Đi đường ở Nhật, đừng chỉ mãi nhìn phía trước, mà hãy nhìn xuống để chiêm ngưỡng … nắp cống
Ngày bé nếu chúng ta đi bộ mà cứ “cắm đầu xuống đất” sẽ bị bố mẹ nhắc nhở ngay. Khi còn nhỏ, tôi hay bị nhắc thế này “Nhìn thẳng đi chứ, dưới đường có gì mà nhìn”.
Câu nhắc nhở của phụ huynh có thể đúng với một số quốc gia, nhưng không phải Nhật Bản.
Bởi lẽ nếu đi ở Nhật, bạn không nhìn xuống, có thể bạn sẽ bỏ lỡ những chú cá Koi bơi lượn dưới đường nước ngầm, hoặc cả những chiếc nắp cống đầy tính nghệ thuật.
Ở Nhật, vẻ đẹp thẩm mỹ của những chiếc nắp cống không dừng lại ở nét đẹp đô thị đến từ những thứ bình thường nhất, mà dường như trở thành “nỗi ám ảnh” của các địa phương. Một số tỉnh thành tận dụng mọi sự sáng tạo để sở hữu những chiếc nắp cống sáng tạo nhất, đồng thời cũng để quảng cáo cho các đặc điểm du lịch địa phương.
Năm ngoái, những chiếc nắp cống có hình Pokemon đầu tiên đã được lắp đặt ở Nhật Bản. Một năm sau, họ đã lắp được tổng cộng 100 nắp.
Ảnh https://kotaku.com/there-are-now-100-pokemon-manholes-in-japan-1844798777
Các nắp cống Pokemon được đặt tên là Poké Futa (ポケふた) – nắp Poke, được lắp ở nhiều tỉnh, bao gồm Hokkaido, Iwate, Fukushima, Kagawa,…
Ảnh https://kotaku.com/there-are-now-100-pokemon-manholes-in-japan-1844798777
Đây là mô hình nắp cống ở công viên Serigaya.
Ảnh https://kotaku.com/there-are-now-100-pokemon-manholes-in-japan-1844798777
Các nắp cống Pokemon này là một phần của dự án có tên Pokémon Local Acts, nhằm thúc đẩy du lịch địa phương. Ở một số quốc gia khác, nắp cống chẳng qua chỉ để che đậy các đường nước ngầm dưới lòng đất, nhưng ở Nhật đó là cả một nét nghệ thuật.
Với dự án này, mọi người Nhật có thể trải nghiệm những chuyến du lịch địa phương, kết hợp sưu tầm hình ảnh về các nắp cống có hình Pokemon trên toàn quốc.
Đôi nét về những chiếc nắp cống trên toàn nước Nhật.
Người Nhật rất hâm mộ nghệ thuật hiện đại, điều này thể hiện qua thiết kế của những chiếc nắp cống. Đa số các nắp cống được thiết kế theo dạng khối, màu sắc và hình ảnh mang tính trừu tượng. Do đó mà bên cạnh chiêm ngưỡng, bạn có thể thử tài giải mã ý nghĩa của những chiếc nắp cống dựa trên kiến thức lịch sử, văn hoá của bạn về địa phương đó.
Ảnh https://www.kuriositas.com/2012/01/art-of-japanese-manhole.html
Những cư dân của Sakura-machi thuộc Nishio đã chọn hoạ tiết trên nắp cống là một cái cây xum xuê. Có thể điều này thể hiện hy vọng hồi sinh sự sống thực vật ở đây dựa vào nguồn nước sạch.
Ảnh https://www.kuriositas.com/2012/01/art-of-japanese-manhole.html
Chiếc nắp cống này ở Ichinomiya chắc chắn sẽ làm cho tâm trạng một ngày tăm tối của bạn có thêm sắc màu tươi sáng. Ai bảo cứ nhìn xuống là “không ngóc đầu lên nổi” chứ?
Ảnh https://www.kuriositas.com/2012/01/art-of-japanese-manhole.html
Hokkaido nổi tiếng với món Mực, do đó mà trên nắp cống của địa phương này cũng được thiết kế hình con Mực.
Được biết trước khi được trang trí, nắp cống ở Nhật đã có hơn 6000 loại khác nhau. Kích thước nắp được quy định rõ ràng, dày 17cm, nặng 40kg, sở dĩ trọng lượng lớn là để tránh bị đánh cắp.
Ở một số quốc gia bao gồm Việt Nam, khi xe cộ đi ngang nắp cống sẽ có tiếng ồn, đó là bởi nắp không khớp với lỗ cống. Thế nhưng ở Nhật, người ta đo sao cho khớp đến từng mm, do đó gần như không hề có tiếng động khi dẫm lên nắp. Ngoài ra mỗi nắp cống đều được gắn Camera để quan sát tình trạng nắp, phòng trường hợp nắp bị cuốn trôi do mưa lớn, hay bị lấy mất. Bởi lẽ sẽ rất nguy hiểm nếu ai đó rơi vào lỗ cống.
Bạn đã có động lực đi Nhật để ngắm những chiếc nắp cống chưa nhỉ?
Sacchan