Mê tín kiểu Nhật – Không phải là niềm tin mù quáng, thiếu cơ sở !

Bạn có biết nghĩa của từ 験担ぎ (Genkatsugi) là gì không nhỉ? Người giỏi tiếng Nhật có thể đã từng nhìn thấy Kanji này, thế nhưng ý nghĩa cụ thể ra sao chưa chắc đã hiểu hết.

験 (Gen) có nghĩa là kinh nghiệm. Động từ 担ぐ (Katsugu) là mang theo, vác theo vật gì đó. Tóm lại cả cụm có nghĩa đại ý là “Mang theo kinh nghiệm”.

Nếu hiểu theo ý nghĩa mở rộng, người ta rút ra kinh nghiệm rằng khi làm hành động nào đó khiến điều tốt xảy ra, nếu lặp lại hành động ấy sẽ mang điều tốt đến. Từ ý tưởng này mà kiểm soát hành động của chính mình.

Ví dụ, một ngày nọ có người mang giày vào chân trái trước, trùng hợp cả ngày công việc thuận lợi. Từ đó mà người đó nghĩ rằng nếu mang giày từ chân trái, công việc trong ngày sẽ được như ý.

Nghe như một dạng mê tín đúng không? Tuy nhiên không xét đến vấn đề mê tín hay không, suy nghĩ này đem lại cảm giác tích cực và hưng phấn cho người khác. Khi tâm trạng tốt sẽ thể hiện qua hành vi, lan toả đến những người xung quanh. Đó mới chính là điều mang lại vận may.

Câu chuyện về cái tên của các cửa hàng cá Trạch

Ảnh https://e-asakusa.jp/spot/333

Bạn có biết cá Trạch không nhỉ? Loài cá này giống như phiên bản thu nhỏ của Lươn vậy. Cá Trạch là món ăn phổ biến ở khu lao động Tokyo.

Dù cá Trạch trong tiếng Nhật là Dojou nhưng biển hiệu lại đề là Dozeu, sao lại như thế?

Komagata Dozeu là một cửa hàng cá Trạch bắt đầu hoạt động từ năm 1801 đến nay. Tên gốc của cửa hàng là Komagata Dojou. Tuy nhiên chỉ một thời gian sau khi khai trương, cửa hàng bị thiêu rụi do hoả hoạn. Khi đó người ta cho rằng chữ Dojou (どじょう) trong cái tên gồm 4 ký tự đem lại điều gở, nên đổi thành Dozeu (どぜう) gồm 3 ký tự. Không biết do trùng hợp hay thực sự vì Dojou mang lại điều gở mà từ sau khi đổi tên, cửa hàng phát triển thịnh vượng đến 200 năm sau.

Người dân thành Edo (tên cũ của Tokyo) rất thích và tin theo Genkatsugi này. Kể từ câu chuyện của cửa hàng này mà các cửa hàng bán cá Trạch khác cũng đổi tên thành Dozeu.

Nhân tiện tôi cũng xin giới thiệu về món cá Trạch.

Ảnh https://matome.miil.me/articles/SdiSpR3w

Cá Trạch nấu với Ngưu bàng, phủ lên một lớp trứng, thêm thật nhiều hành lá. Đây là món ăn giàu sắt và canxi, món ăn đề xuất cho chị em phụ nữ bị chứng thiếu máu.

Không chỉ món cá Trạch mà còn nhiều món ăn khác có cái tên liên quan đến Genkatsugi.

Ví dụ: trong tên món Katsukarē (cà ri cốt lết) có chữ Katsu có nghĩa là chiến thắng. Ngài Shinzo Abe, dù đã từ chức, nhưng được biết vào ngày bầu cử của mình, ông đã ăn món cà ri cốt lết này.

Ngoài ra món Kitkat nổi tiếng của người Nhật cũng là một món ăn may mắn vì có cách đọc giống với Kitto Katsu (chắc chắn thắng lợi).

Ảnh https://www.amazon.co.jp/Nestle-ネスレ-ネスレ日本-キットカット-14枚×12袋/dp/B00O8OFHW0

Người nổi tiếng Nhật Bản tin vào Genkatsugi

Huấn luyện viên bóng chày nổi tiếng Nhật Bản Katsuya Nomura cũng là một người rất tin vào Genkatsugi. Ông sẽ không thay quần nếu đội nhà thắng liên tiếp, chỉ thay khi có một trận thua (thật vi diệu!!!). Thêm nữa, vào ngày đội tuyển thua, ông sẽ về nhà bằng con đường khác mọi lần.

Huyền thoại bóng chày Ichiro Suzuki có truyền thống ăn cà ri mỗi buổi sáng ngày thi đấu và ăn lưỡi bò hôm khai mạc giải đấu. Từ thứ tự chân mang giày đến mở cửa bằng tay nào đều có quy tắc riêng, đảm bảo tuân theo Genkatsugi.

Egawa Suguru, tay ném bóng của đội bóng chày Yomiuri Giants, Tokyo luôn quyết định sẽ ăn gì trước khi đấu với đội nào, để có thể thực sự “nuốt chửng” đối phương trong trận đấu. Nếu hôm đó đấu với Hiroshima Carp anh ta sẽ ăn đặc sản Hiroshima là món Hàu nướng. Nếu đấu với Hanshin Tigers sẽ ăn món bánh kẹo đặc trưng của cửa hàng Tora (Tora nghĩa là con Hổ – Tiger trong tiếng Nhật).

Shinji Kagawa, cầu thủ bóng đá luôn mặc quần hồng đến sân đấu.

Nhân tiện tôi cũng là một người tin vào Genkatsugi. Tôi sinh vào ngày 18 tháng 10, do đó tôi tin mình sẽ may mắn nếu ngày hôm đó nhìn đồng hồ vào thời điểm 10 giờ 18 phút. Chính vì vậy mà tôi có thói quen bắt đầu nhìn đồng hồ vào khoảng 10 giờ 15 phút.

Genkatsugi của người Nhật là một dạng niềm tin do chính mình tạo ra. Chẳng có chứng cứ khoa học nào chứng minh mặc quần hồng đến sân đấu sẽ dành chiến thắng cả, thế nhưng đó là cách để bản thân luôn cảm thấy tràn trề năng lượng và sống tích cực. Đây mới chính là bí quyết của may mắn !

 

 

 

Kengo Abe 
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: