Là quốc gia “tự động hoá” mọi thứ, nhưng bí quyết của “chất lượng Nhật Bản” lại nằm ở thợ thủ công

Tôi cho rằng nhiều người đã biết về trình độ đỉnh cao của các đầu bếp ở nhà hàng Sushi Nhật Bản, ngoài ra các thợ mộc, đầu bếp chế biến Soba,… đều có tay nghề cao. Không chỉ những người lớn tuổi, từng trải mà có rất nhiều nghệ nhân, đầu bếp,… trẻ tuổi. Thế nhưng để đạt được kỹ thuật điêu luyện này, đó không phải năng khiếu bẩm sinh mà đòi hỏi thời gian dài rèn luyện cực khổ.

Ảnh https://www.hatalike.jp/more/article/197/

Không phải cứ được nhận vào nhà hàng Sushi là bạn được phép trở thành đầu bếp. Ai cũng phải bắt đầu từ công việc dọn dẹp. Thời gian tối thiểu là 2 năm, có người phải dọn dẹp lâu hơn. Bước tiếp theo là nấu cơm và pha trà, trong thời gian này, bạn chưa được phép nắn cơm giấm hay chạm vào miếng cá. Theo kinh nghiệm của nhiều người, từ thời điểm bạn được nhận vào nhà hàng, mất từ 5 đến 10 năm để một đầu bếp được làm miếng Sushi đầu tiên. Tất nhiên một số nhà hàng tuyển đầu bếp từ các trường đào tạo chuyên nghiệp và cho phép nhân viên mới được làm Sushi, thế nhưng các đầu bếp ở nhà hàng cao cấp vẫn luôn không ngừng rèn luyện để nâng cao tay nghề.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở một quán Bar ở khu Ginza. Ông chủ Kishi rất nổi tiếng, được xem như Bartender giỏi nhất thế giới vào năm 1996. Quán Bar rất nhỏ, chỉ bao gồm quầy pha chế và 3 chỗ ngồi. Ở đây có 5-6 nhân viên là Bartender được đào tạo bài bản. Thế nhưng công việc đầu tiên của họ ở quán Bar này là đánh bóng ly. Sau 2 năm, họ được phép làm việc với đá. Đó là công việc tạo tác đá thành hình dạng đẹp mắt.

Mỗi ngày các nhân viên đến quán Bar để luyện tập, sau từ 5-6 năm có thể chế biến Cocktail.

Quá trình rèn luyện, đào tạo nhân viên khắt khe và mất nhiều thời gian này có thể chỉ tồn tại ở Nhật Bản. Bạn có thể cho rằng điều này là vô nghĩa, thế nhưng đây là yếu tố cần thiết để duy trì cái gọi là “chất lượng Nhật”.

Bạn cho rằng khách đến quán Bar chỉ để uống rượu ư? Nếu vậy chỉ cần một chiếc máy pha chế với các chế độ điều chỉnh sẵn là được. Khách hàng đến đây vì cuộc trò chuyện ngẫu nhiên cùng với Bartender, chính vì vậy cái mà các nhân viên ở đây học không chỉ là những kỹ thuật pha chế mà là cách xây dựng bầu không khí đặc trưng chỉ có tại quán Bar này.

Trong quá trình đánh bóng ly và tạo hình đá, nhân viên lắng nghe cuộc trò chuyện của các Sempai cùng khách hàng, và “hấp thụ” bầu không khí này vào người. Quá trình cần nhiều thời gian để cảm nhận, từ khi nào “chớm nở” trong họ và trở thành kỹ năng đặc biệt chỉ có thể được tôi luyện một cách lâu dài.

Nói về ngành sản xuất máy ảnh, các thương hiệu Nhật Bản như Canon, Nikon nổi tiếng toàn cầu. Nguyên nhân nằm ở ống kính hiệu suất cao, thế nhưng bí quyết không nằm ở máy móc mà nằm ở bàn tay của người thợ thủ công.

Trong ngành đóng tàu, một trong những điều khiến người Nhật tự hào là kỹ thuật chế tạo chân vịt. Nhờ kỹ thuật này mà khi tàu chạy trên nước không gây ra tiếng ồn. Nếu sử dụng kỹ thuật này với tàu ngầm, con tàu trở thành vật thể khó xác định, do đó mà tàu ngầm Nhật từng bị hạn chế xuất khẩu trong thời gian dài. Đó là đẳng cấp mà máy móc không thể đạt được, chỉ có thể là bàn tay của con người làm ra.

Nhật Bản, quốc gia có thể “tự động hoá” mọi thứ, nhưng ở một khía cạnh khác, lại khuyến khích mở rộng năng lực của thợ thủ công đến mức tối đa.

Người Nhật có câu: 習うより、慣れろ (hơn cả học là thói quen – Gần giống với câu tục ngữ “Trăm hay không bằng tay quen”). Không có luyện tập, không bỏ thời gian công sức thì không có nhân tài.

Mọi thành tựu đều bắt nguồn từ ý chí học hỏi mà ra. Năng khiếu suy cho cùng là một sở thích được mài dũa bằng đam mê !

 

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: