Phát minh thay đổi nhân loại của người Nhật: Mã QR

Barcode là mã vạch truyền thống được sử dụng trong việc quản lý hàng hoá trong nhà kho, siêu thị, tạp hoá …phổ biến trên toàn thế giới từ năm 1974. Đây là phương pháp lưu trữ và truyền tải thông tin được mã hoá bằng các vạch và chữ số. Tuy nhiên hạn chế của loại mã vạch này là chỉ chứa được 20 chữ số và chữ cái, thế nên đến một lúc nào đó e rằng sẽ không còn đủ mã vạch cho cả thế giới sử dụng. Hơn thế nữa, máy đọc mã vạch phải mất thời gian để đọc được, điều này có thể làm giảm năng suất của các kho xưởng chứa lượng lớn hàng hoá.

Ảnh: https://www.indiamart.com/proddetail/barcode-11664442455.html

Trong bối cảnh đó, được công ty sản xuất linh kiện xe hơi Denso giao phó trọng trách phát minh ra loại mã vạch mở rộng và tối ưu hoá các tính năng, kỹ sư Masahiro Hara đã bắt đầu mày mò nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp. Trong suốt quá trình đó, anh và các cộng sự đã hướng đến loại mã vạch 2 chiều với mong muốn giải quyết 2 nhược điểm lớn đó là tốc độ quét và dung lượng chứa. Thế nhưng gần đến ngày bàn giao mà anh vẫn chưa tạo ra được sản phẩm nào đáp ứng điều kiện trên. Ngay lúc anh đi dạo cùng với người cộng sự và bàn về dự định thôi việc thì đập vào mắt anh là khung cảnh một toà căn hộ nhiều tầng với bãi đáp trực thăng trên sân thượng. Anh liền nảy ra ý tưởng về loại mã với định vị ở 3 góc.

Ảnh: https://www.epo.org/news-events/events/european-inventor/finalists/2014/hara.html

Và cuối cùng đến năm 1994 anh đã thành công khi phát minh ra loại mã QR (Quick-Response Code) chứa được tối đa 7.000 ký tự số và chữ. Mã có thể quét từ trên xuống dưới hoặc từ trái qua phải giúp nâng cao tốc độ đọc mã của máy quét. Không những thế, dù bạn che đi một phần nhỏ (trừ 3 ô định vị ở 3 góc) của mã thì máy cũng có thể quét ra chính xác. Đến nay, QR code có thể mã hóa cả các ký tự Kanji và Kana của Nhật Bản và tiếng Nhật, nhạc, hình ảnh, URL, email….

Đặc biệt hơn, Masahiro Hara quyết định đưa phát minh của mình miễn phí trên các trang mạng, giúp cho bất kỳ ai, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể đọc mã và tạo ra mã QR. Nhờ vậy, độ phủ sóng của phát minh nhanh chóng được thế giới đón nhận. Đến nay, QR code đã trở nên quen thuộc với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, ngay cả vé tàu hoả, tạp chí và ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng có sự góp mặt có mã QR.

Nhờ thành tựu đó mà kỹ sư Masahiro Hara và nhóm của ông được trao giải “nhà sáng chế châu Âu” năm 2014. Hiện ông đang tập trung cải tiến công suất của mã QR, giúp nó có thể quét nhanh hơn nữa bằng Smartphone. Mẹo nhỏ cho những ai dùng Iphone là bạn có thể dễ dàng quét mã QR bằng máy ảnh của máy mà không cần tải bất kỳ phần mềm nào về.

Quả là một phát minh hữu ích cho nhân loại!

Chee 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: