Làm thế nào mà Passport của người Nhật trở nên “mạnh” nhất thế giới?

Năm 2020, chiếc Passport của người Nhật đã dẫn đầu trong bảng xếp hạng các Passport toàn thế giới, dựa trên số quốc gia được miễn thị thực.

Người có Passport Nhật Bản có thể đi đến 191 quốc gia không cần xin Visa. Xếp thứ 2 là Singapore với 190 quốc gia, khác biệt chỉ 1 quốc gia.

Ảnh https://www.cnn.co.jp/travel/35147754.html

Đây là tiền thân của Passport Nhật Bản.

Ảnh https://www.tv-tokyo.co.jp/travel/entry/bwNmc/37219/

Chiếc Passport được xem là “cổ” nhất này được phát hành vào năm 1866, của các thành viên đoàn xiếc Nhật Bản được cử đi tham dự Triển lãm thế giới tại Paris vào năm 1867 (1 năm sau phát hành). Khi đó nó chưa phải dạng quyển sổ nhỏ như hiện tại, mà chỉ là một mảnh giấy dày. Tại thời điểm đó cũng chưa sử dụng hình ảnh, mà mô tả ngoại hình chủ Passport bằng văn tự. Ví dụ trên này có viết dáng cao, mũi hơi nhỏ,…

Đến năm 1926, Passport mới có được hình dạng như hiện tại, là quyển sổ nhỏ, bìa ngoài có in hình hoa Cúc (biểu tượng nước Nhật). Cứ tưởng rằng từ thời điểm này sẽ có rất nhiều người Nhật xuất ngoại, thì đúng lúc đó, Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra (1939), việc ra nước ngoài bị cấm.

Thời kỳ hậu chiến, sự việc cũng không tiển triển thêm do Nhật Bản là quốc gia thua cuộc và chịu rất nhiều hạn chế từ quân chiếm đóng. Đến năm 1951, tình hình có vẻ nới lỏng hơn, tuy nhiên người dân Nhật Bản tại thời điểm đó rất nghèo và vẫn đang trong công cuộc tái tạo quốc gia sau chiến tranh, do đó mà việc đi nước ngoài vào lúc này là không khả thi.

Phải đến sau năm 1964, khi Thế vận hội Tokyo diễn ra, số lượng người Nhật sang nước ngoài mới bắt đầu bùng nổ, cả với mục đích làm việc lẫn du lịch.

Năm 2020, khi Passport của người Nhật dẫn đầu trong số các Passport có thể đi được nhiều quốc gia không cần xin thị thực, Chính phủ Nhật đã quyết định chuyển Passport sang mẫu mới vì lý do an ninh, do lo sợ sẽ có người làm giả.

Ảnh https://ontrip.jal.co.jp/people/17347757

Tại các trang dán thị thực của Passport mẫu mới này có in chìm tranh Ukiyo-e của hoạ sĩ lừng danh thế giới Hokusai Katsushia, vừa đẹp mắt lại khó giả mạo hơn. Chất liệu giấy cũng được gia công đặc biệt để khó thấm nước, nhờ đó mà độ an toàn cũng tăng.

Ngoài ra để phòng ngừa triệt để việc giả mạo, bên trong Passport mẫu mới có gắn IC chip.

Nói những ý này là để nhấn mạnh vào tính an toàn tuyệt đối của Passport Nhật Bản. Từ thời hậu chiến, người Nhật không mất quá nhiều thời gian để đưa Passport của họ từ con số không lên thứ hạng đầu tiên cũng bởi luôn chu toàn trong việc cải tiến độ tin cậy. Hộ chiếu là chứng minh công dân được sử dụng ở cấp quốc tế, do đó nếu dễ dàng sao chép, quốc gia ấy rất dễ mất uy tín. Đến ngày nay, khi có được độ tin cậy cao, người Nhật vẫn không ngừng nâng cao, cải tiến đến mức triệt để.

Thêm một lý do khác nằm ở tính cách đáng tin cậy của con người Nhật Bản. Không có nhiều trường hợp người Nhật định cư bất hợp pháp hay phạm tội ở nước ngoài, đó cũng là lý do chính mà nhiều quốc gia hoan nghênh người Nhật đến nước họ để du lịch, hay kinh doanh. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa không có người Nhật nào gây rắc rối ở nước ngoài, nhưng đó chỉ là thiểu số.

Nhờ lớp người Nhật đi trước không gây sự, không làm chuyện xấu mà Passport của người Nhật được đánh giá cao.

Việt Nam có nhiều trường hợp bị phát hiện cư trú và kinh doanh bất hợp pháp tại nước ngoài, ví dụ Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra có trường hợp bị bắt do trộm cắp, lừa đảo,… Dù Chính phủ các nước đã có nhiều cuộc đàm phán, vẫn rất khó để tiến tới việc miễn thị thực.

Xin nhớ rằng, khi xuất ngoại, cầm trên tay quyển hộ chiếu của quốc gia mình, bạn trở thành đại diện cho cả một dân tộc. Đừng vì những suy nghĩ cá nhân ích kỷ mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng, đó cũng là vì sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Trước khi có được niềm tin của hiện tại, người Nhật cũng từng bắt đầu từ con số 0. Trong tương lai, tôi hy vọng nhiều người Việt có thể đến quốc gia họ thích mà không cần phải vất vả đi xin Visa.

Kengo Abe

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: