Tại sao những tên trộm Nhật Bản thời xưa sợ “Ngày 12 tháng 12”?
Dù là ở đâu trên thế giới cũng xảy ra nạn trộm cắp. Nhật Bản dù được xem là quốc gia an toàn, nhưng vẫn tồn tại tệ nạn này. Không chỉ ở đâu, mà vào thời nào cũng xuất hiện nạn trộm cắp.
Để phòng tránh nạn trộm cướp, ngày xưa ở các nhà ở tại Kyoto có dán những tờ giấy như thế này. Tờ màu nâu là bùa để tránh hoả hoạn, nhưng lần này tôi muốn giải thích ý nghĩa của tờ giấy màu trắng bên cạnh.
Ảnh https://www.leafkyoto.net/blog/makai/2019/12/sakasafuda/
Tôi tin rằng những người biết tiếng Nhật sẽ cảm thấy khó chịu khi đọc chữ được in trên tờ giấy màu trắng. Chữ viết là “ngày 12 tháng 12”, nhưng lại viết ngược.
Đây là mẩu giấy có chức năng đe doạ kẻ trộm. Những tên trộm thường đột nhập vào nhà từ gác mái, do đó chúng đu ngược từ trên xuống. Sở dĩ mảnh giấy được viết ngược có dụng ý để tên trộm dễ dàng đọc được. Vậy còn ý nghĩa của mốc thời gian ngày 12 tháng 12?
Ngày 12 tháng 12 là ngày mà tên trộm “khét tiếng” trong lịch sử Nhật Bản Ishikawa Goemon bị hành quyết. Thông điệp truyền tới tên trộm “Nếu không muốn trở thành Goemon thứ 2, vui lòng quay về”.
Tới đây không thể nào không kể về cuộc đời lừng lẫy của tên trộm vang danh một thời Goemon Ishikawa. Goemon dấn thân vào nghề trộm cướp từ khi còn là một câu bé, nổi tiếng với khả năng tẩu thoát nhanh đến mức dù bị phát hiện vẫn chưa lần nào bị tóm.
Ở tuổi thiếu niên, cậu bé Goemon được đào tạo để trở thành một Ninja, thế nhưng sau khi thành thạo mọi “nhẫn thuật”, cậu ta bỏ trốn. Tại thời điểm trốn chạy, cậu ăn trộm số lượng lớn tài sản từ tổ chức đào tạo Ninja, và bắt đầu con đường trở thành kẻ trộm.
Có tài năng thiên bẩm, thêm vào đó được đào tạo bài bản, Goemon là một tên trộm hoàn hảo. Tiếng tăm càng lên thì số tiền thưởng để bắt được Goemon càng tăng. Có hơn 100 người lùng sục khắp Kyoto để bắt Goemon.
Goemon tuy là trộm nhưng có nguyên tắc riêng của mình. Cậu không bao giờ lẻn vào nhà dân thường, mà chỉ ăn trộm từ quý tộc hoặc người có quyền lực. Đó là lý do mà dù làm công việc không mấy vẻ vang, Goemon vẫn là anh hùng trong mắt rất nhiều người.
Tài nghệ càng cao, mục tiêu của Goemon càng lớn. Cậu ta thậm chí nhắm tới việc đột nhập dinh thự của Hideyoshi Toyotomi, người có quyền lực cao nhất Nhật Bản thời bấy giờ. Goemon muốn ăn trộm tài sản giấu dưới giường ngủ của Hideyoshi Toyotomi nên đã đột nhập vào Lâu đài Fushimi. Không may, “anh hùng đã ngã ngựa”.
Kết cục, vào ngày 12 tháng 12, Goemon bị xử tử bên bờ sông Kamo ở Kyoto. Phương pháp xử tử gọi là “nồi luộc”, cho phạm nhân vào nồi lớn rồi đun nồi nóng dần lên cho đến khi người trong nồi chết vì nóng. Dưới sự chứng kiến của rất nhiều người, con trai của Goemon khi ấy mới 3 tuổi cũng bị cho vào nồi theo nguyên tắc “tru di”.
Ảnh https://www.leafkyoto.net/blog/makai/2019/12/sakasafuda/
Cũng chính từ đây mà loại bồn tắm nước nóng được đun bằng gỗ từ bên dưới gọi là Goemonburo.
Ảnh http://blog.livedoor.jp/ooe1005/archives/38728397.html
Trở lại với phương pháp chống trộm của người dân Kyoto xưa, không rõ bằng cách này, những tên trộm có bị doạ đến mức bỏ cuộc hay không. Tuy nhiên, dù có trộm của người giàu cho người nghèo đi chăng nữa, trộm cắp cũng không phải là việc gì vẻ vang.
Kengo Abe