày nay xuất hiện rất nhiều Apps hẹn hò trực tiếp, cho phép bạn “rao bán” bản thân trên mạng để tìm kiếm bạn tình thích hợp. Bạn có thể tạo một profile hoàn hảo, từ hình ảnh đến thông tin, chọn lựa kỹ càng để “show” ra những gì tuyệt vời nhất của bạn. Bên cạnh ưu điểm, hình thức này có một nhược điểm đó là sự không thực. Nhiều người bị thu hút bởi profile tuyệt vời của người kia, nhưng đến khi gặp gỡ lại không như tưởng tượng.

Ở Nhật, cụm từ “O-miai” để chỉ hình thức gặp mặt mai mối, thường do gia đình sắp đặt. “O-miai” đã được bắt đầu từ thời Kamakura trong tầng lớp quý tộc nhằm tạo ra những cuộc hôn nhân chính trị. Đến thời Edo, hình thức này ngày càng phổ biến ra toàn dân.

Từ cuối những năm 1880 đến những năm 1900, hơn 400,000 người Nhật di cư sang Hoa Kỳ, mang theo “ước mơ Mỹ” với hy vọng đổi đời. Điều này dẫn đến những suy giảm của ngành nông nghiệp trong nước vào thời Minh Trị, dẫn đến nhiều công nhân thất nghiệp. Thêm vào đó, nền kinh tế Hoa Kỳ bùng nổ, các rào cản pháp lý nới lỏng, dân Nhật nhập cư ngày càng đông hơn.

Tuy vậy, việc ngày càng nhiều lao động Nhật đến Mỹ đã khiến người Mỹ lo ngại Issei (cụm từ chỉ thế hệ dân nhập cư Nhật Bản đầu tiên) sẽ lấy mất công việc của họ, dẫn đến căng thẳng giữa hai quốc gia. Với nỗ lực giảm căng thẳng, Tổng thống Mỹ bấy giờ là Theodore Roosevelt đã thông qua hiệp định quý ông Nhật Bản – Hoa Kỳ vào năm 1907 với nội dung: phía Nhật Bản sẽ ngừng cấp Visa cho những người muốn di cư sang Mỹ, đổi lại Roosevelt sẽ giở bỏ lệnh cấm trẻ em Nhật tại những trường dành cho dân da trắng.

Ảnh https://nextshark.com/picture-brides-was-our-ancestors-version-of-catfishing/

Rất nhiều Issei vốn dự định sẽ làm việc tại Hoa Kỳ trong nhiều năm sau đó về lại Nhật. Thế nhưng do Hiệp định quý ông, những nhân công Nhật Bản này bị mắc kẹt. Ngoài ra, hiệp định này cũng cho phép vợ của các nhân công Nhật Bản được sang Mỹ với chồng, dẫn tới sự phổ biến của hiện tượng “cô dâu ảnh”.

“Cô dâu ảnh” là hiện tượng các cô gái Nhật muốn được ghép đôi với các Issei tại Hoa Kỳ qua việc trao đổi ảnh. Điều này dẫn tới sự nhập cư của hơn 10,000 phụ nữ Nhật Bản tới bờ Tây nước Mỹ từ những năm 1908 đến 1920 (theo KCET).

Thỉnh thoảng có sự xuất hiện của các “nakōdo” (người mai mối) – có thể là bạn bè, thành viên gia đình, hoặc dịch vụ bên ngoài, làm nhiệm vụ “quảng cáo” đối tượng, giống với các Apps hẹn hò ngày nay.

Nghe thì có vẻ đôi bên cùng có lợi. Những người đàn ông có thể cưới được một cô vợ Nhật thay vì khó khăn tìm vợ nơi đất khách, còn những cô gái sẽ được hưởng nền giáo dục và kinh tế thịnh vượng của Hoa Kỳ, sau đó gửi tiền về cho gia đình ở Nhật.

Ảnh https://nextshark.com/picture-brides-was-our-ancestors-version-of-catfishing/

Đáng tiếc, việc mai mối qua hình ảnh và người giới thiệu này cũng vấp phải những bất lợi mà chúng ta gặp phải ngày nay. Nhiều cô gái gửi ảnh của mình khi còn trẻ và đẹp, còn cánh đàn ông mượn áo vét để tạo cảm giác giàu có. Nghe có quen thuộc không?

Một người phụ nữ tên là Setsu Kusumoto, tham gia vào kế hoạch “cô dâu hình ảnh” này, ấp ủ giấc mơ đổi đời đã phát hiện “chồng” của mình lớn hơn những 11 tuổi, khác xa so với hình ảnh cô được nhận.

Nhiều người khác bị gia đình ép tham gia kế hoạch này. Hisano Akagi sau khi theo “chồng” sang Mỹ đã rất muốn về nhà, nhưng sợ phải đối diện với gia đình. Không thể nào tưởng tượng việc phải lấy một người đàn ông chỉ được biết mặt qua hình ảnh để làm hài lòng gia đình.

Vào năm 1920, Chính phủ Nhật Bản đã chấm dứt hiện tượng này bằng cách ngừng cấp Visa cho các “cô dâu hình ảnh” trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy vậy vào thời điểm đó nhiều gia đình Nhật đã hình thành ở Hoa Kỳ. Các nhà sử học cho biết phần lớn người Nhật sống ở Hoa Kỳ ngày nay đều có tổ tiên liên quan đến trào lưu “cô dâu hình ảnh” này.

Sacchan

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: